Vệ sinh cuống rốn cho bé sơ sinh như thế nào cho đúng?

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Phần cuống rốn là một phần rất quan trọng bởi khi còn ở trong bụng mẹ đây là phần trao đổi chất, giúp bé nhận được nguồn dinh dưỡng và oxy từ mẹ. Đến khi bé được sinh ra, phần cuống rốn có tác dụng gì, cách vệ sinh đúng cách như thế nào,…? Những người làm cha mẹ lần đầu thường rất lo lắng khi chưa có kinh nghiệm xử lý vùng này cho các bé sơ sinh của mình. Hãy cùng tìm hiểu những cách vệ sinh cuống rốn cho bé sơ sinh tại bài viết này ngay nhé.

Dây rốn là gì?

Như đã nói ở trên, dây rốn là nguồn sống và là sự kết nối giữa mẹ và thai nhi, là nơi duy nhất bé nhận được dinh dưỡng và oxy từ mẹ. Dây rốn có độ dài trung bình khoảng 50cm và rộng khoảng 2cm, được kéo dài từ một lỗ mở nằm trong dạ dày của thai nhi đến nhau thai.

Đặc điểm cấu tạo và chức năng của dây rốn

Đặc điểm cấu tạo

Trong quá trình phát triển thai, dây rốn là một phần của thai nhi về mặt sinh lý và di truyền. Ở người, hay cụ thể là ở một em bé sơ sinh, nó thường chứa 2 động mạch (động mạch rốn) và 1 tĩnh mạch (tĩnh mạch rốn), được chôn bên trong thạch Wharton.

Tĩnh mạch rốn sẽ giúp cung cấp cho thai nhi máu giàu oxy và dưỡng chất từ nhau thai trong khi tim thai bơm máu chứa lượng oxy thấp và máu đã kiệt chất dinh dưỡng ngược trở lại nhau thai qua động mạch rốn.

Thạch Wharton được biết đến là một hợp chất có dạng sền sệt, được tạo thành từ các nguyên bào sợi dài, khoảng cách rộng, và được phân tách bằng lưới ba chiều của các sợi collagen, giúp bảo vệ mạch máu từ sâu bên trong.

Chức năng của dây rốn

Dây rốn đóng một vai trò quan trọng trong việc vận chuyển các chất dinh dưỡng, máu và oxy từ mẹ cho sự phát triển của thai nhi trong suốt quá trình mang thai.

Thông thường, lưu lượng máu qua dây rốn khoảng 35ml/phút khi thai nhi được 20 tuần tuổi và tăng gấp hơn 6 lần khi được 40 tuần tuổi – thời điểm thai nhi chuẩn bị chào đời.

Cách vệ sinh cuống rốn cho bé đúng cách

Nếu như coi dây rốn như một cái cây thì cuống rốn chính là phần gốc rễ. Tuy nhiên, khi bé được chào đời, dây rốn của bé sẽ được bác sĩ cắt ngắn đi còn khoảng 2 – 3cm tính từ cuống rốn. Phần cuống rốn này sẽ khô lại và rụng đi sau khoảng thời gian từ 7 – 10 ngày.

Khi cuống rốn chưa khô, nó vẫn có một sự liên kết với bé sơ sinh. Do vậy, việc giữ gìn phần rốn sạch sẽ và thông thoáng là một việc hết sức quan trọng. Trong lúc chờ đợi cuống rốn rụng, mẹ hãy chăm sóc bộ phận này một cách sẽ nhàng bằng cách:

Giữ cho cuống rốn luôn khô ráo

Các bậc cha mẹ chắc chắn đã được các bác sĩ hướng dẫn cách vệ sinh cuống rốn bằng dung dịch cồn sau mỗi lần thay tã rồi phải không nào? Việc vệ sinh cuống rốn bằng cồn 70 độ hoặc các dung dịch khác như eosin 1%,… có tác dụng tiêu diệt vi khuẩn, và giúp dây rốn nhanh khô và nhanh rụng hơn.

Mẹ cũng nên chú ý là hãy để rốn bé được tiếp xúc nhiều với không khí hơn, không nên bịt chặt gây hấp hơi, ẩm ướt, dễ dẫn đến nhiễm trùng.

Hãy để cuống rốn của bé tự rụng

Việc giúp bé nhổ bỏ cuống rốn là một điều sai lầm vô cùng tai hại. Nếu bé nhổ bỏ cuống rốn bé có thể sẽ gây ra tình trạng chảy máu và nhiễm trùng. Rất nguy hiểm tới tính mạng của bé. Vì vậy, mẹ hãy để cho nó được rụng tự nhiên mà không nên có các biện pháp can thiệp nào khác ngoài vệ sinh sạch sẽ.

Quy trình vệ sinh cuống rốn cho bé:

Bước 1: Mẹ chuẩn bị bông vô khuẩn, gạc vô trùng, cồn/ dung dịch dùng để vệ sinh và gạc băng rốn.

