Trong giai đoạn ăn dặm cho bé, nhất là những bé mới tập tành ăn dặm, lượng đồ ăn của bé mỗi bữa là rất ít. Do vậy, việc mỗi bữa đều lách cách chuẩn bị là rất mất thời gian. Nên việc áp dụng phương pháp trữ đông đồ ăn cho bé là điều cần thiết. Hãy cùng đi khám phá những mẹo siêu hay giúp mẹ có thể trữ đông đồ ăn dặm cho bé yêu mà vẫn giữ nguyên được hàm lượng dinh dưỡng ngay tại đây nhé.
Các loại thực phẩm dùng trong ăn dặm nên được trữ đông
Một số loại thực phẩm ăn dặm của bé có thể được trữ đông bao gồm rau, củ, quả, thịt và nước dashi.
Các loại rau gồm: súp lơ xanh, súp lơ trắng, bí đỏ, ngô, đậu Hà Lan,…
Các loại củ: khoai lang, khoai tây, cà rốt,…
Các loại quả như việt quất, các loại quả mọng nước,…
Thịt gồm thịt bò, gà và cá.

Để biết được loại nguyên liệu nào phù hợp nhất cho việc trữ đông, các mẹ cần đảm bảo được quy trình chế biến và bảo quản. Tốt nhất lời khuyên cho mẹ là nên chế biến chúng chín và sau đó xay nhuyễn để trữ đông.
Năm bước trữ đông đồ ăn dặm cho bé
Để đồ ăn dặm khi được trữ đông không bị biến đổi về cả màu sắc, mùi vị và nhất là về chất lượng dinh dưỡng, mẹ cần thực hiện đúng quy trình gồm bốn bước như sau:
Bước 1: Mẹ chuẩn bị lượng đồ ăn cần thiết.
Bước 2: Chế biến sạch và nấu chín đồ ăn.
Trong bước này mẹ cần chú ý làm chín đồ ăn bằng cách hấp sẽ giúp giữ lại được tối đa các chất dinh dưỡng có trong thực phẩm đó.
Bước 3: Xay nhuyễn tất cả lượng đồ trên
Nếu mẹ luộc chín thực phẩm, khi cho thực phẩm vào máy xay để xay nhuyễn, mẹ có thể cho cả nước luộc vào để xay cùng để tránh việc hỗn hợp bị quá đặc, khó có thể xay. Hoặc mẹ có thể cho thêm sữa mẹ hoặc sữa công thức vào để bé dễ dàng nhận ra được những hương vị quen thuộc.
Bước 4: Chia đều vào các hộp chuyên dụng đã chuẩn bị trước đó và bỏ vào tủ lạnh.
Bước 5: Đây là bước cuối cùng và có lẽ cũng là điều quan trọng nhất. Đó là ghi chú ngày tháng bắt đầu trữ đông trên nắp hộp hoặc túi đựng.
Đồ trữ đông các mẹ được khuyên chỉ nên cho bé sử dụng trong vòng 1 tháng và tốt nhất là trong khoảng 1 tuần đầu tiên.
Rã đông đồ ăn dặm cho bé như thế nào cho đúng?
Rã đông đồ ăn cho bé cũng là điều các mẹ băn khoăn nhiều nhất. Bởi rã đông như thế nào mới là đúng cách, để giữ lại được tối đa các chất dinh dưỡng có trong đó mà không bị mất đi màu sắc và hương vị. Cùng đi tìm hiểu về vấn đề này và tham khảo cách rã đông đồ ăn này nhé.
Mẹ có thể áp dụng một trong ba cách rã đông sau:
Một là, rã đông trong ngăn mát của tủ lạnh. Nếu sáng hôm nay mẹ muốn nấu đồ ăn cho bé từ những viên đồ ăn trữ đông, thì đêm hôm trước mẹ hãy lấy khẩu phần đó xuống, bọc lại bằng một lớp màng bọc thực phẩm và để vào ngăn mát.

Hai là, hấp cách thủy. Mẹ hãy lấy khẩu phần trữ đông trong hộp và bỏ vào nước ấm. Bằng cách này, thực phẩm cũng sẽ được rã đông một cách từ từ mà không bị các chất khác ‘trà trộn” vào.
Ba là, rã đông bằng lò vi sóng trong một thời gian nhất định. Mẹ hãy chú ý xem thực phẩm đã hoàn toàn được rã đông hay chưa trước khi cho bé ăn nhé.
Thời gian trữ đông là bao nhiêu để giữ nguyên được vị và dinh dưỡng ban đầu?
Các cơ quan về an toàn thực phẩm vẫn khuyến cáo các mẹ có thể trữ đông đồ ăn dặm cho bé trong vòng từ 48 – 72 giờ là tốt nhất. Tuy nhiên, cũng có những loại đồ có thể lưu trữ trong ngăn đá tủ lạnh tối đa trong vòng 1 tháng.
