Mỗi lần bé bị ho, cơ thể thường trở nên khó chịu do những tác nhân gây bệnh gây nên. Vào những lúc này, bé sẽ có những biểu hiện quấy khóc và biếng ăn hơn. Để giảm thiểu tình trạng bé bị ho, mẹ nên có một chế độ ăn thật hợp lý, thật khoa học để bé có sức khỏe đề kháng tốt. Sau đây là những siêu thực phẩm mẹ nên cho bé ăn khi bị ho, và những thực phẩm mẹ cần tuyệt đối tránh cho bé để bệnh ho không còn là nỗi ám ảnh của mỗi bà mẹ.
Nguyên nhân gây bệnh ho phổ biến ở trẻ nhỏ
Hệ miễn dịch của trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ đang ở giai đoạn sơ khai nên nó còn khá non nớt. Đôi khi chỉ một tác động nhỏ của sự thay đổi môi trường sống cũng khiến bé trở bệnh. Những cơn ho của bé thường do các nguyên nhân gây ra như:
Bé bị cảm lạnh
Việc bé phải tiếp xúc quá lâu và quá nhiều với gió trong môi trường sống sẽ khiến bé bị cảm lạnh. Lúc này, bé thường có các biểu hiện như chảy mũi, ho và kém ăn. Nếu bé chỉ dừng lại ở mức độ ho bình thường thì không vấn đề gì. Nhưng, nếu bé ho nhiều sẽ khiến bé bị nôn, trớ hết phần thức ăn vừa được nạp vào cơ thể, gây ảnh hưởng đến sức khỏe của bé mà còn rất phiền toái cho cuộc sống sinh hoạt thường ngày.

Bé bị viêm phổi
Viêm phổi, viêm phế quản, viêm tiểu phế quản,… là những căn bệnh không còn xa lạ gì với các mẹ bỉm sữa. Nó xảy ra rất thường xuyên với trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Nếu như cảm lạnh chỉ khiến mức độ ho của bé ở mức trung bình, thì ho do viêm phổi ở mức nặng. Bé cần được mẹ đưa tới gặp các bác sĩ chuyên khoa để được thăm khám, điều trị và theo dõi sát sao.
Một vài nguyên nhân khác
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra triệu chứng ho cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Ngoài hai nguyên nhân đã được nêu trên, nó còn có thể do bé bị trào ngược dạ dày thực quản hoặc ho do dị ứng, hoặc ho do ngửi phải mùi thuốc lá của bố mẹ hoặc người thân trong gia đình.
Bé bị ho mẹ nên làm gì?
Với tâm lý mong con mau chóng được giải quyết tình trạng ho nên hầu như mẹ nào cũng tìm ra cách giải quyết đơn giản nhất. Đó là chạy ngay ra hiệu thuốc gần nhà, đưa ra các triệu chứng con mình gặp phải để được các bác sĩ, dược sĩ bán thuốc cho. Tuy nhiên, đó chỉ là những phán đoán của bố mẹ về tình trạng của con mà thôi. Thay vào đó bố mẹ nên chú trọng vào những điều sau:
- Nên để bé nghỉ ngơi nhiều hơn, tăng số lần bữa ăn trong ngày cho bé, mỗi lần ăn chỉ nên ăn ít một. Nếu bé có biểu hiện chán ăn, không muốn ăn, mẹ không nên ép bé quá, hãy đáp ứng theo nhu cầu của bé.
- Cho bé xông hơi bằng các loại lá tự nhiên như kinh giới, tía tô, sả, gừng nấu nước cho chín.
- Vệ sinh mũi bằng cách nhỏ dung dịch natri clorid 0.9% để làm long đờm, loãng các chất dịch nhầy trong mũi và cổ họng.
- Một biện pháp hữu hiệu nhất đó là bố mẹ hãy đưa bé đi tiêm phòng để giảm thiểu cũng như ngăn ngừa bé bị ho do các nguyên nhân như cảm cúm, viêm phổi hay phế quản,…
Bé nên ăn gì khi bị ho?
Những nhóm thực phẩm có độ dễ tiêu hóa mà vẫn bổ sung đầy đủ dinh dưỡng sẽ là những lựa chọn được ưu tiên hàng đầu.
Sữa
Sữa mẹ hoặc sữa công thức chính là nguồn dinh dưỡng hoàn hảo cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong sữa, đặc biệt là sữa non có chứa các kháng thể có khả năng chống chọi lại bệnh tật, giúp bé khỏe mạnh hơn. Hơn nữa, trong sữa có chứa đầy đủ lượng nước, các vitamin và khoáng chất cần thiết cho sức khỏe của bé.
Các loại trái cây giàu vitamin C
Vitamin C rất có lợi cho những người bị ốm. Nó có khả năng làm loãng chất nhầy và giảm nghẹt mũi khá hiệu quả. Tuy nhiên, với các bé chưa ăn dặm mẹ nên bổ sung qua đường sữa mẹ để cho bé bú. Còn các bé đã ăn dặm, mẹ nên căn cứ vào từng độ tuổi mà cho bé uống nước ép hoa quả theo số lượng phù hợp. Đối với các bé trên 1 tuổi, các mẹ có thể cho bé uống một chút nước mật ong pha loãng.
