Theo các nghiên cứu đã chỉ ra rằng cơ thể con người có chứa đến 70% là nước. Uống nước là một trong những nhu cầu cần thiết bậc nhất của một con người. Vì vậy, việc bổ sung đủ nước hàng ngày thật sự rất quan trọng. Đối với người trưởng thành, đó là điều bắt buộc. Nhưng còn trẻ sơ sinh, nước có vai trò như thế nào? Có nhất thiết phải cho trẻ sơ sinh uống nước hay không? Hãy cùng đề cập đến vấn đề này tại đây nhé!
Lượng nước cần thiết cho một em bé sơ sinh
Ở bất kỳ độ tuổi nào, đồ ăn thức uống đều phải đảm bảo được 2 yếu tố là đủ và sạch. Đối với trẻ sơ sinh, nó lại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Bởi các cơ quan thuộc hệ tiêu hóa còn rất non nớt, hệ miễn dịch chưa hoạt động hiệu quả. Nếu quá thiếu hay quá thừa đều sẽ gây những ảnh hưởng nhất định. Hơn nữa, thực phẩm bẩn, không đảm bảo chất lượng và dinh dưỡng sẽ làm cho trẻ dễ bị các căn bệnh về đường ruột tấn công.

Các chuyên gia đã nghiên cứu và chỉ ra rằng lượng nước cần thiết cho cơ thể có một mối liên hệ rất chặt chẽ với trọng lượng của người đó. Cụ thể, với các bé có trọng lượng dưới 10kg sẽ có nhu cầu nước là 100ml/kg. Lượng nước cần thiết cho cơ thể sẽ tăng dần lên khi trẻ lớn lên.
Sữa mẹ liệu có đáp ứng đủ lượng nước cần cho cơ thể bé?
Sữa mẹ là nguồn dinh dưỡng hàng đầu mà không một chất nào có thể thay thế cho cơ thể của một em bé sơ sinh. Nó chứa tỷ lệ dinh dưỡng đạt ngưỡng gần như hoàn hảo. Chẳng vậy mà Tổ chức y tế thế giới (WHO) vẫn thường khuyến cáo các mẹ nên cho bé bú sữa mẹ xuyên suốt 6 tháng đầu đời.

Sữa mẹ có chứa đầy đủ lượng nước mà cơ thể bé cần. Một em bé sơ sinh sẽ chỉ nên được bú mẹ hoàn toàn, mà không cần đến bất kỳ loại thức ăn hoặc chất lỏng nào khác ngoại trừ dung dịch thuốc nhỏ bổ sung vitamin, và khoáng chất. Nếu bé bắt buộc phải uống thuốc khi có sự góp mặt của nước, mẹ nên nhận được chỉ định từ bác sĩ.
Nếu bé uống sữa công thức, mẹ có nên cho bé uống thêm nước không?
Đối với bé uống sữa công thức ngoài, một điều mà các mẹ vẫn thắc mắc rằng “Dùng nước để pha sữa chính là đang sử dụng nước cho cơ thể. Vậy chẳng có lý do gì mà không cho bé uống thêm nước lọc?” Đúng, các mẹ đã suy luận đúng, nhưng có điều này mẹ cần biết. Bản chất của sữa công thức chính là tạo thành một chuỗi các nhóm chất có thành phần và cấu tạo giống hoặc gần giống với sữa mẹ. Vậy nên, lượng nước được khuyến cáo để pha cùng sữa bột của bé đã đáp ứng đủ nước cho nhu cầu của bé. Mà không cần thiết phải bổ sung thêm nước uống sau khi bé uống sữa cho sạch lưỡi, sạch miệng.
Nguy cơ dễ gặp khi cho trẻ sơ sinh uống nước
Cho trẻ sơ sinh và trẻ dưới 6 tháng tuổi uống nước rất dễ gây ra những nguy cơ thường thấy như:
Ọc sữa
Dạ dày của em bé sơ sinh còn rất nhỏ, chưa thể chứa được lượng đồ ăn quá nhiều. Vậy nên, ngay sau khi bé ăn no, mẹ không nên nghe theo và tin vào kinh nghiệm của các cụ, các bà để lại là phải cho bé uống thêm chút nữa để bé có thể “súc miệng”. Khi bé bắt đầu ăn dặm, mẹ hãy cho bé uống thêm nước nhé.
Thận bị ảnh hưởng
Thận của một em bé sơ sinh vẫn còn đang trong thời kỳ sơ khai, các chức năng chưa được hoàn thiện hết. Bổ sung nước quá nhiều làm thận phải làm việc nhiều hơn bình thường. Lâu dần thận của bé sẽ bị tổn thương sớm, gây những căn bệnh liên quan đến thận sau này.
Tác động đến hệ tiêu hóa
Nước dù đun sôi nhưng cũng không loại bỏ hết được vi khuẩn cũng như các mầm bệnh gây hại. Hơn nữa, thói quen xưa nay của ông bà ta là uống nước đun sôi để từ ngày này qua ngày khác. Làm như vậy vi khuẩn sẽ càng ngày càng sinh sôi nảy nở nhiều hơn. Trẻ uống phải nước để qua ngày sẽ làm cho vi khuẩn tấn công dạ dày, đến hệ tiêu hóa, có nguy cơ bị tiêu chảy.
Ảnh hưởng đến bữa ăn chính
Uống nước quá nhiều ngay trước và trong bữa ăn sẽ làm bé cảm thấy no hơn, làm bé không muốn ăn dặm hay uống sữa nữa. Từ đó làm xáo trộn nếp sinh hoạt ăn uống, bé không có đủ dinh dưỡng cần thiết.
Có thật sự cần thiết khi cho trẻ sơ sinh uống nước?
Trẻ sơ sinh, đặc biệt là trẻ dưới 6 tháng tuổi có thật sự cần uống nước? Câu trả lời là không. Mẹ chỉ bổ sung thêm nước cho bé trên 6 tháng tuổi, và đang trong quá trình ăn dặm để bé được bổ sung thêm lượng chất khoáng cần thiết cho cơ thể. Hãy nhớ, tuyệt đối không nên cho trẻ dưới 6 tháng tuổi uống thêm bất kỳ thứ gì ngoài sữa mẹ hoặc sữa công thức.
Khi nào bé cần bổ sung thêm nước?
Trẻ em thường có xu hướng vận động không ngừng nghỉ. Các bé có thể chạy luôn chân, luôn tay vì bé đang trong quá trình thích nghi, học hỏi và tìm hiểu vạn vật xung quanh mình. Chính vì điều này mà cơ thể bé sẽ bài tiết ra một lượng mồ hôi khiến cho cơ thể bé có thể bị mất nước. Hoặc nước cũng là một yếu tố cần cho hệ tiêu hóa, giúp nó làm việc được trơn tru hơn. Do vậy, việc bổ sung thêm nước là điều cần thiết. Có rất nhiều mẹ đang băn khoăn rằng không biết khi nào nên bổ sung thêm nước cho bé và với lượng cần thiết là bao nhiêu? Thì đây là câu trả lời.

