Hệ thống thần kinh (bao gồm não và tủy sống) của em bé bắt đầu phát triển trước cả khi là các bạn phát hiện ra mình mang thai. Sự phát triển não bộ của em bé ngay từ khi trong bụng mẹ vô cùng tuyệt vời, nó bắt đầu hình thành ngay từ tuần thứ ba của thai kỳ, khi mà que thử thai còn chưa cho kết quả dương tính và phát triển không ngừng đến tận khi em bé được sinh ra. Dưới đây là những điều các bạn cần biết về sự hình thành và phát triển hệ thần kinh của thai nhi.

Cấu tạo não của bé
Hãy cùng tìm hiểu về cấu tạo não bộ em bé của mình trước khi tìm hiểu khoa học về sự phát triển của chúng nhé các mẹ. Não bộ được cấu tạo bởi năm phần khác nhau, mỗi phần có chức năng và nhiệm vụ khác nhau:
- Đại não (Cerebrum): Là nơi cư trú của các thùy trán, thùy thái dương và vỏ não. Cũng là phần lớn nhất của não bộ, chúng có chức năng ghi nhớ, suy nghĩ và cảm nhận.
- Tiểu não: Là nơi chịu trách nhiệm kiểm soát vận động.
- Thân não: Là nơi điều khiển nhiều chức năng quan trọng của em bé như nhịp thở, nhịp tim và huyết áp.
- Tuyến yên: Là nơi giải phóng các hormone vào cơ thể em bé, phụ trách việc phát triển, trao đổi chất… Chúng có kích thước bằng hạt đậu.
- Phần hạ đồi: Là nơi có chức năng xử lý nhiệt độ cơ thể, cảm xúc, giấc ngủ, đói, khát…
Đừng thắc mắc là tại sao không giống cấu tạo các bài sinh học đã được học nha các mẹ, hãy cùng tìm hiểu cách thức và thời điểm bắt đầu phát triển của các bộ phận khác nhau này nhé.
Hệ thần kinh của em bé trong giai đoạn đầu thai kỳ (Tam cá nguyệt đầu tiên)

Đĩa thần kinh của thai nhi hình thành chỉ sau khi thụ thai 16 ngày, đó chính là sự phát triển đầu tiên, là nền tảng của não bộ và tủy sống của em bé. Đĩa thần kinh sẽ dài ra, sau đó tự gấp lại cho đến khi biến thành một rãnh và rồi chúng biến thành một cái ống, cái mà chúng ta hay gọi đó chính là ống thần kinh.
Khi vào khoảng tuần thứ 6 hoặc tuần thứ 7, ống thần kinh bắt đầu đóng lại, cong và phình ra chia thành ba phần: não giữa, não trước và não sau. Tủy sống của em bé cũng sẽ xuất hiện ngay phía sau của não sau. Không bao lâu sau, những phần này sẽ phát triển thành năm phần não bộ mà chúng ta đã liệt kê: đại não, tiểu não, thân não, tuyến yên và phần hạ đồi. Chắc chắn rằng, để những phần não bộ này của thai nhi có thể hoạt động hoàn toàn thì chúng ta phải cần thêm thời gian.
Cũng trong giai đoạn này, các tế bào thần kinh đặc biệt bắt đầu hình thành và chạy quanh phôi thai để tạo nên những dây thần kinh đầu tiên. Hàng triệu tế bào thần kinh kết hợp lại để tạo ra hệ thần kinh của bé, mỗi tế bào thần kinh cực nhỏ lại có những nhánh rất nhỏ tách ra khỏi chúng để có thể kết nối và truyền thông tin với nhau tạo ra các chuyển động ban đầu của thai nhi, ví dụ như cuộn tròn vào vị trí. Nhiều cử động khác và sự phát triển xúc giác của em bé cũng sẽ diễn ra nhanh chóng sau đó, ví dụ như vào tuần thứ 8, em bé sẽ biết ngọ nguậy chân tay mặc dù các mẹ chưa hề cảm nhận được điều đó.
Các phản xạ của bé trong giai đoạn giữa thai kỳ (Tam cá nguyệt thứ hai).

