12 tháng – một khoảng thời gian nói dài cũng không dài, mà nói ngắn cũng chẳng hề ngắn. Nó đủ để cho ta thấy được sự thay đổi rõ ràng nhất về sự phát triển của một con người. Nhất là ở trẻ nhỏ, các em lớn lên từng ngày từng giờ, bởi các tế bào nơi sâu thẳm kia đang phân chia, đang lớn lên từng phút, từng giây. Sự phát triển của một em bé 12 tháng tuổi diễn ra như thế nào, mời bạn đọc cùng tham khảo!
Sự phát triển về cân nặng
Trong một năm đầu đời, trọng lượng của bé tăng lên đáng kể. Nó có thể tăng lên gấp 3 hoặc hơn 3 lần so với thời điểm lúc mới sinh. Trọng lượng cơ thể của bé sẽ tăng theo từng tháng, nhưng sẽ giảm về số lượng cân nặng tăng lên. Cụ thể:

- Trong 3 tháng đầu tiên, trung bình bé nên tăng mỗi tháng được khoảng 1kg.
- 3 tháng tiếp theo, mỗi tháng nên tăng được 0.5kg
- 3 tháng tiếp theo, mỗi tháng nên tăng được 0.3kg
- 3 tháng cuối cùng của năm đầu tiên, mỗi tháng bé chỉ cần tăng được khoảng 0.2kg mà thôi.
Ví dụ: bé sinh được 3kg. Kết thúc 3 tháng đầu tiên, cân nặng bé nên đạt được là 6kg. Khi bé được 6 tháng tuổi, bé sẽ cần được 7,5kg. Khi bé được 9 tháng tuổi, cân nặng sẽ tăng lên 8.4kg. Và khi bé được tròn 12 tháng tuổi, số cân nặng của bé sẽ dừng lại ở mức 9kg tròn trĩnh.
Với những bé không đạt được mức tăng trưởng cân nặng như vậy sẽ được coi là chậm lớn hoặc ngược lại – béo phì. Bé được coi là nhỏ con và chậm lớn, khi bé không đạt đủ tiêu chuẩn giới hạn dưới. Và bé được coi là béo phì khi bé đạt quá ngưỡng giới hạn trên.
Đối với em bé 12 tháng tuổi, bé thuộc diện còi cọc, chậm lớn khi cân nặng bé ở dưới mức 7.7kg (đối với bé trai) – 7.0kg (đối với bé gái). Và thuộc diện béo phì khi cân nặng của bé trai vượt quá 12kg (tăng gấp 4 lần so với lúc mới sinh), bé gái vượt quá 11.5kg.
Sự phát triển cân nặng của bé nên ở mức trung bình, bố mẹ mới dễ kiểm soát được tình trạng sức khỏe của con. Bởi con thấp còi hay béo phì cũng sẽ dẫn đến những hậu quả không tốt về sức khỏe, dễ đau yếu, dễ mắc bệnh hơn bình thường.
Sự phát triển về chiều cao
Số đo về chiều cao của một em bé sơ sinh khi vừa được sinh ra chuẩn nhất là 50cm. 12 tháng phát triển, bé nên cao thêm được trung bình 24 – 25cm nữa. Như vậy, cho đến khi được 1 tuổi, chiều cao bé cần đạt được ở mức cần thiết là 74 – 75cm.
Cũng giống như về yếu tố trọng lượng, chiều cao của bé cũng sẽ tăng dần qua từng tháng, tuy nhiên về tỷ lệ tăng trưởng sẽ giảm dần. Cụ thể, số đo chiều cao trung bình cho một em bé khi sinh ra được 50cm qua từng tháng như sau:
Đối với bé trai
Trong 3 tháng đầu tiên chính là thời điểm bé phát triển chiều cao nhanh nhất. 1 tháng đầu đời, bé có thể tăng thêm được khoảng gần 5cm đó các mẹ. Con số này sẽ không duy trì được “phong độ” mà sẽ giảm dần, giảm dần còn 1 – 1.2cm/ tháng khi bé được 12 tháng tuổi.
Bé trai sẽ thuộc diện “lùn” khi chiều cao bé ở mức dưới 71cm, và quá cao khi vượt quá 80.5cm khi bé được 1 tuổi.
Đối với bé gái
Tuy sự tăng trưởng qua từng tháng ở bé nào cũng sẽ giống nhau. Nhưng ở các bé gái, các bé không tăng trưởng nhanh bằng cách bé trai. 1 tháng đầu sau sinh, bé chỉ tăng được khoảng xấp xỉ 4cm. Con số này cũng sẽ giảm dần còn 3cm – 2cm và 1cm/ tháng khi bé đạt mốc 12 tháng tuổi.
Bé gái cũng sẽ thuộc top “nấm lùn” nếu chỉ số chiều cao của bé ở dưới con số 68.9cm, hoặc cao nghêu khi bé vượt qua con số 79.2cm ở độ tuổi lên 1.
Các bà, các mẹ vẫn thường bảo với nhau rằng, các bé trai thường trông lớn hơn các bé gái dù cho các bé bằng tuổi với nhau hoặc có thể sinh sau đến một vài tháng. Điều này cũng khá đúng, phải không các mẹ?
Sự phát triển về răng miệng

