Bé yêu nhà bạn mới mọc được vài chiếc răng nhưng bạn đã có thể nhận thấy được sự bất thường về hàng, về lối. Đôi khi bạn không cần quá lo lắng vì chính sự lệch lạc ấy lại khiến bé trở nên khác biệt và thu hút hơn. Tuy nhiên, trong một vài trường hợp răng bé mọc bị lệch lại để lại những hậu quả khá nghiêm trọng. Vậy nguyên nhân do đâu mà răng bé lại không mọc thành hàng, thành lối như vậy?
Tổng quan về hiện tượng răng mọc lệch ở trẻ nhỏ
Răng có hai loại là răng sữa và răng vĩnh viễn. Ở tất cả mọi trẻ dưới 5 tuổi, răng của các bé đều là răng sữa, được phát triển từ khi còn là những em bé sơ sinh. Chỉ sau 5 tuổi, những chiếc răng sữa ấy mới dần được thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn như ở một người trưởng thành.
Mỗi em bé sẽ có 20 chiếc răng sữa. Thời gian mọc răng của mỗi bé cũng sẽ khác nhau. Và bé sẽ kết thúc việc mọc mọi chiếc răng sữa khi được 3 tuổi.

Dẫu biết mỗi bé sẽ có trình tự cũng như kiểu cách mọc răng khác nhau. Tuy nhiên, nhiều bé răng mọc rất không đồng đều. Có chiếc lại chòi ra ngoài, có chiếc lại tụt vào trong. Trông tổng thể hàm răng vô cùng nhấp nhô, rất mất thẩm mỹ.
Răng bé bị mọc lệch không phải là một hiện tượng của bệnh lý, mà chỉ là do một vài sự biến đổi bất thường trong quá trình mọc răng của bé mà thôi. Tình trạng này không hiếm gặp ở trẻ nhỏ nên mẹ cần chú ý đến vấn đề răng miệng cho bé nhé!
Có thể nhận biết răng bé mọc lệch qua những biểu hiện nào?
Khi răng bé bị mọc lệch, người nhìn vào rất dễ để có thể nhận biết các dấu hiệu như:
- Răng bé mọc chen chúc vào nhau, không thành một hàng thẳng.
- Răng này chèn vào răng kia, trông rất nhấp nhô.
- Răng vĩnh viễn sau khi được thay thế có kích thước to hơn hẳn răng sữa trước đó.
- Khi nhai thức ăn, bé nhai rất trệu trạo vì các răng ở hàm trên và hàm dưới không khớp được vào nhau.
…
Đó chỉ là một vài biểu hiện của tình trạng răng mọc lệch của bé. Khi gặp phải tình trạng này sẽ khiến nụ cười của bé trông rất gượng gạo, khuôn mặt của bé trông cũng mất cân đối. Và hơn hết, nó ảnh hưởng rất lớn đến việc ăn uống và hấp thu dưỡng chất của bé.
Răng mọc lệch do nguyên nhân nào tác động?
Dù là răng sữa hay răng vĩnh viễn, chúng đều có nguy cơ bị mọc lệch như nhau. Nhưng không phải cứ răng sữa mọc lệch thì răng vĩnh viễn cũng mọc lệch, và ngược lại. Vậy những tác động nào có thể khiến răng bé bị mọc lệch như vậy?
Ăn đồ nhuyễn quá lâu
Khi ăn những đồ nhuyễn quá lâu như bột sẽ làm hạn chế khả năng nhai của cơ hàm. Chính sự “lười vận động” của cơ hàm này sẽ khiến nó bị nhỏ lại, khiến cho sự lập trình về vị trí các răng trước đó bị rối loạn. Không gian dành cho các răng bị thu hẹp dẫn đến việc răng mọc chen chúc vào nhau, trông khấp khểnh, không được thẳng hàng.
Thói quen mút tay
Việc lặp đi lặp lại hành động mút tay sẽ khiến các cơ hàm bị ảnh hưởng. Cơ hàm bị teo nhỏ lại cũng sẽ khiến răng có ít không gian để mọc hơn. Nhiều mẹ cho bé sử dụng ti giả thường hay bị phản đối vì sẽ khiến răng bé bị hô. Tuy nhiên, trên thực tế, chưa có bằng chứng để chứng minh điều này.

