Kể từ tháng tuổi thứ 6 trở đi trẻ đã có thể bắt đầu tập ăn dặm. Điều quan trọng là mẹ phải xây dựng cho bé một tháp dinh dưỡng khoa học và lành mạnh. Phải không ngừng tìm hiểu những thực phẩm mới và các nhóm dinh dưỡng liên quan. Đây là cách gián tiếp thể hiện tình yêu thương của mẹ dành cho bé. Muốn biết thêm nhiều điều về những bữa ăn dặm đầu tiên cho bé thì bạn hãy đọc tiếp ở bài viết dưới đây.
Thời điểm thích hợp để giới thiệu thức ăn dặm cho bé.

Ăn dặm là cách để gọi những bữa ăn với thức ăn đặc, bữa ăn bổ sung khác sữa mẹ. Các nhà dinh dưỡng cho biết thời điểm thích hợp nhất để cho trẻ ăn dặm là lúc trẻ được 6 tháng tuổi trở lên. Thời điểm này bé đã mọc 1, 2 chiếc răng và hệ đường ruột cũng dần thích ứng với thức ăn dạng đặc hơn sữa mẹ.
Ban đầu lượng thức ăn dặm mẹ cho bé ăn có thể rất ít, vì điều quan trọng là tập cho bé làm quen với loại thức ăn khác với sữa mẹ trước, sau đó tăng dần số lượng lên mà không ảnh hưởng đến bé. Thời điểm bắt đầu tập ăn dặm trẻ vẫn được cung cấp đầy đủ dinh dưỡng từ sữa mẹ hoặc sữa công thức nên chưa cần phải ăn thức ăn ngoài quá nhiều.
Đảm bảo được sự phong phú trong chế độ ăn dặm của bé là một điều quan trọng. Mẹ có thể thay thế thực đơn thường xuyên, kết hợp nhiều loại rau, củ, quả ở những nhóm dinh dưỡng khác nhau để chế biến cho bé ăn và lưu ý kết hợp theo tỉ lệ cùng với việc bú sữa mẹ và sữa công thức.
Khi bé đã làm quen với việc ăn dặm, bạn có thể tăng số lượng và sự đa dạng của thực phẩm chế biến món ăn dặm cho đến khi trẻ lớn hơn và ăn được những loại thức ăn như người lớn trong gia đình. Chú ý là khẩu phần của bé nhỏ hơn người lớn và mẹ cũng phải nêm nếm gia vị phù hợp với đặc điểm của trẻ nhỏ.
Trường hợp em bé bị sinh non, sinh ra không đủ số tháng thì bạn nên hỏi ý kiến bác sĩ để biết thời điểm nào thích hợp nhất để cho trẻ tập ăn dặm.
Tại sao chọn thời điểm trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên để tập ăn dặm là tốt nhất?
Nguyên nhân bạn nên đợi bé được ít nhất 6 tháng tuổi trở lên rồi mới tập cho bé ăn dặm là vì:
Sữa mẹ, sữa mẹ kết hợp sữa pha chế theo công thức là nguồn dinh dưỡng đầu tiên phù hợp và đầy đủ năng lượng nhất mà trẻ nhỏ cần. Chỉ ngoại trừ vitamin D là cần phải được tổng hợp thông qua việc tắm nắng mặt trời vào sáng sớm.
Việc cho trẻ bú duy nhất sữa mẹ trong vòng 6 tháng đầu đời sẽ giúp cho bé có một hệ tiêu hóa khỏe mạnh và bảo vệ bé khỏi những tác nhân gây bệnh và nhiễm khuẩn.
Hệ tiêu hóa của một đứa trẻ mới sinh không khỏe mạnh như người lớn, chính vì thế việc cho trẻ bú sữa mẹ trong 6 tháng đầu tiên sẽ tạo điều kiện cho bé có thời gian để hoàn thiện và phát triển hệ tiêu hóa đến mức độ tiếp thu được những thực phẩm rắn khác sữa mẹ như ngũ cốc, các loại củ nghiền,…
Trẻ 6 tháng tuổi trở lên về cơ bản ý thức đã hoàn thiện, trẻ có thể tự ăn nhiều hơn.
Việc nhâm nhí đầu vú của mẹ trong thời gian dài đã tạo cho bé được thói quen hoạt động lưỡi, chính vì vậy, bé có thể di chuyển thức ăn trong vòm miệng, nhai và nuốt chúng một cách dễ dàng hơn ngay cả khi bé chỉ có một vài chiếc răng nhỏ xíu. Đồng nghĩa với việc bé có thể trải nghiệm nhiều mùi vị và cách chế biến thức ăn khác nhau. Chẳng hạn như thức ăn nghiền, xay, cắt miếng để gặm… Đến đây các mẹ có thể sẽ thắc mắc những dấu hiệu để biết lúc nào thì trẻ có thể sẵn sàng thử ăn dặm phải không? Hiểu được điều đó, chúng tôi đưa ra một số dấu hiệu dưới đây.
