Mỗi đứa trẻ sinh ra chính là bắt đầu một chu trình mới. Từ việc tập bú sữa mẹ, tập lật-bò-trườn-chựng-đi và tập nói…cho đến khi trưởng thành. Mọi kỹ năng đều phải trải qua quá trình tập luyện và cố gắng cùng sự hỗ trợ cần thiết.
Có thể nói, quãng thời gian đầu tiên của mỗi đứa trẻ chính là chiếc chìa khóa cho chúng học tập và phát triển những kỹ năng cơ bản như nghe, nói, tư duy ngôn ngữ và nhận thức. Trong đó, nói có thể là kỹ năng quan trọng đầu tiên trong những điều kể trên. Trẻ tập nói thường là một việc hết sức tự nhiên khi chúng học theo và mô tả âm thanh của người lớn. Tuy nhiên, sẽ như thế nào nếu em bé của bạn chậm nói hơn so với các đứa trẻ cùng tuổi? Ở một mức độ thì rất bình thường vì cơ địa mỗi đứa trẻ sẽ khác nhau, tuy nhiên cũng cần chú ý đến những tật liên quan đến phát âm ngôn ngữ ở trẻ. Chính vì lý do này, bạn cần tìm hiểu thêm vài cách để hỗ trợ và khuyến khích trẻ tập nói.
Bạn tạo lập môi trường cho sự phát triển kỹ năng nói, ngôn ngữ chính là một bước quan trọng cho trẻ phát triển tư duy sau này.
Một đứa trẻ bình thường hoàn toàn có thể dễ dàng học và bắt chước vào những năm đầu và việc tạo dựng nên những cơ hội cho bé học cũng không phải là quá khó. Bạn có thể tập cho bé nói thông qua các hoạt động, trờ vui chơi giải trí. Các tiếp xúc và tương tác, trải nghiệm mỗi ngày dù là đơn giản nhất cũng sẽ giúp ích cho đứa trẻ nhà bạn phát triển về lời nói và ngôn ngữ.
Thay vì cho trẻ xem những chương trình giải trí, tiếp xúc với điện thoại thông minh, bạn hãy bỏ ra thời gian để trò chuyện, và thực hiện những điều dưới đây để khuyến khích trẻ tập nói.
Vì sao lại nói thúc đẩy trẻ nói, giao tiếp rất quan trọng?
Việc giúp đỡ, kích thích một đứa trẻ tập nói, giao tiếp nhiều hơn và phát triển về mặt ngôn ngữ khi chúng mới biết đi và bập bẹ nói là một điều vô cùng quan trọng bởi các lí do khác nhau.

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc trẻ được trải nghiệm sử dụng ngôn ngữ nhiều hơn sẽ có tác dụng thúc đẩy sự tương tác xã hội cho bé, tạo điều kiện cho trẻ giao tiếp sau này. Đồng thời, lượng từ vựng của trẻ sẽ tăng lên, nói năng cũng thêm phần lưu loát và dứt khoát về sau. Một đứa trẻ tập nói được sẽ có lợi thế khi đi nhà trẻ bởi chúng biết đặt yêu cầu và nói ra điều mình muốn khi người chăm sóc hỏi đến.
Vì thế, hãy tăng cường nói chuyện với trẻ hơn. Qua giao tiếp với người lớn từ khi còn nhỏ, trẻ sẽ mạnh dạn hơn, có khả năng giao tiếp tốt, tiền đề cho việc đi học, xây dựng và phát triển tình bạn.
Những bí quyết khuyến khích trẻ tập nói
Nếu em bé của bạn hơi chậm nói và bạn muốn khuyến khích chúng phát triển lời nói, tạo ra những từ ngữ đơn giản đầu tiên của bé thì có nhiều hoạt động hữu ích có thể áp dụng cho điều này.
1.Dạy bé tập nói thông qua những bài hát ru
Âm nhạc luôn tác động vào tâm hồn của con người theo những cách riêng biệt. Em bé của bạn có thể chưa thể nói được nhiều nhưng khi chúng nghe nhạc, hãy để ý xem, đôi lúc chúng cũng ngân nga theo giai điệu tuy phát âm chữ giống chữ sai. Điều đó là dấu hiệu tốt cho sự nói của trẻ.

