Trẻ 3 tháng tuổi sẽ trải qua những cột mốc phát triển nào?

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Ba tháng đầu đời đánh dấu một khoảng thời gian thú vị khi bé đã hoàn thành xong được “tam cá nguyệt thứ tư” dành cho một em bé sơ sinh. Lúc này, em bé của bạn đã có một diện mạo mới và đã đạt được nhiều kỹ năng nhất định. Cùng đi điểm qua các cột mốc phát triển của em bé 3 tháng tuổi nhé!

Sơ lược những điều cần biết về 3 tháng đầu đời của bé

Khi được tròn ba tháng tuổi, bé đã phát triển vượt bậc so với trước rất nhiều. Về cân nặng, trọng lượng của bé đã tăng gấp đôi so với lúc mới sinh nên bé đã không còn vừa vặn với những bộ quần áo sơ sinh nữa rồi. Về chiều cao, bé cũng đã cao lớn hơn. Do vậy, việc mua sắm thêm những bộ quần áo với kích cỡ lớn hơn là điều cần thiết. Tuy nhiên, bé sơ sinh lớn rất nhanh, nên mẹ cần cân nhắc khi chọn mua quần áo cho bé, không nên mua quá nhiều một lần các mẹ nhé.

Càng lớn, bé càng có nhận thức hơn về xung quanh. Ba tháng, bé đã biết phản ứng lại với những điều thu hút bé. Khi được 1 – 2 tháng chân tay bé đã cử động được khá nhiều, mẹ có thể để bé chơi với bóng bay đồ chơi hoặc tấm thảm đồ chơi với các hình thù ngộ nghĩnh khác nhau được treo trên đó. Chắc chắn bé cảm thấy rất thích thú.

Khi bé được 3 tháng, rất nhiều bé đã biết lẫy, đã có khả năng nhìn xa và có thể ngẩng cao đầu. Hãy cho bé tập nhiều bài tập thể dục để bé phát triển được các cơ tay, chân, cổ và mắt nhé mẹ.

Trong giai đoạn này, tuy thời gian ngủ trong ngày của bé vẫn chiếm thời gian tối đa nhưng bố mẹ hãy chắc chắn rằng bé đã biết cách phân biệt được ngày và đêm để hình thành những thói quen tốt.

Các cột mốc quan trọng khi bé được 3 tháng tuổi

Ba tháng đầu đời, sinh hoạt hàng ngày của bé chỉ xoay quanh các hoạt động ăn, ngủ và chơi. Ở độ tuổi này, bé vẫn chưa nói được nhiều, nhưng mẹ có thể khuyến khích ngôn ngữ của trẻ bằng cách nói chuyện với con nhiều hơn. Mẹ có thể thường xuyên hỏi, trò chuyện cùng bé, hát cho bé nghe…

Một em bé ba tháng đã có thể thực hiện được các loại vận động như sau:

Kỹ năng vận động thô

Khi bé được đặt nằm ngửa, bé có thể tự lật nằm úp lại (kỹ năng lẫy) và nâng đầu lên cao. Cơ cổ của bé sẽ ngày càng phát triển và khỏe hơn.

trẻ lẫy giúp phát triển cơ cổ
trẻ lẫy giúp phát triển cơ cổ

Phản ứng lại với âm thanh

Bé sẽ có xu hướng quay đầu đi tìm và hướng về nơi nào có phát ra âm thanh. Việc bé nghe thấy những âm thanh quen thuộc hay một loại âm thanh bất kỳ như tiếng của mẹ hay tiếng xúc xắc, hay tiếng một bản nhạc,… sẽ làm bé có phản ứng như vậy.

Có thể tạo ra những âm thanh giao tiếp

Một số bé khi nghe thấy tiếng mẹ trò chuyện cũng sẽ đáp lại bằng những âm thanh như “a”, “ơ”,… Tưởng chừng như đây là một điều đơn giản nhưng nó là cả một sự nỗ lực đối với bé. Bé sẽ rất phấn khích với những cuộc trò chuyện như vậy đó các mẹ.

Cách chăm sóc em bé 3 tháng tuổi

Về vệ sinh cơ thể 

Em bé trong giai đoạn này đã có rất nhiều hoạt động thể chất và tạo ra khá nhiều mồ hôi. Việc vệ sinh sạch sẽ cơ thể sẽ làm cho làn da bé luôn được sạch sẽ và khỏe mạnh.

Về giấc ngủ 

Mỗi ngày một em bé 3 tháng sẽ cần ngủ khoảng 14-15 giờ. Nếu mẹ nuôi bé theo khoa học, có thể tham khảo phương pháp E.A.S.Y 3 (E3). Đây sẽ là một lịch sinh hoạt cho bé tính trên thời gian của mỗi cữ bú là cách nhau 3 giờ đồng hồ. Bằng cách này, bé sẽ ngủ đủ 4 giấc một ngày bao gồm 3 giấc dài 1.5-2 giờ và một giấc ngắn cuối ngày từ 30-40 phút.

Ngủ đủ 4 giấc mỗi ngày sẽ giúp bé phát triển tốt hơn
Ngủ đủ 4 giấc mỗi ngày sẽ giúp bé phát triển tốt hơn

Áp dụng E3 sẽ giúp cho bé vào được nếp sinh hoạt rõ ràng hơn, cũng làm cho mẹ nhàn rỗi hơn, và cũng làm cho mẹ đọc vị được các vấn đề để đáp ứng nhu cầu cho bé.