Do gen
Nếu bố hoặc mẹ, hoặc cả hai bố mẹ đều bị tình trạng răng mọc lệch ghé thăm, thì rất có khả năng, thế hệ sau, răng bé cũng có xác suất lớn bị mọc lệch. Tuy nhiên, yếu tố di truyền do gen chỉ ảnh hưởng lên xương hàm của bé. Còn với những trường hợp răng mọc lệch thông thường lại không liên quan đến vấn đề gen.
Cách chăm sóc răng miệng
Sâu răng hay các vấn đề về răng miệng nếu không được xử lý đúng cách sẽ ảnh hưởng đến chất lượng răng miệng sau này. Nếu khi răng sữa sâu của bé được thay thế, mà bé vẫn chăm sóc không tốt, răng bé vẫn hoàn toàn có thể bị mọc lệch.
Dinh dưỡng
Một cũng khiến răng bé trở nên yếu ớt, và dễ bị các tác nhân có hại tác động đến men răng. Ngoài canxi, hàng loạt các dưỡng chất khác như photpho, vitamin, lipid,… nếu thiếu cũng khiến răng miệng bé dễ gặp phải các vấn đề nghiêm trọng.
Chấn thương
Các chấn thương do tai nạn ở khu vực mặt, đặc biệt là các hàm cũng sẽ có những tác động không nhỏ đến việc mọc răng của bé. Hàm của bé đang trong giai đoạn phát triển, nên nếu có những tác động bất ngờ đó sẽ làm biến dạng những bộ phận đó.
Các vấn đề bé có thể gặp phải khi răng mọc lệch
Khi răng mọc lệch, nó sẽ ảnh hưởng đến các vấn đề sau:
- Khả năng nhai nuốt sẽ bị hạn chế và có thể khiến bé bị đau mỗi khi cắn thức ăn.
- Răng không đều sẽ khiến quá trình vệ sinh răng miệng gặp nhiều khó khăn. Các kẽ ở răng mọc lệch sẽ khó có thể được làm sạch vì không gian chật hẹp. Lâu dần, sẽ dẫn đến lớp men răng bị bào mòn, sâu răng, nha chu và các bệnh về nướu là điều tất yếu.
- Khi nhai thức ăn không kỹ, đến khi nuốt vào sẽ khiến quá trình tiêu hóa ở dạ dày phải làm việc hết công suất. Khi quá tải, sẽ gây các vấn đề đường tiêu hóa.
- Răng mọc lệch đôi khi còn ảnh hưởng đến cả các dây thần kinh, khiến người bệnh gặp nhiều đau đớn.
- Phát âm ở những bé bị răng mọc lệch cũng sẽ không được rõ chữ, tròn giọng như các bé còn lại.
Khi răng bé mọc lệch, có nên đưa đến gặp bác sĩ nha khoa?
Bố mẹ nên nhớ chúng ta không phải là siêu nhân để có thể kiểm soát được mọi việc. Và đối với vấn đề về răng miệng cho bé cũng vậy, nếu chúng ta không chắc chắn về một điều gì đó, hãy đưa bé đến gặp bác sĩ nha khoa để được chẩn đoán chính xác tình trạng và mức độ của vấn đề bé đang gặp phải.
Để biết được chính xác bé đang gặp phải vấn đề gì, ngoài việc thăm khám sơ bộ, bé cần được chụp X – quang để xem xét được một cách tổng quát nhất.
Kết hợp với độ tuổi, tình trạng của bé sẽ có cách điều trị riêng. Dù là mức độ của tình trạng răng bé mọc lệch có nặng đến đâu, thì mục tiêu trước mắt sẽ là giúp bé có một hàm răng thật chắc khỏe và đều tăm tắp.

Với một số bé lớn sẽ được khuyên niềng răng nên trước đó, nếu mật độ răng bé quá dày đặc, bé có thể phải đối mặt với nguy cơ nhổ bỏ bớt để nhường chỗ cho những chiếc răng còn lại. Sau đó, bé sẽ được sử dụng dụng cụ niềng răng chuyên dụng để giúp kéo các răng đang mọc không đúng vị trí về lại chỗ đứng ban đầu.
Niềng răng là một quá trình sử dụng những chiếc mắc cài nhỏ nối với nhau bằng một sợi dây để gắn vào răng. Các bác sĩ nha khoa sẽ điều chỉnh sợi dây bằng cách kéo căng dần dần để những chiếc răng mọc lệch trở về những vị trí thằng hàng nhau. Niềng răng cần nhiều giai đoạn và thời gian nên không thể nóng vội.
Khi niềng răng, bé sẽ cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy và vướng mắc chút xíu nên bé cần kiên nhẫn một chút. Và hơn nữa, bé cần kiêng một số dòng thực phẩm như các loại hạt khô, kẹo cao su, các loại thực phẩm có kết cấu bám dính cao, nước đá,… Chỉ cần kiêng một thời gian thôi, bé sẽ có ngay một hàm răng thật đẹp và tự tin.
Sự quan tâm đến vấn đề răng miệng hằng ngày của bé cũng giúp bố mẹ phát hiện sớm những bất thường. Từ đó có những biện pháp giải quyết kịp thời. Hơn nữa, việc thăm khám nha khoa định kỳ cho bé 6 tháng một lần, bố mẹ cũng đừng bỏ qua nhé!