Những lời hát, vần điệu của các bài hát ru dù để truyền tải điều gì nó cũng đều mang những nét đặc trưng của tiếng mẹ đẻ. Khi nghe chúng, từ tai, giọng nói và não bộ của trẻ sẽ tiếp nhận những âm điệu đó và hình thành khả năng thấu hiểu ngôn ngữ sau này. 1.Dạy bé tập nói thông qua những bài hát ru
2.Hãy nói với bé thật chậm rãi
Với cách này, em bé của bạn sẽ dễ bị thu hút và chú ý hơn vào âm thanh mà bạn nói. Em bé sẽ thích những âm điệu như “giọng hát” hơn là những giọng nói bình thường của bạn. Kết hợp giọng nói chậm rãi, rõ ràng cùng với cử chỉ và nét mặt sẽ khiến đứa trẻ chú ý và bắt chước tốt hơn khi nói.
3.Lời nói mẫu thật tốt cho bé dễ nói theo
Đi kèm với việc tập nói chính là khả năng lắng nghe. Hãy chú ý xem, thường thì đứa trẻ sẽ thể hiện âm thanh hoặc học những từ ngữ đơn giản bằng cách tập trung nghe những người xung quanh nói. Chính vì thế thay vì nói nhiều hãy nói những lời thật hay cho trẻ nghe. Nói thật rõ ràng, tốc độ chậm, nhấn nhá một cách có điều tiết sẽ có kết quả rất tốt khi 1 đứa trẻ tập nói nghe được nó.
Nếu trẻ đã cố gắng và phát âm ra một từ nào đó, dù nó chưa phải là hoàn toàn chính xác, hãy khen bé vì sự cố gắng đó để trẻ có thêm động lực để cố gắng hơn trong quá trình tập nói.
4.Tạo ra cuộc hội thoại hai chiều
Nếu bạn thấy một lúc nào đó mà trẻ phát ra âm thanh, một cử chỉ muốn nói nào đó hay những lời nói, hãy đáp lại điều đó bằng những câu nói, và biến nó thành 1 cuộc trò chuyện giữa trẻ và bạn.
Sự tương tác mang tính 2 chiều này sẽ làm tăng sự tương tác của trẻ với người khác, đồng thời từ những chữ đơn giản, trẻ có thể kết nối lại và tạo thành từng câu nói hoàn chỉnh.
5.Mua những cuốn truyện tranh và cùng bé tập “đọc”
“Đọc” ở đây không phải là đọc chữ mà là cùng nhìn vào những bức tranh đơn giản để mô tả lại. Một cuốn truyện, sách có nhiều hình ảnh lớn, màu sắc sặc sỡ sẽ thu hút sự chú ý của đứa trẻ vào câu chuyện hơn. Việc cùng bạn đọc sẽ khiến trẻ vừa phát triển sự tưởng tượng, cũng vừa phát triển khả năng nói của chúng.
6. Dạy trẻ tập nói bằng cách mô tả hành động của bạn
Trong khi bạn làm việc gần bé hoặc chơi cùng chúng hãy thử bình luận về mọi hoạt động đang diễn ra. Bạn có thể nói bạn đang làm bánh, đang giặt đồ, nên làm như thế nào,…việc thường xuyên cập nhật những điều bạn đang làm cho bé nghe phần nào sẽ giúp trẻ ghép đúng từ với những hoạt động thường nhật, bé cũng sẽ có cơ hội nghe được giọng nói của mẹ nhiều hơn.
7. Nêu tên các đối tượng cho bé nói
Bạn có thể thử chỉ vào các vật và nếu bên chúng lên cho bé nghe bằng cách chỉ tay vào đồ vật đó và nhấn mạnh về nó. Cách này sẽ giúp bé phân biệt được cái này với vật dụng kia, vốn từ vựng của bé cũng tăng lên theo thời gian. Chẳng mấy chốc, em bé của bạn đã có thể nói được nhiều hơn đấy!