Bước 2: Mẹ phải rửa tay sạch sẽ trước khi vệ sinh cho bé.

Bước 3: Tháo băng rốn cũ của bé

Bước 4: Dùng bông vô khuẩn thấm vào cồn/ dung dịch và bắt đầu vệ sịnh rốn cho bé theo thứ tự từ chân rốn, thân rốn và chỗ cắt cuống rốn.

Bước 5: Sát trùng khu vực xung quanh rốn trong bán kính 5cm.

Bước 6: Dùng gạc băng rốn băng lại tránh để quần áo hoặc tã, bỉm cọ xát vào rốn gây tấy đỏ, trầy xước.

Thông thường, phần cuống rốn bé sẽ rụng đi trong khoảng từ 7 – 10 ngày. Tuy nhiên, nếu mẹ thấy rốn bé quá thời gian trên chưa rụng mà không có dấu hiệu nhiễm trùng thì mẹ cũng không nên quá lo lắng nhé. Mẹ cứ áp dụng quy trình vệ sinh rốn cho bé hàng ngày, rốn bé sẽ tự rụng đi. Mỗi bé sẽ có chu kỳ rụng rốn khác nhau nên mẹ hãy yên tâm chú ý quan sát nhé.

Vệ sinh cuống rốn không đúng cách có nguy hiểm hay không?

Nhiễm trùng sơ sinh rất dễ bắt gặp khi người trực tiếp làm công tác vệ sinh cho bé không đảm bảo được các nguyên tắc an toàn. Nhiễm trùng cuống rốn là một trong những dạng điển hình của nhiễm trùng sơ sinh. Nó có nguy cơ dẫn đến bệnh uốn ván rốn – nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ sơ sinh.

Dấu hiệu nhiễm trùng rốn

Dấu hiệu cho biết bé đang bị nhiễm trùng rốn bao gồm: rốn bé bị sưng đỏ; rốn bị rỉ dịch, có mủ hoặc sau khi rụng rốn vẫn bị ướt; rốn có mùi hôi khó chịu; hoặc rốn bị chảy máu.

Nguyên nhân gây nhiễm trùng rốn

Khi vệ sinh rốn cho bé, mẹ đừng lo sợ việc bé bị đau mà không dám đụng vào rốn bé hay việc băng chặt suốt ngày đêm làm phần rốn không thoát được ẩm,…. Điều này dễ khiến vi khuẩn có hại sinh sôi nảy nở.

Cách chăm sóc khi rốn bé bị nhiễm trùng

Nếu nhận thấy bé có các dấu hiệu bị nhiễm trùng rốn, cách tốt nhất mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện hoặc các cơ sở y tế để được điều trị kịp thời. Sau đó, khi tình trạng của bé ổn định, mẹ cần phải áp dụng các nguyên tắc chăm sóc một cách nghiêm ngặt để vệ sinh cho bé. 

Ngoài ra, hãy trao đổi với bác sĩ điều trị của bé nếu cuống rốn của bé chưa rụng sau 3 tuần. Đây cũng có thể là dấu hiệu của một vấn đề tiềm ẩn chẳng hạn như nhiễm trùng hoặc rối loạn hệ thống miễn dịch.

Một vài mẹo dân gian hay ho khi bé đã rụng rốn

Theo kinh nghiệm dân gian truyền lại, có một vài mẹo mẹ có thể áp dụng cho bé khi rốn bé đã rụng giúp bé thông minh hơn. Tùy vào mức độ tin của từng người, mẹ có thể tham khảo và áp dụng nhé.

Nếu mẹ mong muốn mai sau bé trở nên thông minh, sáng dạ, tương lai tươi sáng thì khi rốn bé rụng, mẹ hãy nhặt lại và treo lên đèn để bàn hoặc treo trước gương hoặc treo hướng về phía mặt trời mọc.

Cách làm cất cuống rốn của bé trong lọ rồi treo đầu giường cũng là một mẹo được các ông bà ta truyền lại với mong muốn bé sẽ thông minh, khỏe mạnh.

Nếu như hai cách làm trên không được khả thi cho lắm bởi cuống rốn sau khi rụng một thời gian sẽ bị thối và bốc mùi thì mẹ có thể áp dụng cách chôn cuống rốn cho bé. Mẹ có thể chôn ở trong vườn hoặc vườn hoa cùng với nhau thai hoặc cuống rốn của các anh chị em giúp tình cảm gia đình được khăng khít, bền chặt.

Lưu trữ tế bào gốc cuống rốn từ lâu đã trở thành phương pháp được nhiều gia đình áp dụng. Theo các nghiên cứu khoa học đã chỉ ra được rằng tế bào gốc cuống rốn có khả năng chữa trị được khoảng 80 loại bệnh khác nhau, trong đó có cả các căn bệnh nguy hiểm như: ung thư, tiểu cầu,… Tuy nhiên, việc lưu trữ này chỉ trong khoảng thời gian tối đa là 18 năm và chi phí bỏ ra khá đắt đỏ.