Đối với nhóm chất protein như thịt bò, thịt gà, thịt lợn hoặc cá, tốt nhất mẹ chỉ nên cho bé dùng tối đa trong 10 ngày đầu tiên.
Đối với rau củ quả, thời gian trữ đông sẽ được lâu hơn, khoảng từ 3 tuần đến 1 tháng.
Dashi là một loại nước được hầm từ nhiều loại rau, củ, quả với nhau. Nó có vị ngọt thanh vô cùng đặc trưng và rất dễ chế biến. Các mẹ có thể chọn từ 5 đến 6 loại rau củ quả không kỵ nhau để ninh thành nước dashi thành phẩm. Đối với loại nước dashi dùng trong ăn dặm cho bé, các mẹ chỉ nên trữ đông và sử dụng trong vòng 1 tuần.
Nếu như trước đó mẹ đã trộn chung các loại thực phẩm khi nấu với nhau, mẹ chỉ nên dùng từ 3 – 5 ngày.
Một vài mẹo trữ đông đồ ăn siêu hay mẹ nên “bỏ túi” liền
Đồ ăn dặm khi được trữ đông là một dạng đồ trữ đông khá đặc thù. Thứ nhất là bởi nó được chế biến chín trước khi bước vào công đoạn trữ đông. Và thứ hai là dành cho lứa tuổi đặc biệt – các bé trong giai đoạn ăn dặm từ tháng thứ 6 trở đi. Do vậy, việc tuân thủ các nguyên tắc cũng như quy trình phải được thực hiện một cách sạch sẽ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Tại đây mình xin chia sẻ một vài mẹo giúp mẹ trữ đông đồ ăn cho bé được tốt nhất nhé.
Dán giấy note ghi chú lại tên thực phẩm cùng ngày tháng bắt đầu trữ đông
Việc làm này tuy đơn giản nhưng rất nhiều mẹ hay quên. Nếu không làm việc này, mẹ rất khó phân biệt được đây là loại đồ ăn nào và thời gian nên sử dụng nó. Nếu quá thời gian sử dụng mà mẹ vẫn dùng cho bé sẽ gây ra các vấn đề về sức khỏe cho bé mà nhãn tiền là hiện tượng tiêu chảy.
Tối đa mẹ chỉ nên trữ đông đồ ăn trong vòng 1 tuần
Dù có loại thực phẩm có thể trữ đông trong thời gian lâu hơn tuy nhiên dù nó có tối ưu đến đâu vẫn chỉ nên bảo quản đông lạnh trong thời gian ngắn.
Đã rã đông rồi tuyệt đối không bỏ vào trữ đông lại
Khi đã rã đông rồi các hàm lượng dinh dưỡng trong đó cũng đã biến đổi khá nhiều. Chưa kể trong quá trình rã đông, nó đã trải qua thời gian rã đông nhất định và còn được tiếp xúc với không khí, vì vậy sẽ không còn lưu giữ được những hương vị ban đầu.
Chỉ nên dùng hộp trữ đông chuyên dụng
Việc trên thị trường đang tràn lan những lời quảng cáo có cánh cho các dòng hộp trữ đông đồ ăn cho bé sẽ gây hoang mang cho mẹ. Bởi mẹ có quá nhiều luồng thông tin, không biết nên tin vào đâu để có những lựa chọn hợp lý. Tuy nhiên, một lời khuyên thật lòng dành cho mẹ là nên mua và sử dụng hộp trữ đông chuyên dụng cho bé tại các cửa hàng uy tín, chuyên phân phối các dòng sản phẩm chính hãng dùng cho bé. Tuy giá cả sẽ mắc hơn một chút nhưng mẹ hoàn toàn có thể yên tâm về chất lượng.
Vệ sinh tủ lạnh thường xuyên
Tủ lạnh cũng là một nơi tích tụ khá nhiều vi khuẩn nếu như không được vệ sinh sạch sẽ. Hơn nữa, nhiệt độ của tủ lạnh cũng phải được duy trì một cách ổn định. Hãy hạn chế việc mở tủ lạnh quá nhiều bởi nó sẽ làm giảm độ lạnh trong tủ, dẫn đến tình trạng thức ăn bị hỏng mà chi phí chi trả tiền điện cũng sẽ tăng thêm.
Trữ đông đồ ăn cho bé là một phương pháp tiện lợi, giúp mẹ giảm thiểu được thời gian cũng như công sức trong công đoạn nấu nướng phục vụ em bé. Hơn nữa việc này cũng khá tiện lợi khi mẹ cần đem theo đồ ăn ra ngoài mỗi khi có việc bận. Hy vọng, với những chia sẻ trên, các mẹ có con nhỏ sẽ có thêm được những mẹo hay giúp cuộc sống bỉm sữa trở nên nhẹ nhàng và dễ dàng hơn.