Tạo cơ hội cho trẻ tập nói từ việc sử dụng các hoạt động hằng ngày
Có thể áp dụng việc tập nói cho trẻ ngay ở chính những công việc thường ngày là một cách vô cùng tốt để phát triển và thực hành kỹ năng nói cho bé, phát triển vốn từ vựng thông thường.
Khi những hoạt động bình thường được gắn với sứ mệnh giúp trẻ tập nói thì nó đã không còn là những công việc bình thường nữa mà vô cùng thú vị. Bàng cách lồng ghép học và làm này, em bé sẽ không chịu áp lực rằng bạn đang tập cho bé học nói và thêm ngôn ngữ mà chỉ là tham gia những hoạt động vui nhộn.

Với cách này, bạn chỉ việc áp dụng trí tưởng tượng phong phú của mình vào các hoạt động và giúp bé học nói cùng bạn.
1.Học nói ngay trong giờ tắm cho bé
Ngay khi tắm cho em bé ở trong nhà tắm, bạn nói chuyện với chúng, trong đoạn hội thoại sẽ lồng ghép vào những từ vựng là tên các vật dụng nhà tắm và cần sử dụng chúng như thế nào. Sau đó, làm mẫu và miêu tả cho bé thấy.
Các vật dụng được giới thiệu sẽ nêu ra các từ vựng như: sữa tắm, khăn mặt, chậu, ca múc nước, cái vòi,…các hoạt động như rửa, kỳ cọ, chải, lau khô, dội nước,…các bộ phận trên cơ thể như tay, chân,…
Đôi khi là giới thiệu những bài hát vui nhộn gắn với hoạt động nhất định nào đó thực hiện trong nhà tắm như “đánh răng, đánh răng, chúng ta cùng đánh răng,…”
2. Mọi người trên phố đang nói gì thế?
Đây là cách sử dụng những cơ hội bé cùng người lớn ra ngoài, nơi có đông người. Bạn hãy nói với bé về những gì đang xảy ra, mọi người đang nói và hành động những gì. Chẳng hạn như đi bộ, mua sắm, đẩy xe,…
3. Sử dụng những trò chơi đơn giản giúp bé tập nói
Có cả đống những trò chơi đơn giản mà bạn có thể cho bé chơi, rồi thông qua đó tác động gián tiếp đến khả năng nói và ngôn ngữ. Có thể là các trò chơi ở siêu thị, công viên giải trí, bất kỳ môi trường nào cũng có thể thúc đẩy bé học ngôn ngữ, miễn là bé được vui chơi và có nhiều cái mới lạ với chúng.
Tác dụng của đám đông, những âm thanh, nói chuyện sẽ gián tiếp tác dụng vào bé. Cùng với sự thẩm thấu ngôn ngữ, trẻ cũng luyện thêm các kỹ năng khác khi ở trong các môi trường này như là quan sát, chú ý,…
Học nói là một quá trình đòi hỏi sự nỗ lực từ chính bản thân trẻ cũng như sự phối hợp, hỗ trợ gián tiếp của người lớn. Nó là một việc hết sức tự nhiên, bạn không thể ép buộc trẻ trong sự nỗ lực tự nhiên này. Điều tốt nhất là cố gắng tạo môi trường thoải mái nhất để trẻ thỏa sức tưởng tượng. Bạn không thể can thiệp mạnh vào chu trình phát triển của bé, nhưng bạn có thể thông qua những cách riêng để hỗ trợ trẻ trong việc phát triển ngôn ngữ, tập nói và sử dụng thành thạo vốn từ vựng được tạo ra.
Mọi kỹ năng đều có thể tạo dựng và bồi đắp thêm. Lời nói, ngôn ngữ của trẻ cũng vậy. Nó hoàn toàn có thể được nâng cao thông qua việc học tập, đọc sách từ sớm. Khi trẻ lớn hơn, hãy cung cấp cho trẻ môi trường và cơ hội học tập, tìm hiểu những điều mới mẻ.