Một vài dấu hiệu chứng minh bé sẵn sàng với việc ăn dặm.
Có nhiều dấu hiệu để cho thấy em bé của bạn đã sẵn sàng để bắt đầu ăn dặm. Trong đó có 3 dấu hiệu chính và tương đối rõ ràng mà các mẹ có thể quan sát được. Thời điểm bạn quan sát là lúc bé từ 6 tháng tuổi.
Trẻ có những dấu hiệu như:
Trẻ có thể ngồi vững được và giữ đầu ở vị trí cố định trong một thời gian nào đó.
Trẻ có thể tò mò với đồ ăn của người lớn và trẻ khác, chúng có thể nhìn ngó thức ăn và tỏ ra thèm muốn, dùng tay để nắm và tự nhét vào miệng được những thức ăn được đưa cho.
Mẹ thử cắt một lát hoa quả vừa phải và cho bé cầm, nếu bé có thể nuốt được một chút thức ăn thay vì nhổ chúng ra ngoài thì mẹ đã có thể biết được chúng đã sẵn sàng rồi.
Nếu trẻ có những hành vi như vậy và chúng đều xuất hiện cùng một lúc vào thời điểm trẻ được 6 tháng trở lên thì mẹ đã có thể bắt tay vào xây dựng thực đơn ăn dặm cho bé được rồi đấy! Tuy nhiên, vẫn có một vài trường hợp gây nhầm lẫn dẫn đến mẹ nghĩ rằng bé đã sẵn sàng tập ăn dặm.
Những dấu hiệu của ở trẻ dễ khiến mẹ nhầm lẫn trẻ đã sẵn sàng tập ăn dặm:
Trẻ nhét tay hoặc nắm đấm cho vào miệng. Trẻ em thường có thói quen nhét tay, đồ vật hoặc nắm đấm của mình vào miệng để nhâm nhi. Điều này có thể xuất phát từ việc trẻ mô phỏng lại động tác bú sữa hoặc do chúng đang mọc răng và ngứa lợi.
Trẻ thức dậy vào ban đêm nhiều hơn bình thường. Có thể do trẻ buồn vệ sinh hoặc bị giật mình chứ chưa hẳn là trẻ muốn ăn thêm.
Trẻ đòi bú thêm sữa mẹ. Nguyên nhân có thể do lượng sữa ở lần bú trước không đủ no hoặc bé hoạt động chơi quá nên tiêu hao nhiều năng lượng.
Những dấu hiệu này hoàn toàn bình thường và không có gì là chắc chắn rằng trẻ đã sẵn sàng để ăn dặm hoặc lượng sữa mẹ không còn đủ cung cấp và trẻ cần được bổ sung thức ăn ngoài.
Tập cho bé ăn dặm
Như đã có nói ở trên, thời điểm ban đầu bé chỉ cần 1 lượng rất nhỏ thức ăn dặm trước khi bú sữa mẹ như thời điểm trước đó.
Ban đầu bé sẽ chỉ tập trung vào việc làm quen, học cách ăn thôi nên bạn không cần lo lắng chúng ăn không được nhiều.

Nên tránh một số loại thực phẩm cho bé khi tập ăn dặm:
Không nên cho đường hoặc muối vào bất kỳ món ăn dặm nào của trẻ. Trẻ chỉ nên ăn những món ăn nhạt thậm chí chưa cần nêm vào thời điểm này như một chút củ quả nghiền chẳng hạn.
Ăn mặn sẽ làm cho thận của trẻ gặp vấn đề, còn đường sẽ dễ khiến chúng bị sâu răng nên cần phải tránh hai loại gia vị này.
Một vài mẹo giúp quá trình tập ăn dặm diễn ra thuận lợi.
- Việc tập ăn dặm là một điều rất mới mẻ đối với trẻ nhỏ. Chính vì vậy các mẹ nên kiên nhẫn và cố gắng giúp bé thích nghi bằng cách an ủi và khen bé nhiều hơn.
- Dành nhiều thời gian bên cạnh để tập cho bé ăn vào những lần đầu. Tránh thu hút sự chú ý của trẻ và để trẻ ăn bằng việc sử dụng những thiết bị thông minh như máy tính, điện thoại, tivi. Điều này sẽ gây cho trẻ thói quen xấu, ảnh hưởng đến mắt và không cảm nhận được vị ngon của thức ăn.
