Chăm sóc bé 11 tháng tuổi như thế nào cho đúng cách?

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ là một lứa tuổi đặc biệt bởi các em chưa có đủ khả năng tự chủ trong những vấn đề sinh hoạt thường ngày. Dù là với những người đã có kinh nghiệm, hay cả những người vừa mới làm cha, làm mẹ lần đầu, nó cũng chưa bao giờ là dễ dàng. Sức khỏe của các bé vẫn còn bị đe dọa bởi nhiều yếu tố khác nhau. Do vậy, mời các mẹ cùng theo dõi cách chăm sóc em bé 11 tháng tuổi đúng chuẩn tại bài viết này nhé!

Sự phát triển và chăm sóc thể chất cho bé 11 tháng tuổi

11 tháng tuổi – nhiều bé đã có thể đi được bằng chính đôi chân của mình mà không cần đến sự hỗ trợ của bố mẹ. Nhưng cũng có nhiều bé vẫn còn đang miệt mài với sự nghiệp bò “du kích” của mình. Và cũng có những bé đang chập chững những bước đi đầu tiên,… 

bé tập đi
bé tập đi

Tất cả những kỹ năng vận động đó bé sẽ học được một cách dần dần, bố mẹ không nên nóng vội. Hãy để bé được khám phá cuộc sống bằng cách leo trèo, lục lọi và thậm chí là bày bừa mọi thứ ra xung quanh. Nhiều bé còn thường mạo hiểm trèo để vượt qua những vật cản trước mặt và không biết rằng đã tự đặt chính mình vào những thế khó và có mức độ nguy hiểm nhất định.

Vì vậy, bố mẹ hãy “dọn đường” cho bé để bé có một không gian vui chơi, khám phá an toàn. 

  • Không nên để bé chơi trên giường cao một mình, mà hãy để bé được chơi dưới mặt đất bằng phẳng và gọn gàng. 
  • Khu vực vui chơi của bé không nên có những đồ dùng có cạnh sắc nhọn vì sẽ rất nguy hiểm cho bé. 
  • Những chiếc ngăn kéo trên tủ cũng là nơi khiến bé thích thú. Hãy chắc chắn rằng chúng đã được khóa lại cẩn thận, nếu không bé rất dễ bị kẹp tay trong đó. 
  • Các sản phẩm mỹ phẩm của mẹ trong phòng ngủ, hay những sản phẩm tẩy rửa để vệ sinh nhà cửa,…. cũng nên cất gọn tránh xa khỏi tầm với của bé.
  • Các bé ở độ tuổi 11 tháng có tính tò mò cao về mọi thứ và có thể bỏ bất kỳ thứ gì vào miệng để kiểm nghiệm xem có ăn được hay không. Do vậy, hãy chắc chắn rằng những thứ đồ chơi có kích thước nhỏ không xuất hiện trong khu vực bé đang hoạt động.

Bé 11 tháng tuổi, khả năng phối hợp tay, chân và mắt của bé đã tốt hơn rất nhiều. Bé có niềm đam mê với việc nghịch và chuyền đồ chơi từ tay này sang tay kia. Bé cũng sẽ cảm thấy chán với việc cứ mãi phải chơi với một trò chơi giống nhau. Nên bố mẹ hãy tham khảo thêm nhiều trò chơi phù hợp với độ tuổi của bé để giúp bé thích thú hơn nhé.

Sự phát triển, chăm sóc trí não và ngôn ngữ của bé 11 tháng tuổi

Khả năng ghi nhớ

Bé sắp được 1 tuổi, trí não của bé lúc này cũng phát triển vượt bậc. Bé đã có thể nhận biết, ghi nhớ được nhiều điều hơn. Khả năng tư duy logic cũng như khả năng tập trung vào một việc bất kỳ cũng tăng lên đáng kể. Bé có thể tự chơi cùng đồ chơi trong một khoảng thời gian dài mà không có biểu hiện mất tập trung và chán nản.

bé đọc sách xem tranh
bé đọc sách xem tranh

Khả năng giao tiếp

Có lẽ bé vẫn còn khá nhút nhát khi chạm mặt một người lạ bất kỳ. Bé có thể sẽ khóc lóc và bám chặt mẹ khi người lạ tiến gần và có hành động muốn bế bé. Nhưng sẽ nhanh thôi, chỉ cần từ 15 – 30 phút tiếp xúc và làm quen một cách từ từ với bé, bé sẽ trở nên thân thiện với bạn. Bé sẽ ghi nhớ những người thân quen và khiến bé vui vẻ chơi đùa, nên nếu có thể, hãy dành nhiều thời gian nhất có thể để nô đùa cùng bé!

Khả năng giao tiếp bằng ngôn ngữ của bé 11 tháng tuổi cũng tăng lên đáng kể. Ngôn ngữ của bé có thể bằng giọng nói hoặc bằng hình thể. Bé đã có thể nói được 1 hoặc 2 chữ đơn giản một lần. Cách cắt nghĩa câu nói của bé cũng được cải thiện nhiều. Nếu như bé đang làm một hành động mà mẹ nói “Không”, bé sẽ hiểu và sẽ dừng hành động đó lại. Hoặc nếu mẹ giơ hai tay của mình ra kèm câu nói “Mẹ xin/ Đưa cho mẹ!”, bé cũng sẽ trao món đồ cho mẹ ngay thôi.