Vào giai đoạn giữa thai kỳ (tam cá nguyệt thứ hai), não bộ của bé điều khiển hoạt động co bóp ổn định của các cơ hoành và ngực, tương tự như động tác thở. Đồng thời, Myelin – là một lớp bảo vệ xung quanh dây thần kinh xuất hiện làm gia tăng tốc độ kết nối giữa các tế bào thần kinh và myelin sẽ phát triển khi em bé của bạn được 1 tuổi. Trong tam cá nguyệt thứ hai này, bé sẽ thường xảy ra các phản xạ sau:
- Vào tuần thứ 16: Bé bắt đầu có những hành động mút và nuốt lần đầu tiên.
- Vào tuần thứ 18: Em bé có những cú đạp mà khiến cho bạn có thể cảm nhận được. Tuy nhiên, nó cũng có thể đến trễ hơn một vài tuần thì bạn cũng đừng quá lo lắng nhé, đó là điều khá phổ biến ở những người làm mẹ lần đầu tiên.
- Vào tuần thứ 21: Phản xạ tự nhiên làm bé nuốt vài chục ml nước ối mỗi ngày. Điều đó đồng nghĩa với việc bé đang nếm thử, một hành động giúp bé phát triển vị giác hoàn chỉnh hơn.
- Vào tuần thứ 24: Bé có thể chớp mắt – đây là một phản xạ lớn.
- Vào tuần thứ 28: Hoạt động não bộ của thai nhi có chu kỳ giấc ngủ, bao gồm cả những hành động xảy ra khi mơ (REM)
Thân não nơi mà điều khiển ổn định nhịp tim, nhịp thở và huyết áp của em bé gần như hoàn toàn trưởng thành ở cuối giai đoạn tam cá nguyệt thứ hai này. Nó nằm ở vị trí bên dưới của vỏ não và ngay trên tủy sống. Và lúc này, hệ thống thần kinh của em bé đã đủ phát triển để em bé có thể nghe thấy tiếng động bên ngoài bụng mẹ, và còn hơn thế nữa là có thể quay đầu về phía phát ra âm thanh. Đây là giai đoạn rất phù hợp nếu như bạn muốn dùng âm nhạc để kích thích não bộ em bé.
Sự phát triển trí não của bé trong giai đoạn cuối thai kỳ (Tam cá nguyệt thứ ba)

Các tế bào thần kinh và hệ thống dây thần kinh phát triển nhanh chóng trong tam cá nguyệt thứ ba này. Trong 13 tuần cuối của thai kỳ, trọng lượng não của em bé tăng gấp ba lần từ khoảng 100g lên đến khoảng hơn 300g (3,5 oz lên gần 10,6 oz). Hình dạng của nó cũng bắt đầu có rãnh và thụt vào giống như hình ảnh những bộ nào chúng ta thường thấy thay vì bề mặt nhẵn bóng như trước.
Và triển nhanh nhất trong tất cả các phần não bộ của bé là tiểu não – bộ phận kiểm soát vận động ( trong 16 tuần cuối cùng của thai kỳ, diện tích bề mặt của nó tăng lên gấp 30 lần so vớ trước đó). Mặc dù não phát triển nhanh chóng trong thời kỳ mang thai nhưng vỏ não – bộ phận giúp ghi nhớ, suy nghĩ và cảm nhận chỉ thực sự hoạt động vào khoảng thời gian em bé đủ tháng được sinh ra và sẽ phát triển dần dần trong vài năm đầu đời ở môi trường thế giới đa dạng và phong phú bên ngoài.
Làm thế nào để hỗ trợ sự phát triển trí não của bé?
- Folate ( Axit folic hay còn gọi là vitamin B9)
Hệ thần kinh của em bé phát triển từ rất sớm, bạn cần bổ sung 400 microgram axit folic (vitamin B9) mỗi ngày từ khi bạn có ý muốn mang thai. Axit folic rất cần thiết cho sự phát triển tế bào, phát triển mô và DNA của thai nhi, việc bạn bổ sung đầy đủ nó vào giai đoạn đầu trước khi mang thai sẽ làm giảm 70% nguy cơ mắc dị tật ống thần kinh và làm giảm 40% em bé sinh ra mắc rối loạn phổ tự kỷ. Do đó, bạn hãy bổ sung đủ lượng axit folic (tối thiểu là 400 mcg) cần thiết và ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều nó như rau xanh và ngũ cốc nguyên hạt.
- Axit béo Omega-3
Axit béo Omega-3, đặc biệt là DHA là một chất dinh dưỡng quan trọng cho sự phát triển não bộ và mắt em bé của bạn. Vì vậy bạn cần bổ sung đầy đủ nó, nhất là trong giai đoạn cuối của thai kỳ (Tam cá nguyệt thứ ba) khi mà não của em bé đang phát triển nhanh nhất.
Khoa học chứng minh DHA có trong rất nhiều thực phẩm như các loại cá nước lạnh: cá hồi, cá tuyết… và trong rong biển, trứng…