Hậu quả của việc không tăng thô đúng cách cho bé theo từng giai đoạn

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Bạn nghĩ sao về việc bé sau 1 tuổi rồi vẫn ăn cháo qua từng ngày? Đó chính là hậu quả của việc mẹ không tăng độ thô đúng cách cho đồ ăn của bé. Và điều này sẽ dẫn đến những hậu quả khá nghiêm trọng. Việc tăng thô đúng cách là một điều cần thiết trong các bữa ăn của bé mà mẹ nhất định cần phải nắm rõ. 

Khái niệm tăng thô cho bé ăn dặm

Ăn uống là một nhu cầu cần thiết của mỗi người. Nó không chỉ là việc giải quyết tình trạng đói của cơ thể mà nó còn là sự khám phá với hương vị của đồ ăn. Việc ăn dặm thức ăn ở dạng nhuyễn lâu ngày sẽ khiến bé trở nên nhàm chán và không cảm nhận được cấu trúc cũng như các mùi vị đa dạng của thức ăn. Từ đó làm cho bé không có hứng thú với đồ ăn, gây ra tình trạng biếng ăn.

Tăng thô là cách tăng dần độ thô trong thức ăn của bé từ trạng thái lỏng, nhuyễn lên đặc dần, có hình, có khối, từ nhỏ đến to. Mục đích của việc tăng  thô chính là giúp cho bé sẽ ăn được mọi loại thức ăn còn nguyên hình dạng và có cấu trúc như một người trưởng thành.

Dấu hiệu cho biết mẹ cần tăng thô cho bé

Để biết được khi nào mẹ cần tăng thô cho bé, mẹ cần có những sự tìm hiểu kỹ lưỡng, có thể là từ nguồn sách báo chính thống, hoặc cũng có thể là từ những mẹ có kinh nghiệm đi trước. Tuy nhiên, tất cả chỉ dừng lại ở việc tham khảo. Mẹ còn phải phụ thuộc vào nhu cầu của bé nữa. Nếu mẹ có cảm giác bé yêu đã quá chán, không còn thú vị với việc ăn những món cháo có độ nhuyễn cao, mẹ hãy thử chuyển qua dạng cháo hạt hay cũng có thể là món cơm nát (cơm nhão).

Các giai đoạn tăng thô ở bé ăn dặm

Tăng thô ở bé cần mẹ dựa vào nhiều yếu tố, nhưng yếu tố quan trọng nhất vẫn là số tháng tuổi của bé. Các giai đoạn mẹ cần tăng thô dần cho bé là:

Giai đoạn nuốt chửng

Giai đoạn này dành cho các bé mới tập tành bước vào quá trình ăn dặm đầu tiên của mình. Lúc này, bé vẫn quen với thói quen bú sữa, chỉ cần nuốt vào là xong, là hoàn tất thủ tục ăn của mình. Các cử động lưỡi của bé giai đoạn này là chưa nhiều nên việc ăn đồ ăn có độ nhuyễn hoàn toàn là điều tất nhiên.

Độ thô cho bé ở giai đoạn nuốt chửng này là thật mịn, các hạt cháo không còn ở dạng hạt ban đầu mà nên được rây nhuyễn, có thể thêm nước cho lỏng hơn một chút. Đối với bé ở giai đoạn này, mẹ có thể dùng các nhóm chất như tinh bột và chất xơ (rau, củ, quả) cho bé.

Giai đoạn nhai trệu trạo

Nhai trệu trạo thường xuất hiện ở các bé có độ tuổi từ 7 – 8 tháng tuổi. Lúc này, bé đã có khoảng từ 1-2 tháng cho việc làm quen với ăn dặm rồi nên các cử động lưỡi của bé cũng đã khá lên rất nhiều. Bé đã có thể nghiền thức ăn bằng lưỡi và hàm trên. Thức ăn của bé giai đoạn này nên có độ cứng gần như đậu phụ để giúp bé có thể dễ nhàng nghiền nát thức ăn.

Ở giai đoạn này, ngoài cháo ra, bé cũng đã có thể ăn được rau, cá – thịt trắng (thịt lợn, thịt gà). Mẹ có thể áp dụng cách chế biến hấp cá thịt cho chín, gỡ bỏ da và xương rồi miết cho thật tơi khi còn nóng.

Giai đoạn nhai tóp tép

Giai đoạn này là dành cho các bé được 9 – 12 tháng tuổi. Các bé ở giai đoạn này đa số đã có răng và có thể dễ dàng cắn được thức ăn bằng răng cửa của mình. Các loại thức ăn nên được nấu hoặc hấp chín và cắt thành từng miếng có độ dài 5cm, chiều rộng 1cm. Mẹ cũng có thể nấu cơm cho bé ăn. Tuy nhiên, cơm của bé nên được nấu nhão hơn bình thường để giúp bé nhai được dễ dàng hơn.