Đối với trẻ dưới 6 tháng tuổi
Trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi chỉ nên uống sữa, không nên uống thêm nước. Lượng nước cần thiết trong cơ thể đã được chứa sẵn trong sữa mẹ hoặc sữa công thức rồi.
Đối với trẻ ăn dặm
Với trẻ mới bắt đầu ăn dặm, mẹ nên cho bé làm quen dần với nước mỗi lần từ vài ngụm và tăng dần về sau. Cho đến khi bé được 1 tuổi, lượng nước mỗi ngày bé nên được uống tối đa 250 ml, và tối thiểu là 125 ml.
Đối với trẻ sau 1 tuổi
Với các bé ở độ tuổi từ 1 – 8, số ml nước trong ngày bé cần được uống sẽ tính theo độ tuổi bé là bao nhiêu. Ví dụ: bé 1 tuổi uống 250ml/ ngày, bé 2 tuổi uống 500ml/ngày, bé 3 tuổi uống 750ml/ngày,… Quy tắc này chỉ đúng khi bé được 8 tuổi. Sau độ tuổi này, con người sẽ cần khoảng 2 lít nước mỗi ngày.
Đó là lý thuyết. Còn thực tế, ít ai hay bố mẹ nào đo lượng nước cụ thể và cố định mỗi ngày cho bé uống đâu. Thường thường, họ vẫn nương vào nhu cầu của bé mà đáp ứng. Nếu như bé hoạt động nhiều, bố mẹ cho bé uống nhiều. Vì cơ thể bé đang bị thiếu hụt nước do đã được bài tiết quá nhiều qua da.
Uống quá nhiều hay quá ít nước cũng là không nên vì những nguy cơ đã được kiểm chứng. Do vậy, tùy thuộc vào nhu cầu của mỗi người và điều kiện thời tiết đặc trưng từng vùng đang sống mà lượng nước cần nạp vào cơ thể sao cho phù hợp.
Như vậy, nước là yếu tố cần thiết đối với cơ thể con người. Nhưng khi được khuyến cáo rằng không nên cho bé sơ sinh và bé dưới 6 tháng tuổi uống nước, bố mẹ cũng thật sự cần lưu tâm. Mỗi giai đoạn khác nhau, mức độ cần thiết của các chất lỏng, chất khoáng cũng sẽ là khác nhau nên bố mẹ hay những người trực tiếp chăm sóc trẻ không nên áp dụng nhu cầu của người lớn vào nhu cầu của trẻ được. Hãy là những người thông thái trong việc chăm sóc trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ để bé được phát triển đầy đủ và khỏe mạnh nhất.