Sau chín tháng mười ngày mang trong mình những sinh linh bé bỏng, hẳn các ông bố bà mẹ sẽ rất mong ngóng ngày các con chào đời. Với những người làm cha làm mẹ lần đầu chắc chắn sẽ rất vụng về trong khâu chăm sóc con nhỏ. Vì vậy, bài viết này sẽ đem tới những chia sẻ thật hữu ích cho quý vị trong cách chăm sóc một em bé sơ sinh mới chào đời.
Bản năng sinh tồn của một em bé sơ sinh
Một em bé mới chào đời sẽ thoát khỏi sự bao bọc của mẹ để đến với một thế giới hoàn toàn khác lạ. Khi ấy, bé sẽ phải tự học cách điều chỉnh để có thể thích nghi được với không gian bên ngoài như bé phải học cách tự thở, tự bú để nạp năng lượng, để quen dần với khí hậu, để cảm nhận được sức nặng, trọng lực của chính bản thân mình…
Học cách tự thở bằng cách khóc to
Khi chào đời, tiếng khóc của bé sẽ giúp ta biết được tình trạng của bé hiện tại như thế nào.

Khi còn ở trong bụng, bé thở qua dây rốn. Sau khi được sinh ra, bé sẽ bắt đầu tự thở bằng phổi và khí quản. Khi đó, tiếng khóc là dấu hiệu đầu tiên giúp mọi người nhận biết được rằng bé có thể tự thở và nước ối hay các chất khác có trong mũi đã bị tống hết ra ngoài.
Bé sơ sinh tự tìm đến ti mẹ để bú
Từ 30 – 50 phút sau sinh, bé sẽ rất tỉnh táo, sẽ có bản năng rúc tìm ti hoặc quay đầu khi nghe thấy tiếng của mẹ. Nếu khỏe mạnh, bé đã có thể tự trườn đến ti mẹ và ngậm ti lần đầu.
Cách chăm sóc, vệ sinh cơ thể cho bé sơ sinh
Theo khuyến cáo của các chuyên gia ý tế, các bé sơ sinh nên được tắm sau khi sinh được 24 giờ. Vì sao lại như vậy?
Mỗi bé khi sinh ra đều được bao bọc bởi một lớp màng có màu trắng. Lớp màng này sẽ giúp cho da bé được mềm hơn và ngăn được các vi khuẩn có hại trên da. Do đó, việc tắm ngay sau khi sinh để loại bỏ lớp màng này là một điều sai lầm. Nó sẽ khiến cho da bé bị khô, không giữ được độ ẩm cần thiết. Hơn nữa, bé vừa chào đời, chưa quen với khí hậu bên ngoài, lại được đưa đi tắm sẽ khiến bé bị thay đổi nhiệt độ cơ thể đột ngột. Điều này sẽ làm cho bé bị hoảng sợ ngay tại thời điểm đó và cả sau này.
Khi vệ sinh cho em bé sơ sinh, bố mẹ cần chú ý các bộ phận:
Khuôn mặt của bé
Thật chẳng ai muốn bé con nhà mình có một khuôn mặt lấm tấm, ửng đỏ nhưng đây là một điều bình thường với một em bé sơ sinh. Những khoảng mụn sữa trên mặt các bé đều phổ biến và không có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của bé. Theo thời gian, mụn sữa sẽ biến mất.
Đôi mắt
Rất nhiều bé sinh ra bị chảy ghèn ở mắt. Điều này có thể là do không may bé bị nước ối tràn vào trong quá trình vượt cạn. Để khắc phục tình trạng này, bố mẹ cần chú ý vệ sinh mắt bé thật nhẹ nhàng bằng nước ấm và nhỏ thuốc mắt đều đặn hàng ngày.
Da đầu của bé sơ sinh

Da đầu bé cũng là bộ phận vô cùng nhạy cảm. Phần thóp của trẻ sơ sinh còn rất mềm và yếu nên khi vệ sinh phần da đầu để loại bỏ đi lớp “cứt trâu” phải thật cẩn thận.
Mũi của bé
Thông thường các bé được sinh bằng phương pháp sinh mổ sẽ có tỉ lệ bị khò khè cao hơn các bé được sinh thường. Do vậy, bố mẹ nên sử dụng các sản phẩm thuốc nhỏ mũi có nồng độ Natri clorid 0.9% có tác dụng làm lỏng chất nhầy để hỗ trợ bé thở tốt hơn.
Móng tay
Dù là trẻ sơ sinh nhưng móng tay của bé khá dài, mềm nhưng vẫn có nguy cơ làm xước làn da của bé. Bố mẹ nên đeo bao tay cho bé và cắt móng tay thường xuyên cho bé nhé!
Dây rốn
Thông thường, cuống rốn sẽ rụng trong khoảng 7 -10 ngày kể từ khi bé được sinh ra. Khi rốn bé chưa rụng, cần chú ý giữ phần rốn bé được khô ráo để tránh tình trạng bị nhiễm trùng.