- Không ép bé ăn, giai đoạn đầu bé chỉ cần làm quen, nếu bé tỏ ra không thích món nào đó, có thể là do cách chế biến chưa phù hợp với khẩu vị của bé.
- Hãy chỉ cho bé cách ăn thay vì ép chúng và quát mắng. Bạn cũng có thể thử làm gương trước mặt trẻ vì trẻ nhỏ có xu hướng học theo, bắt chước hoạt động của người lớn.
Hình dạng thức ăn.
Khi trẻ bắt đầu tập ăn, hãy thay đổi dạng thức ăn cho bé lần lượt từ loãng, nghiền, sang vón cục và thậm chí là hạt ngay khi trẻ đã đủ khả năng khống chế thức ăn.
Việc thay đổi như thế này sẽ giúp trẻ rèn luyện cách nhai và di chuyển thức ăn trong miệng dễ dàng, chúng cũng sẽ nuốt thức ăn một cách tự nhiên hơn.
Mỗi trẻ em khác nhau sẽ có khả năng thích nghi với thức ăn khác nhau, do đó bạn cần nắm bắt đặc điểm ăn của em bé nhà bạn và chọn hình dạng thức ăn thích hợp cho trẻ.
Giữ vệ sinh khi ăn.
Ngoài chú ý đến thực đơn ra thì mẹ cần chú ý thêm về giữ vệ sinh để hạn chế các tác nhân trung gian gây bệnh cho bé.
Vài lời khuyên cho mẹ bỉm sữa như:
Người chế biến thức ăn cho trẻ phải luôn rửa tay thật kỹ với xà phòng và nước sạch trước khi chế biến thức ăn và trước khi cho trẻ ăn.
Các dụng cụ và không gian nhà bếp cũng phải sạch sẽ, khô thoáng, thường xuyên được dọn dẹp để tránh vi khuẩn bám vào thức ăn trong quá trình chế biến.
Sau khi chế biến đồ ăn cho bé mẹ không nên cho bé ăn ngay. Hãy để cho đồ ăn nguội hơn 1 chút hoặc kiểm tra độ nóng trước khi cho trẻ sử dụng, điều này sẽ tránh cho trẻ bị bỏng.
Đối với trái cây thì nên chọn kỹ lưỡng, rửa thật sạch, lấy hạt thật kỹ và gọt vỏ rồi mới cho bé ăn.
Tránh các loại thức ăn quá cứng, thức ăn dạng hạt, viên, bé có thể nuốt phải và bị ngạt thở nếu người lớn sơ suất.
Luôn ở bên cạnh trong suốt quá trình bé ăn, chú ý quan sát để tránh trường hợp con bạn bị sặc, bị buồn nôn hoặc các trường hợp khác.
Dụng cụ chuẩn bị cho bé tập ăn dặm.
Bạn nên chuẩn bị một vài dụng cụ cần thiết hỗ trợ cho việc tập ăn của trẻ. Chẳng hạn như:
Một chiếc ghế phù hợp. Để tập ăn có hiệu quả, bé cần được ngồi ở một chiếc ghế có đai an toàn, chắc chắn và đảm bảo từ thế ngồi thẳng đứng, điều này sẽ giúp cho trẻ nuốt thức ăn dễ dàng và đúng cách. Tránh để trẻ ngồi một mình với ghế thiếu an toàn khi ăn, bé có thể quậy và ngã nếu không có người ở cạnh.
Khăn che hoặc yếm nhựa, yếm vải. Lúc đầu tập ăn có thể sẽ không suôn sẻ, bé sẽ làm đổ thức ăn ra ngoài và gây bừa bộn. Bạn cần một vật để có thể tránh cho thức ăn vấy bẩn vào đồ áo và cho trẻ chạm tay vào.

Một bộ dụng cụ ăn uống riêng biệt cho trẻ. Điều mẹ cần chuẩn bị cho bé là một chiếc muỗng có kích cỡ vừa phải mềm và không gây ảnh hưởng đến nướu của trẻ. Tiếp theo là một bộ khay đựng thức ăn nhiều món hoặc một chiếc bát nhựa nhỏ. Nguyên nhân là vì bé có thể quậy và làm cho chúng bị rơi, đồng thời bát nhựa cũng dễ cho người lớn dễ cầm.
Cốc đựng nước hoặc sữa. Các mẹ có thể tập cho bé sử dụng cốc nhựa để uống nước và sữa ngay lúc tập ăn dặm để bé làm quen thay vì bình sữa.