Trong vấn đề dinh dưỡng của trẻ nhỏ, carbohydrate là một trong những nhóm chất không thể thiếu. Có thể với người trưởng thành, chúng ta có thể cắt giảm nhóm chất này, nhưng trẻ nhỏ lại ngược lại hoàn toàn. Vậy carbohydrate với sự phát triển của trẻ nhỏ quan trọng tới mức độ nào?
Carbohydrate là gì?
Giống với protein và chất béo, carbohydrate là một trong ba nhóm chất đa lượng cần thiết với nhu cầu dinh dưỡng của con người. Cơ thể chúng ta không tự sản sinh ra được lượng carbohydrate mà phải thông qua việc ăn uống, dung nạp thực phẩm bên ngoài. Nó rất cần thiết trong việc duy trì các hoạt động chức năng trong cơ thể. Mỗi người, tùy thuộc vào từng độ tuổi mà nhu cầu về lượng carbohydrate với cơ thể sẽ là khác nhau.
Nhiều người thường hay lầm tưởng rằng carbohydrate là tinh bột nhưng thực chất lại không phải vậy. Tinh bột chỉ là một trong các loại carbohydrate mà thôi.
Nhắc đến carbohydrate, người ta sẽ nghĩ ngay đến 3 loại chính, bao gồm:
- Tinh bột: được cấu tạo từ chuỗi dài các phân tử glucose. Khi thức ăn có chứa nhiều tinh bột đi vào trong cơ thể, nó sẽ được chuyển hóa thành glucose ngay trong hệ tiêu hóa. Lượng glucose đã được chuyển hóa nếu còn dư sẽ được chuyển hóa thành glycogen. Chất này sẽ được tích trữ trong các cơ của cơ thể.
- Đường bột: các nhóm đường bột mà chúng ta hay biết là glucose, saccharose, fructose, …
- Chất xơ: Tuy rằng chất xơ không cung cấp năng lượng cho cơ thể, nhưng nó lại có tác dụng trong việc nuôi dưỡng hệ sinh thái lợi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Những lợi khuẩn này lại tiếp tục sử dụng lượng chất xơ nạp vào cơ thể để tạo thành các axit béo. Một số tế bào trong cơ thể sẽ sử dụng các axit béo này để sản sinh ra nguồn năng lượng.

Carbohydrate (carbs) được chia thành carbs tốt và carbs xấu. Carbs tốt có nhiều trong các loại đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu phộng, … hoặc các loại ngô, khoai, ngũ cốc, yến mạch, bánh mì, … Các carbs tốt thường có cấu trúc phức tạp nên cơ thể thường khó hấp thụ hơn. Ngược lại các carbs xấu thường có nhiều trong các loại đồ ngọt, gạo trắng, … Chúng thuộc nhóm carbs đơn giản, dễ hấp thụ nhưng nó lại ít giá trị dinh dưỡng hơn rất nhiều so với các dạng carbs tốt.
Do đó, các chuyên gia dinh dưỡng vẫn luôn luôn khuyến cáo rằng nên tăng cường các loại thực phẩm chứa nhiều carbs có lợi, và tránh xa các loại carbs xấu.
Vai trò của Carbohydrate với sự phát triển của bé
Carbohydrate là nguồn cung cấp năng lượng nhiều nhất trong khẩu phần ăn hằng ngày. Nó thường hay bị coi nhẹ vì có thể tìm thấy nhiều trong các loại thực phẩm. Nhưng nếu mẹ dành ra một chút thời gian để tìm hiểu về nhóm dưỡng chất này, nó lại có những vai trò quan trọng với sự phát triển của bé đó.
Sản sinh năng lượng
Đây là vai trò chính của carbs. Quá nửa năng lượng từ carbs trong khẩu phần ăn hằng ngày là do carbs cung cấp. Mặc dù 1g carbs chỉ cung cấp 4kcal cho cơ thể, trong khi đó chỉ với 1g chất béo đã cung cấp đến 9kcal.
Một phần carbs để tạo năng lượng, một phần carbs dư thừa sẽ dự trữ trong gan và các cơ bắp, … Khi cơ thể chưa kịp bổ sung thêm, các carbs dự trữ sẽ được giải phóng ra tạo thành năng lượng cho cơ thể. Chính vì lẽ đó mà khi chúng ta đói, giờ ăn chưa đến, các hệ cơ quan trong cơ thể chúng ta vẫn có thể vận hành được một cách bình thường.
Chuyển hóa chất
Carbs cũng hỗ trợ rất nhiều trong quá trình trao đổi chất của protein và lipid để xây dựng và tái tạo lại các cơ quan.
Cải thiện trí nhớ
Các chức năng của não bộ, hệ thần kinh và quá trình sản xuất hormone cũng cần có vai trò quan trọng của carbs. Quá thiếu hụt hay quá dư thừa carbs cũng ảnh hưởng rất lớn đến trí nhớ, tâm trạng và cả cảm xúc của con người. Điều này lý giải vì sao khi các bé bị quá đói lại thường hay cáu gắt và khóc lóc.