Về hoạt động thúc đẩy sự phát triển 

Dù là bé sơ sinh hay bé 1-2-3 tháng đều có những bài tập thúc đẩy sự phát triển phù hợp. Một phương pháp tập mẹ có thể áp dụng cho bé là bài tập tummy time.

Tummy time là một bài tập nằm sấp dành cho bé dưới sự quan sát của bố mẹ. Đây là một bài tập mang đến những lợi ích bất ngờ cho các bé. Nó giúp cho bé được thực hành để phát triển vùng cơ ở cổ, đầu, vai và các kỹ năng vận động khác.

Dinh dưỡng tối ưu cho sự phát triển của bé trong giai đoạn này

Các chuyên gia vẫn luôn khuyến cáo nên cho bé bú mẹ hoàn toàn trong sáu tháng đầu. Do vậy, mẹ vẫn nên ưu tiên nuôi con bằng sữa mẹ. Sữa mẹ như một “liều thuốc” giúp trẻ mau hồi phục khi bị bệnh và làm giảm tử vong ở trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng. Hơn hết, bú mẹ còn là cách trấn an trẻ, giúp bé giảm bớt sợ hãi, căng thẳng.

bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giúp bé phát triển
bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu sẽ giúp bé phát triển

Ngoài ra, việc mẹ cho con bú giúp cho mẹ bỉm khỏe mạnh và có cảm giác hạnh phúc hơn. Nó còn làm giảm nguy cơ mẹ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng,… Thật tuyệt vời khi biết được đến lợi ích của việc bú mẹ, phải không nào?

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều các trường hợp mẹ có ít sữa, không đủ đáp ứng cho nhu cầu của bé. Do vậy, việc bổ sung thêm sữa công thức (hay còn gọi là sữa ngoài) là một điều cần thiết.

Bố mẹ cần lưu ý điều gì?

Áp dụng các biện pháp an toàn

Khi bé được ba tháng, hầu hết các bé đã có thể tự lẫy được. Do vậy, khi để cho bé chơi tự lập, bố mẹ vẫn phải chú ý đến bé. Nếu bé có dấu hiệu quá mỏi cổ, hãy hỗ trợ đặt bé nằm xuống. Bởi cũng có một vài trường hợp bé gục xuống gây tắc đường thở đã gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Bé có thể trở nên cáu kỉnh, biếng ăn

Ở mỗi cột mốc phát triển của bé, bé sẽ học thêm được nhiều kỹ năng mới, sẽ có những sự phát triển vượt bậc (growth spurt) hơn hẳn. Mỗi khi như vậy, hầu hết các bé sẽ trở nên biếng ăn, cáu kỉnh, bám mẹ và không thể chơi tự lập, muốn được bế rong chơi,… Nên các mẹ đừng ép bé ăn mà tùy vào nhu cầu của con để đáp ứng nhé. Sau mỗi cột mốc phát triển như vậy, bé sẽ trở lại là em bé thiên thần của bố mẹ ngay thôi.

trẻ muốn được bế rong chơi khi biếng ăn
trẻ muốn được bế rong chơi khi biếng ăn

Kích thích cho bé phát triển khỏe mạnh

Em bé giai đoạn ba tháng đầu đời như một tờ giấy trắng. Bố mẹ cần áp dụng những phương pháp khuyến khích, kích thích cho bé để bé được phát triển toàn diện cả về mặt thể chất và tình cảm. Một vài cách có thể kể đến như:

Một là, hãy ôm bé, nói chuyện với bé nhiều nhất có thể. Việc ôm ấp, vuốt ve sẽ khiến bé cảm nhận được tình yêu thương của bố mẹ, nó như một sợi dây vô hình gắn kết con người với con người lại với nhau. Đừng ngại ngần trao đi những cái ôm, nhất là với em bé sơ sinh của mình nhé.

Ôm ấp vuốt ve trẻ giúp trẻ cảm nhận được yêu thương của bố mẹ
Ôm ấp vuốt ve trẻ giúp trẻ cảm nhận được yêu thương của bố mẹ

Hai là, chơi đùa cùng bé. Việc chơi đùa cùng bé cũng giống như việc ôm ấp, nói chuyện cùng bé. Nó cũng sẽ giúp nâng cao mối liên kết về tình cảm. Bố mẹ hãy thử dùng một món đồ chơi để thu hút sự chú ý của bé, hay đơn giản chỉ cần đọc cho con một câu chuyện,… Mỗi ngày một chút, tích tiểu thành đại, sẽ khiến tình cảm gia đình càng ngày càng sâu sắc.

Ba là, cho bé tiếp xúc với những sự vật, sự việc xung quanh. Với một em bé ba tháng tuổi, tầm nhìn vẫn còn hạn chế nên bố mẹ hãy cho bé tiếp xúc với những sự vật ở gần như quả bóng, cái tivi,… và miêu tả cho bé nghe. Được trải nghiệm những điều mới mẻ sẽ rất khó quên với bé.

Bốn là, khuyến khích bé giao tiếp. Được giao tiếp với bố mẹ nhiều cũng chính là tiền đề giúp bé sau này trở nên tự tin hơn. Nên hãy giúp bé hoàn thiện kỹ năng này từ thời điểm sớm nhất có thể.