Nhiều mẹ vẫn cứ hay lo lắng hoặc thắc mắc rằng: “Bé nhà mình 9 tháng rồi mà không chịu mọc răng, trong khi đó bé nhà bên cạnh 7 tháng đã mọc được 4 răng rồi. Vậy có phải do bé nhà mình thiếu canxi để phát triển hay không?” Câu trả lời là không. Bé mọc răng sớm hay muộn thực chất không có liên quan gì đến việc thiếu hay thừa canxi cả.
Trình tự cũng như số lượng, thời gian mọc răng mỗi bé sẽ là khác nhau do cơ địa của từng bé. Những bé mọc răng sớm thì quá trình thay răng sau này cũng sẽ sớm hơn các bạn còn lại.
Răng hiện tại của các bé được gọi là răng sữa. Mỗi bé sẽ mọc đầy đủ 20 chiếc răng sữa trong vòng 3 năm đầu đời. Cho đến khi được 5 hoặc 6 tuổi, những chiếc răng sữa này sẽ được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn như ở một người trưởng thành.
Sự phát triển về trí não
Sự phát triển về trí não của trẻ không chỉ được đánh giá qua chỉ số IQ mà nó còn được đánh giá một cách gián tiếp thông qua chỉ số vòng đầu. Bé đạt được 1 tuổi, vòng đầu của bé nên ở mức 45cm.
Não bộ và hệ thần kinh của bé lên 1 đã phát triển gần như hoàn chỉnh, có độ giống nhau cao so với bộ não ở một người lớn. Tuy nhiên, xét về góc độ phối hợp và sự cân bằng thì vẫn còn ở mức kém xa. Lúc này, cấu trúc hệ thần kinh của bé đã khá hoàn chỉnh nhưng để chỉ huy, phối hợp nhuần nhuyễn cùng sự vận động của các hệ cơ quan còn lại thì còn cần những khoảng thời gian khá dài sau này.

Thêm vào đó, sự giáo dục trí tuệ cũng cần được dần kích hoạt để bé học hỏi được mọi điều xung quanh, biết ghi nhớ, biết tư duy một cách logic,… để hoàn thành mọi việc được suôn sẻ hơn, nhanh chóng hơn và hiệu quả hơn.
Thóp là một vấn đề vô cùng quan trọng ở một em bé sơ sinh. Nó có mối quan hệ đặc biệt đến sức khỏe của bé. Nếu bé lớn lên trong sự phát triển bình thường, thóp sau của bé sẽ đóng lại hoàn toàn khi bé được 12 tháng tuổi. Còn thóp trước, có thể đã đóng một phần hoặc toàn phần. Lưu ý, thời điểm đóng thóp trước muộn nhất là 18 tháng tuổi.
Sự phát triển về vận động
Một năm đầu tiên, bé đã học được kha khá các kỹ năng vận động. Từ lẫy, ngồi, trườn, bò,… cho đến khi bé biết vịn đứng và chập chững những bước đi đầu tiên.
Một năm cho sự học hỏi cách phối hợp các động tác, lúc này sự phối hợp đó đã nhuần nhuyễn và khéo léo hơn rất nhiều. Bé biết cầm, nắm chính xác thứ mà mình muốn, biết để gọn các đồ vật lại gần với nhau, biết chồng vật này lên trên vật kia,…
Sự phát triển giọng nói cũng thay đổi khá nhiều. Nhiều bé 1 tuổi đã có thể nói được rất nhiều các từ đơn như “ba”, “mẹ”, “bà”,… hoặc thậm chí là 2 chữ đơn giản như “mẹ ơi”, “bà ơi”,… Khi bé nói, âm thanh phát ra, bé càng hiểu kỳ hơn, bé càng nói nhiều hơn. Lúc này, bé không khác gì “một chú vẹt”, líu lo nói suốt ngày và thậm chí kỹ năng bắt chước giọng nói của bé cũng hơi bị “siêu đỉnh” đó ạ.
1 tuổi, bé cũng đã nhận biết được những người thân quen ở xung quanh mình. Bé cũng đã hiểu được những việc được phép làm hay không được phép làm thông qua cử chỉ cũng như hành động, lời nói của người lớn. Do vậy, đây chính là lúc rèn luyện thói quen cũng như tính cách cho bé rồi!
365 ngày cho sự nỗ lực học hỏi kỹ năng và phát triển thể chất cũng như kiến thức xã hội sẽ giúp bé lớn lên trông thấy từng ngày. Được nhìn thấy bé yêu lớn lên trong sự khỏe mạnh và thông minh, thật chẳng còn mong muốn nào cao cả hơn nữa! Chúc các bé luôn được khỏe mạnh và có một cuộc sống thật nhiều niềm vui, thật nhiều hạnh phúc!