Chống lại bệnh tật
Giúp cơ thể chống chọi lại bệnh tật chính là nhờ vào công dụng của chất xơ. Các loại hạt, ngũ cốc nguyên hạt và chất xơ có trong thực phẩm sẽ giúp hạn chế được các bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường và quá trình tiêu hóa của bé cũng tốt hơn.
Hậu quả của việc thiếu hoặc thừa carbohydrate
Tình trạng phân hủy protein trong thức ăn sẽ được giảm thiểu tối đa khi cơ thể được cung cấp đầy đủ lượng carbs hằng ngày. Và điều gì sẽ xảy ra nếu như cơ thể bị thiếu hoặc thừa carbohydrate?
Dễ hiểu thôi, nó sẽ làm gia tăng thêm tình trạng phân hủy protein để sản sinh năng lượng. Các chất béo cũng sẽ rơi vào tình trạng giống như protein, bị phân hủy khiến cơ thể không còn năng lượng để sử dụng.
Cơ thể khi bị thiếu carbs sẽ gây thiếu năng lượng, ảnh hưởng đến các hoạt động thể chất của các bé, có thể khiến bé mắc phải chứng bệnh suy dinh dưỡng và thấp còi. Tình trạng cơ thể thiếu carbs lâu ngày, bé sẽ thường xuyên bị chóng mặt, mệt mỏi, chân tay bủn rủn, không giữ được thăng bằng mỗi khi đứng dậy.
Lượng carbs không đủ cho nhu cầu của cơ thể, lượng protein sẽ là yếu tố thay thế cho nhu cầu hiện tại. Quá trình này khiến cơ bắp bị tổn hại, khả năng thận bị tổn thương là rất cao. Những trẻ em bị thiếu carbs, các vấn đề về tiêu hóa như táo bón là điều tất yếu.
Đối lập với tình trạng thiếu carbs, khi cơ thể thừa carbs, những carbs còn dư thừa sẽ chuyển hóa thành chất béo dự trữ ở các tổ chức dưới da, dưới màng bụng. Quá thừa carbs trong thời gian dài sẽ gây tích lũy năng lượng thừa trong cơ thể gây hiện tượng thừa cân và béo phì ở trẻ nhỏ.
Nhu cầu và thực phẩm giàu carbohydrate
Nhu cầu về carbohydrate của cơ thể phụ thuộc rất nhiều vào khả năng tiêu hao năng lượng của cơ thể. Các bé càng hoạt động nhiều, lượng carbs tiêu hóa càng cao, nhu cầu nạp thêm carbs càng lớn, và ngược lại.
Carbs cung cấp nhiều dưỡng chất có lợi nhưng không phải loại carbs nào cũng tốt. Để có một chế độ ăn lành mạnh đúng nghĩa, việc lựa chọn thực phẩm như thế nào cũng rất quan trọng.

Nhóm thực phẩm nào cũng có chứa carbohydrate nhưng giàu nhất có lẽ là các thực phẩm có nguồn gốc từ thực vật. Các loại hạt, các loại trái cây, các loại rau củ chính là những loại thực phẩm hàng đầu cung cấp carbs cho cơ thể. Các thực phẩm động vật không có vài trò đáng kể trong việc cung cấp carbs.
Với trẻ nhỏ, để nâng cao các carbs có lợi, các mẹ cần lưu ý lựa chọn các nguồn carbs tốt như:
- Tập trung vào các loại rau, củ, quả tươi bởi nó rất giàu chất xơ. Các sản phẩm nước ép sẵn và hoa quả khô cũng là cách bổ sung carbs cho cơ thể. Tuy nhiên, cần hạn chế các nguồn thực phẩm có nhiều đường hóa học, rất có hại cho cơ thể.
- Ưu tiên sử dụng các loại ngũ cốc nguyên hạt bởi ngũ cốc nguyên hạt có hàm lượng chất xơ cao hơn hẳn so với với các loại ngũ cốc đã được tinh chế, nhất là vitamin nhóm B.
- Không bỏ qua sữa và các sản phẩm có nguồn gốc từ sữa cho bé, đặc biệt là các bé dưới 1 tuổi. Đây chính là nguồn dinh dưỡng vô cùng quý giá cho sự phát triển của bé.
- Tăng cường sử dụng các thực phẩm từ cây họ đậu như đậu Hà Lan, đậu lăng, đậu gà, … đều rất tốt cho các bé đang ở độ tuổi ăn dặm.
Những chia sẻ trên đây có thể chưa được đầy đủ nhưng những kiến thức về dinh dưỡng cho bé sẽ rất hữu ích với các mẹ có con nhỏ. Hy vọng nó giúp ích cho mẹ trong việc lên thực đơn khoa học cho bé, giúp bé ăn ngon và phát triển khỏe mạnh.