Có rất nhiều vấn đề mà các mẹ cần lưu ý trong quá trình chăm sóc trẻ nhỏ. Một trong số đó là cách làm như thế nào để làm tăng hứng thú của trẻ với những món ăn dặm trong thời gian trẻ mới bắt đầu tập ăn.
Việc chuyển từ một chế độ ăn chủ yếu là sữa mẹ và một số loại sữa công thức tốt sang thức ăn dặm loại rắn có thể khiến cả mẹ và bé gặp không ít khó khăn. Về phía trẻ nhỏ thì chúng có thể không mấy thích thú và chưa thể làm quen với chế độ ăn uống mới, còn phụ huynh thì thường đau đầu không biết nên làm như thế nào để trẻ nhanh thích ứng với điều đó hơn.
Ở bài viết này, chúng tôi sẽ cung cấp cho các mẹ những thông tin hữu ích về những điều cần lưu ý trong quá trình tập cho trẻ ăn dặm nhằm giúp chúng hứng thú hơn với điều đó. Đây là những vấn đề khá quan trọng mà mẹ nào cũng nên nắm rõ.
Tạo sự phong phú trong chế độ ăn dặm của bé.
Thời điểm đầu tiên của việc tập một thói quen là vô cùng quan trọng và nó không ngoại lệ trong trường hợp tập cho trẻ ăn dặm. Điều đáng chú ý là mẹ phải xây dựng cho trẻ một chế độ ăn uống phong phú và đầy đủ dinh dưỡng. các chuyên gia đã đưa ra bốn nhóm thực phẩm chính mà mẹ có thể thay đổi và kết hợp tạo ra món ăn cho bé.
Các loại trái cây và rau,củ, quả:
Như chúng ta đã biết trong các loại trái cây, rau, củ quả là nguồn cung cấp chất xơ dồi dào cho trẻ. Không thể phủ nhận rằng trong trái cây là cả một kho lưu trữ vitamin tốt cho trẻ. Ăn những thực phẩm của nhóm này sẽ giúp cho hệ tiêu hóa của trẻ được ổn định và tốt hơn. Giảm thiểu được những bệnh về hệ tiêu hóa như tiêu chảy, táo bón,…

Một chút hoa quả gọt vỏ, cắt lát và 1 ít rau xanh như bông cải xanh, rau bina,… trong bữa ăn sẽ tạo khẩu vị và hứng thú cho bé ăn hơn, bạn hãy thử nhé.
Thực phẩm giàu tinh bột:
Trong bữa ăn của trẻ không thể thiếu được những thực phẩm giàu tinh bột. Chẳng hạn như gạo, khoai tây, khoai lang,…đều là những nguồn thực phẩm chứa lượng tinh bột lớn. Cũng giống như các loại ở nhóm đầu tiên, những loại thực phẩm chứa nhiều tinh bột cũng giúp ích rất lớn cho hệ tiêu hóa của trẻ.
Nếu mẹ đang lo ngại ăn tinh bột liệu có gây béo phì ở trẻ hay không thì bạn yên tâm. Chúng chỉ gây ra điều đó nếu bạn cho trẻ ăn quá nhiều so với tiêu chuẩn của độ tuổi và nó khác với chất béo tích tụ trong cơ thể để tạo mỡ.
Thời gian đầu bạn có thể cho trẻ ăn các món ăn giàu tinh bột như cháo gạo, khoai tây, khoai lang hấp chín và nghiền chẳng hạn, đây hẳn là một lựa chọn tuyệt vời cho bé.
Nhóm thứ ba là những thực phẩm bơ, sữa.

Bơ và sữa là những loại thực phẩm được đem vào chế biến thường xuyên trong các bữa ăn của trẻ nhỏ. Sở dĩ chúng được ưa chuộng như vậy là bởi vì hàm lượng dinh dưỡng nhiều, giàu chất béo, chất sắt và nhiều loại dinh dưỡng tốt khác. Sẽ là một điều tiếc nuối nếu các mẹ bỏ qua loại thực phẩm này cho những bữa ăn dặm đầu đời của trẻ.
Nhóm cuối cùng là các loại thịt và thực phẩm giàu protein.