Tăng thô không đúng cách dẫn đến hậu quả gì?

Việc tăng thô không đúng cách hoặc không tăng thô cho bé sẽ dẫn đến tình trạng bé không biết ăn các đồ ăn có dạng hình khối khi đã đủ tuổi. Những hậu quả khi không tăng thô cho bé phải kể đến như:

Không biết nhai, nuốt

Sau 1 tuổi, nếu bé chỉ quen với việc ăn cháo, quen với việc há miệng và nuốt ực một cái là xong, bé sẽ khó cảm nhận đc mùi vị của đồ ăn. Đây là một cách ăn thụ động, nên được sửa lại.

Lười ăn

Khi bé đã chán với việc nuốt chửng đồ ăn, bé sẽ phản đối bữa ăn bằng cách ngậm chặt miệng hoặc ngậm đồ ăn trong miệng lâu mà không chịu nuốt. Hoặc một biểu hiện khác của việc lười ăn là bé không bao giờ hào hứng với bữa ăn, giờ ăn như giờ tra tấn, mẹ thì cáu, con thì khóc lóc.

Làm giảm khả năng phát âm

Việc nhai đồ ăn cũng là một kỹ năng mà bé cần phải học hỏi. Trải qua quá trình tập luyện bé sẽ biết cách truyền tải thông tin từ não bộ xuống các cơ hàm, sẽ giúp cơ hàm phát triển. Đây cũng là cách hỗ trợ bé biết nói nhanh hơn. Ở các bé không được hoặc hạn chế kỹ năng này, bé có thể phát âm kém hơn bình thường.

4 lưu ý mẹ nhất định phải biết khi bé tập ăn thô

Trong quá trình ăn thô của bé, nhất là khi bé tập ăn với những đồ ăn có hình có khối, mẹ cần phải lưu ý các điều sau:

Bé bị hóc, nghẹn thức ăn

Phản ứng hóc, nghẹn thức ăn diễn ra rất phổ biến đối với tất cả các bé ăn dặm. Hầu hết bé nào cũng có những phản ứng này. 

Hóc, nghẹn ở mức độ nhẹ là một phản ứng bình thường của bé. Khi bị hóc, nghẹn ở mức độ nhẹ, bé vẫn có thể nói hoặc phát ra âm thanh. Lúc này hãy vỗ tay vào lưng bé giúp bé ho để tống dị vật ra ngoài.

Hóc, nghẹn ở mức độ nặng sẽ khiến bé không thở được, không nói hoặc không phát ra âm thanh được, tím tái. Khi đó, mẹ cần có biện pháp can thiệp kịp thời bằng cách bế dốc bé nằm úp, dốc đầu xuống thấp hơn các vị trí cơ thể khác và vỗ thật mạnh vào phần lưng nhằm giúp con loại bỏ dị vật.

Hóc, nghẹn ở mức độ nặng rất nguy hiểm với cả người lớn và trẻ em. Nếu như người lớn có thể biết ra hiệu cầu cứu người bên cạnh, thì trẻ em đặc biệt là các bé trong độ tuổi ăn dặm lại chưa thể làm được điều này. Do đó, mỗi khi cho bé ăn, hãy để mắt đến bé trong toàn bộ bữa ăn để đảm bảo bé được an toàn nhé.

Mẹ có kiến thức đầy đủ

Việc học hỏi, trau dồi kiến thức về dinh dưỡng cũng như cách xử trí cho bé trong giai đoạn ăn dặm là một điều quan trọng mà bà mẹ nào cũng cần phải biết. Không nên để sự thiếu kiến thức của mình mà bé yêu phải trả giá.

Hiện tượng dị ứng với thực phẩm

Dù trong bất kỳ giai đoạn ăn dặm nào mẹ cũng hay lưu ý điểm này. Khi cho bé tiếp xúc với loại thực phẩm nào lần đầu tiên, mẹ hãy cho bé ăn với lượng nhỏ trước để kiểm tra xem bé có bị dị ứng với nó hay không? Đã có rất nhiều trường hợp dị ứng thực phẩm nặng đã kéo theo rất nhiều di chứng nặng nề không đáng có sau này.

Lượng đồ ăn

Khi thay đổi dạng thức ăn, có thể bé sẽ ăn ít hơn mọi khi. Nhưng mẹ đừng lo, bé đang trong quá trình tiếp nhận sự thay đổi. Hãy cho bé thời gian làm quen dần.

Như vậy, tăng thô trong quá trình ăn dặm của con là một điều hoàn toàn cần thiết và quan trọng nên mẹ hãy để bé yêu của mình được trải nghiệm những bữa ăn ngon theo nhiều cách khác nhau mẹ nhé. Mong rằng những chia sẻ trên hữu ích với tất cả mọi người.