Nhiều mẹ lo lắng khi tầm tuổi này bé yêu chưa chịu nói trong khi đó các bạn cùng tuổi đã nói được rất nhiều? Nhưng xin mẹ hãy yên tâm một điều, khả năng học ngôn ngữ của mỗi bé là khác nhau. Nếu trước 2 tuổi, bé vẫn chưa thể nói, mẹ hãy cho bé đến gặp bác sĩ để kiểm tra cụ thể. Còn trước đó, bé chưa nói, mẹ hãy cứ từ từ dạy bé mà không cần quá lo lắng.

Khả năng bắt chước

Cách bé nhìn và bắt chước những hành động diễn ra xung quanh cũng đủ khiến mẹ phải giật mình đó. Nó có thể chỉ là những hành động đơn giản như nghe điện thoại bằng cách áp vào tai rồi bi bô nói, hoặc đưa chiếc điều khiển hướng về phía tivi với mong muốn được xem chương trình yêu thích,…

Dinh dưỡng cho bé 11 tháng tuổi

Muốn bé yêu phát triển toàn diện về mọi mặt, bố mẹ tuyệt đối không nên bỏ lơ vấn đề dinh dưỡng cho con. Bé 11 tháng tuổi vận động rất nhiều để học hỏi cũng như luyện tập các kỹ năng mới. Do vậy, bé cần một nguồn năng lượng lớn đến từ những bữa ăn để có một thể lực khỏe mạnh nhất.

Một chế độ dinh dưỡng đúng chuẩn theo khoa học cho bé 11 tháng tuổi nên được cân bằng 4 nhóm dưỡng chất: tinh bột – chất đạm – chất béo – vitamin và khoáng chất.

  • Tinh bột có ở các nhóm thực phẩm như gạo, bánh mì, nui,…. Mẹ có thể luân phiên lựa chọn và thay đổi để bé không bị chán mà vẫn đầy đủ dinh dưỡng.
  • Chất đạm có ở trứng, cá, sữa và các loại thịt.
  • Chất béo mẹ nên lựa chọn các loại hạt dinh dưỡng và phô mai.
  • Rau, củ, quả có chứa hàm lượng chất xơ, vitamin và khoáng chất đáp ứng đủ cho nhu cầu của bé.
thực phẩm tốt cho bé

Từ những nhóm thực phẩm kể trên, mẹ có hàng ngàn cách chế biến khác nhau để tạo thành các món ăn cho bé. Từ cháo bột cho bé mới đầu ăn dặm, đến cháo vỡ hạt, cháo nguyên hạt, và cuối cùng là cơm. Mẹ chú ý bắt buộc phải tăng dần độ thô để bé học được cách nhai, cho cơ hàm phát triển.

Ở độ tuổi 11 tháng này, bé cũng sẽ thích tự cầm đồ để ăn hơn là việc được đút. Nên mẹ hãy cứ thoải mái để bé được ăn theo sở thích của mình. Bằng cách này, bé cũng sẽ phát triển được khả năng cầm nắm và phối hợp tay, miệng của mình.

Sữa lúc này cũng vẫn rất quan trọng với bé, nên dù bú mẹ hoàn toàn hay uống sữa công thức, mẹ vẫn cần xen kẽ vào những bữa ăn dặm cho bé đầy đủ nhé.

Chăm sóc giấc ngủ cho bé 11 tháng tuổi

Khi bé được 11 tháng tuổi, những giấc ngủ ngắn ban ngày của bé đã giảm đi rất nhiều. Thay vào đó, nếu như lúc trước khoảng thời gian ấy bé dành cho việc ngủ, thì đến lúc này, bé sẽ để học hỏi các kỹ năng vận động cần thiết khác. Những giấc ngủ ngắn giữa buổi sáng và giữa buổi chiều sẽ được gộp lại thành chỉ một giấc ngủ buổi trưa. Thời lượng ngủ tuổi này của bé nên là 15 – 16 tiếng/ ngày.

Nhiều khi, bé yêu có thể ngủ chập chờn hoặc bỏ qua cả giấc ngủ trưa khiến mẹ vô cùng lo lắng. Nhưng đó có thể là hiện tượng bé đang trong quãng thời gian phát triển vượt bậc, tức là bé đang trong quá trình học cách tập đi. Bé chỉ đang mải mê với việc luyện tập hơn là việc ngủ mà thôi.

Những giấc ngủ đêm của bé nên được kéo dài 12 giờ mỗi đêm. Nó nên được bắt đầu sớm và sâu giấc để bé có được sự phát triển hoàn hảo nhất.

Nuôi con nhỏ chưa bao giờ hết khó khăn. Có vô vàn vấn đề xoay quanh sự phát triển của bé nên hãy cùng chia sẻ với người bạn đồng hành và những người thân xung quanh để có được những kiến thức hữu ích hơn nhé!