Thịt là nguồn cung cấp dinh dưỡng dồi dào và năng lượng tích cực cho trẻ phát triển. Chúng là chứa protein, vitamin và các dưỡng chất cần thiết cho trẻ lớn lên. Những loại thịt như thịt lợn, thịt gà, thịt bò là những thứ có thể đưa vào bữa ăn dặm khiến cho trẻ hứng thú hơn với việc ăn dặm.
Không có một nhóm thực phẩm nào là hoàn toàn tối ưu, do đó bạn cần phối hợp các thực phẩm ở các nhóm để tạo ra bữa ăn giàu dinh dưỡng cho trẻ.
Hơn thế, việc ăn nhiều loại chất khác nhau sẽ rèn luyện hệ tiêu hóa của bé thích nghi được ngay từ những buổi đầu tiên. Giúp cho trẻ tránh được kén ăn và không chịu hợp tác với người lớn trong quá trình ăn uống.
Tập cho trẻ ăn dặm là một việc tốn nhiều thời gian.
Việc hình thành một thói quen ăn uống mới ở trẻ cần nhiều thời gian. Thời điểm ban đầu tập cho trẻ ăn uống, các mẹ nên dành nhiều thời gian ở bên cạnh con hơn. Không nên quá bắt ép trẻ phải ăn hoặc vội vã sẽ làm cho trẻ sinh ra cảm giác sợ ăn hoặc không hứng thú với việc ăn dặm.
Hãy cho trẻ ăn theo tốc độ của chúng và dừng lại đúng lúc khi thấy trẻ đã ăn đủ, dù hơi lâu một chút nhưng mẹ nên kiên nhẫn hơn. Thời gian sau đó tình trạng sẽ được ổn định hơn.
Có thể sẽ mất rất nhiều lần mới tập cho bé được thói quen ăn dặm, chính vì vậy mẹ hãy kiên trì và đừng bỏ cuộc. Bạn đầu em bé có thể biểu hiện không hài lòng vì chúng không thích ứng kịp thời với hình dạng thức ăn mới từ sữa qua chất rắn nhưng sau đó mọi thứ sẽ tốt hơn.
Khuyến khích trẻ dùng tay để ăn.
Thay vì đút cho trẻ ăn để tránh trẻ vấy bẩn ra đồ áo và sản nhà thì bạn có thể cho trẻ dùng tay để cầm nắm thức ăn và ăn chúng. Việc khuyến khích trẻ dùng tay của mình để ăn hoặc tự xúc thức ăn bằng muỗng sẽ giúp mẹ biết được lượng thức ăn mà chúng muốn ăn và loại thức ăn ưa thích của trẻ. Trẻ từ 1 tuổi trở lên hoàn toàn có thể làm được điều này.
Để hỗ trợ bé, các mẹ có thể cắt các loại thực phẩm thành miếng với kích thước bằng ngón tay út của người lớn. Với kích thước này sẽ không cần quá lo lắng việc trẻ nuốt chửng và trẻ có thể cầm nắm chúng được dễ dàng hơn. Các loại thức ăn phù hợp với điều này có thể là những loại hoa quả cắt lát tinh tế, những loại rau củ luộc chín và không quá mềm.
Trẻ có thể khiến bữa ăn trở nên lộn xộn.
Trẻ nhỏ không thể khống chế hành vi tốt như người lớn, chính vì vậy, việc trẻ làm rơi và vấy bẩn thức ăn ra những thứ xung quanh là một chuyện hết sức bình thường. Không nên quát mắng và cấm bé không được làm như vậy, nhiều khi bé không cố ý chơi đùa với thức ăn. Hãy khuyến khích trẻ tiếp xúc nhiều hơn với thức ăn, qua đó bé sẽ học được cách ăn và thưởng thức chúng một cách ngon miệng hơn.
Nếu bạn ngại cho trẻ vấy bẩn vì nó khiến bạn phải dọn dẹp nhiều thứ thì bạn có thể chuẩn bị cho trẻ một chiếc yếm hoặc khăn quàng cổ xinh xắn chẳng hạn. Bạn cũng có thể trải khăn và giấy báo ở xung quanh bàn, dưới ghế ăn để dễ thu dọn đống lộn xộn của trẻ.
Hãy lắng nghe suy nghĩ của trẻ.