Bộ phận sinh dục
Đây là nơi bí nhất của cơ thể trẻ. Cũng là nơi thải nước tiểu và phân nên rất dễ bị hăm. Hãy vệ sinh thường xuyên và sử dụng các sản phẩm kem chống hăm chuyên dụng cho bé.
Nói chung, lớp da của trẻ sơ sinh còn rất nhạy cảm nên việc giữ cho cơ thể bé được sạch sẽ cũng là một cách giúp bé có bước đầu phát triển được thuận lợi và khỏe mạnh hơn.
Nên cho bé bú mẹ hoàn toàn hay không?
Theo khuyến cáo của tổ chức y tế thế giới (WHO), các bà mẹ nên nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Nó như một “liều thuốc” giúp trẻ mau hồi phục khi bị bệnh và làm giảm tử vong ở trẻ mắc chứng suy dinh dưỡng. Hơn hết, bú mẹ còn là cách trấn an trẻ, giúp bé giảm bớt sợ hãi, căng thẳng.
Ngoài ra, việc mẹ cho con bú giúp cho mẹ bỉm khỏe mạnh và có cảm giác hạnh phúc hơn. Nó còn làm giảm nguy cơ mẹ bị ung thư vú và ung thư buồng trứng,… Thật tuyệt vời khi biết được đến lợi ích của việc bú mẹ, phải không nào?

Tuy nhiên, cũng có rất nhiều các trường hợp mẹ có ít sữa, không đủ đáp ứng cho nhu cầu của bé. Do vậy, việc bổ sung thêm sữa công thức (hay còn gọi là sữa ngoài) là một điều cần thiết.
Việc sử dụng sữa công thức cũng cần các mẹ lưu ý xem con phù hợp với dòng sữa nào? Lượng sữa, lượng nước, nhiệt độ nước pha là bao nhiêu?
Nếu là lần đầu bé sử dụng sữa công thức, bố mẹ nên cho bé bú một lượng nhỏ trước để kiểm tra xem bé có dị ứng với thành phần trong sữa hay không? Nếu không, hãy tăng dần lượng sữa vào lần sau.
Mỗi loại sữa công thức khác nhau sẽ có cách pha chế với lượng nước và lượng sữa bột khác nhau. Do vậy, bố mẹ cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng để pha sữa cho bé yêu đúng cách và chuẩn dinh dưỡng.
Những phản ứng sinh lý thường gặp ở trẻ sơ sinh
Lần đầu được trải nghiệm chăm sóc một em bé sơ sinh thật sự sẽ khiến các mẹ cảm thấy hoang mang khi gặp một số phản ứng của trẻ như: giật mình – co cơ; mút tay; nấc cụt; thở khò khè, không đều; vặn mình; lâu ngày không ị; nôn – trớ; rụng tóc vành khăn, đổ mồ hôi khi ngủ;… Tuy nhiên, đây đều là những phản ứng sinh lý bình thường của bé. Hầu hết các phản ứng này sẽ hết sau một khoảng thời gian nhất định.
Ví dụ nôn – trớ là một hiện tượng tương đối phổ biến ở trẻ sơ sinh. Nếu trong quá trình ăn bé nuốt phải quá nhiều khí, khi ăn no bé rất hay bị nôn, trớ sữa ra ngoài. Nôn, trớ sẽ tự hết khi bé được khoảng 6 tháng tuổi – thời điểm van thực quản của bé phát triển và vận hành một cách nhịp nhàng.
Hay vặn mình là một hoạt động giúp bé giãn các cơ, là cách giúp bé tìm hiểu về chính cơ thể của mình. Nếu bé vặn mình kèm theo có biểu hiện ưỡn người và khóc, bố mẹ hãy thử vỗ ợ hơi cho bé. Cách này rất hiệu quả với các bé bị đầy hơi.
Một vài lưu ý về không gian sống cho bé sơ sinh
Như mọi người đều biết, em bé sơ sinh thường nhạy cảm hơn so với người trưởng thành. Vì vậy, không gian sống dành cho bé phải thật sạch sẽ, thông thoáng và yên tĩnh.
Một em bé chào đời mang lại niềm vui, niềm hân hoan cho cả gia đình. Vì vậy, ai cũng mong được đến thăm mẹ và bé càng sớm càng tốt. Tuy nhiên, những ngày đầu tiên, mẹ và bé đều cần được nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, nên môi không gian yên tĩnh, ít người qua lại sẽ là rất cần thiết.
Một căn phòng rộng rãi, thoáng mát dĩ nhiên sẽ thoải mái hơn một căn phòng chật hẹp phải không nào? Hơn nữa, nó còn giúp không khí được lưu thông, rất tốt cho hệ hô hấp.
Những lưu ý trên chỉ là những điều khách quan góp phần tạo nên một không gian sống hoàn hảo cho bé. Nhưng nó còn tùy thuộc vào hoàn cảnh của mỗi gia đình. Vì con trẻ của mỗi chúng ta, hãy là những người cha, người mẹ thông thái nhất!