Các loại rau củ
Trong rau, củ có chứa rất nhiều nhóm vitamin và khoáng chất có lợi cho sức khỏe của bé. Rau, củ rất dễ tiêu hóa nên những lúc bé ốm, hay mệt mỏi, nó là những lựa chọn tốt. Một vài loại rau củ mẹ có thể sử dụng là: súp lơ xanh (bông cải xanh), khoai lang, khoai tây, cà rốt, đậu lăng,…
Bé bị ho tuyệt đối tránh các thực phẩm sau
Những nhóm thực phẩm các mẹ nên tránh cho bé khi bé đang yếu người gồm:
Đồ ngọt
Kẹo có chứa lượng đường rất lớn. Hơn nữa, hiện nay đường hóa học được sử dụng rất nhiều, nhất là trong kẹo ngọt của trẻ em. Điều này thật sự ảnh hưởng tới sức khỏe hệ tiêu hóa của bé.
Đồ ăn chiên dầu
Thức ăn có vị cay hay nhiều dầu mỡ luôn kích thích vị giác và là những món ăn yêu thích của trẻ nhỏ. Hệ tiêu hóa của bé lúc bé bị ốm rất yếu, dung nạp quá nhiều đồ ăn dạng này sẽ khiến bé bị khó tiêu, đầy bụng, không ăn được những thức ăn cần thiết khác. Việc bổ sung các đồ ăn này thường xuyên còn là nguyên nhân gây ra căn bệnh béo phì thường gặp ở trẻ.
Đồ ăn có mùi tanh
Hầu hết các thực phẩm có mùi tanh thường đến từ nhóm thủy, hải sản. Tuy nó là một trong những loại thực phẩm chứa rất nhiều canxi nhưng khi bé bị ho, mẹ nên bổ sung những món khác thay vì tôm, cua, cá,… nhé.
Vài mẹo cho mẹ chăm sóc bé bị ho tại nhà
Khi cơ thể con người gặp phải các tác nhân gây bệnh thường cảm thấy rất mệt mỏi. Người trưởng thành còn thấy khó chịu, huống chi trẻ nhỏ. Nếu bé trở nên bám mẹ, hoặc biếng ăn mẹ có thể tham khảo một vài gợi ý nho nhỏ dưới đây.

Đầu tiên, mẹ không nên ép bé ăn mỗi bữa quá nhiều mà hãy chia nhỏ từng bữa, và nhiều bữa một ngày. Nếu đến bữa bé không hợp tác, mẹ có thể bỏ qua bữa đó và chờ đến khi bé đói trở lại để cho bé ăn. Tuy cách này có thể sẽ gây hậu quả khiến bé ăn không ra bữa, mẹ hãy chờ đến khi bé khỏe lại và áp dụng giờ giấc bữa ăn chuẩn cho bé. Bé sẽ hợp tác lại ngay thôi.
Thứ hai, tạo môi trường ngủ vừa đủ, không quá lạnh và không quá khô, tránh việc bé bị ngạt mũi, và thở bằng miệng. Điều này càng làm cho bé ho nhiều hơn. Ngoài ra, những chất có khả năng gây dị ứng như khói thuốc lá, phấn hoa, lông động vật, bụi,… cũng nên được loại bỏ sạch sẽ.
Thứ ba, trẻ nhỏ thường ho nhiều và có thể ho theo cơn dài vào ban đêm rất dễ gây nôn, trớ. Điều này không chỉ khiến cơ thể bé khó chịu mà giấc ngủ đêm của bé và cả nhà cũng bị ảnh hưởng. Vậy, khi bé bị ho, mẹ nên tránh cho bé ăn quá no trước khi đi ngủ. Kết hợp với việc sử dụng những nhóm thực phẩm không gây trào ngược axit dạ dày.
Ngay sau khi bé vừa trớ, mẹ không nên cho bé ăn ngay vì dạ dày bé lúc này còn đang chưa ổn định. Mẹ hãy chờ ít nhất 30 phút rồi cho bé ăn lại nhé!
Thứ tư, và đây cũng là một việc mẹ bắt buộc phải làm: nhỏ mũi cho bé bằng dung dịch muối natri clorid 0.9% để làm loãng dịch nhầy trong mũi, khiến đường thở qua mũi của bé thông thoáng hơn.
Bé bị ho luôn là những nỗi lo thường trực của những người làm cha, làm mẹ. Chúng ta không thể ngăn chặn triệt để nó nhưng việc áp dụng những biện pháp phòng ngừa cũng là một cách nâng cao chất lượng sống cho bé yêu. Mong rằng, với những chia sẻ nho nhỏ có thể giúp mẹ lên tay trong công cuộc chăm sóc con thơ của mình!