Bạn không phải là bé nên sẽ không thể nào biết khi nào bé đã thực sự no. Đừng bắt ép bé ăn tiếp, hãy hỏi bé và cho bé thể hiện ý kiến của mình, đây là một lưu ý quan trọng giúp gây hứng thú khi trẻ tập ăn dặm.
Từ đó, bạn có thể nhìn ra được những dấu hiệu lúc nào trẻ đói và lúc nào chúng đã no để biết cách điều chỉnh cũng như biết lượng thức ăn mà chúng ăn trong các bữa.
Giữa các bữa ăn dặm, bạn cũng không quên cho trẻ bú thêm sữa mẹ đến khi trẻ thực sự ngừng bú sữa mẹ nhé.
Trẻ học theo người lớn ăn uống.
Trẻ nhỏ thường có một thói quen bắt chước những hoạt động mà chúng thấy ở người lớn hoặc người khác. Nếu việc cho trẻ ăn có nhiều khó khăn thì bạn có thể thử ăn trước mặt trẻ và khuyến khích trẻ làm theo như một cách thể hiện mình đã lớn.
Bạn có thể cho trẻ cùng ăn trong bữa ăn lớn của gia đình thay vì cho trẻ ăn riêng trước. Việc này sẽ giúp trẻ cảm thấy vui hơn và kích thích hứng thú ăn uống.
Bạn có thể vừa cho trẻ ăn vừa cố gắng nói chuyện với chúng và khuyến khích, khen trẻ thay vì thu hút trẻ ăn dặm bằng những thiết bị điện tử như tivi, điện thoại. Chúng sẽ làm cho trẻ bị sao nhãng và không tập trung vào việc ăn uống.
Những lưu ý về loại thực phẩm nên tránh cho trẻ.
Không phải loại thực phẩm nào cũng tốt với trẻ. Nhiều thực phẩm chỉ nên dùng cho người lớn và trẻ hớn hơn thay vì cho trẻ từ 1 đến 3 tuổi ăn.
Tránh ăn nhiều đường, muối, chất béo.
Điều này có thể được nhắc đến rất nhiều trong những khuyến cáo của các chuyên gia dinh dưỡng trẻ em. Bạn nên tuân thủ điều đó. Ăn quá nhiều những chất này có thể dẫn đến những vấn đề về sức khỏe của trẻ. Ví dụ như ăn đường dễ sâu răng, ăn nhiều chất béo có thể tích tụ mỡ gây béo phì, bệnh về tim mạch và ăn nhiều muối có thể ảnh hưởng đến chức năng của thận. Tuy nhiên, vị giác của trẻ nhỏ khác người lớn, chúng ăn nhạt hơn thế nhiều, do đó, bạn nên hạn chế sử dụng những loại thực phẩm và gia vị kể trên nếu muốn tăng hứng thú ăn dặm của trẻ.
Các mẹ tự chế biến thức ăn cho bé.
Có nhiều loại thức ăn đóng gói được bán nhiều trong siêu thị. Tuy nhiên, bạn không quá chắc chắn về nguyên liệu chế biến cũng như thành phần của chúng có chứa loại thực phẩm trong nhóm cần tránh không thì bạn có thể tự làm cho trẻ ăn ở nhà.
Những món ăn không cần phải quá cầu kỳ về cách chế biến và thành phần, chỉ cần phù hợp với lứa tuổi của trẻ là được.
Những món ăn được bán ở siêu thị có thể lạ miệng và khiến bé thích thú, việc cho trẻ ăn món mẹ nấu sẽ khiến chúng làm quen với món ăn gia đình hơn.
Tư thế trẻ ngồi ăn có ảnh hưởng đến hứng thú của trẻ với việc ăn dặm không?
Đối với trẻ còn nhỏ thì nằm và kê đầu cao hơn có thể khiến bé dễ nuốt hơn nhưng chúng không phải là tư thế chuẩn để tạo hứng thú cho bé khi ăn dặm.
Bạn nên cho trẻ ngồi ở tư thế thẳng, ngồi vào ghế và bàn ăn một cách chắc chắn và an toàn. Trẻ sẽ cảm thấy hứng thú hơn khi ăn dặm vì chúng thoải mái được vận động và nuốt thức ăn một cách dễ dàng hơn.