Thuộc nhóm bệnh truyền nhiễm cấp tính, bệnh Sởi có khả năng lây từ người sang người qua đường hô hấp. Khi cơ thể bị mắc bệnh Sởi, đáp ứng miễn dịch của cơ thể giảm sút nên trẻ rất dễ gặp phải các biến chứng. Vậy thời điểm nào cần đưa trẻ đến bệnh viện? Và cách phòng bệnh Sởi cho trẻ như thế nào? Xin mời bạn đọc cùng theo dõi nội dung ngay dưới đây.
Căn nguyên gây ra bệnh Sởi
Là một căn bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, bệnh Sởi xảy ra là do tác nhân virus Sởi. Các báo cáo của viện nghiên cứu khoa học đã cho biết rằng đây là một loại virus có hình cầu, đường kính dao động từ 120 – 250nm. Sức chịu đựng nhiệt của virus này là khá thấp. Nó sẽ bị tiêu diệt ở nền nhiệt độ chỉ 56 độ C mà thôi. Ngoài ra, sức nóng của ánh sáng mặt trời và các loại thuốc khử trùng cũng có thể loại bỏ triệt để được loại virus này.
Bệnh Sởi lây lan qua đường không khí. Khi người bệnh ho, hắt hơi, sổ mũi, … các dịch tiết sẽ theo đó đi ra ngoài không khí. Sau đó, những người đối diện nếu không may hít phải luồng không khí đó, tỷ lệ mắc Sởi sẽ vô cùng cao. Mức tỷ lệ đó có thể lên đến 90 – 95% ở những trẻ hoặc người lớn chưa từng bị Sởi và nhất là những người chưa được chích ngừa vắc xin phòng bệnh Sởi.

Lứa tuổi nào cũng có thể mắc bệnh Sởi nếu như chưa từng được tiêm phòng vắc xin. Độ tuổi có lẽ hay mắc bệnh Sởi nhất là từ 1 – 4 hoặc các bé đến tuổi tiêm phòng rồi mà bỏ lỡ các mũi tiêm cần thiết.
Thời điểm dễ mắc bệnh Sởi nhất là khi hai mùa đông – xuân giao nhau. Nó có thể kéo dài trong vài tháng đến khi mùa hạ bắt đầu.
Biểu hiện thường thấy của bệnh Sởi ở trẻ nhỏ
Biểu hiện trên các bệnh nhi mắc Sởi sẽ xuất hiện trong các giai đoạn của bệnh. Cụ thể:
Giai đoạn trước phát ban
– Giai đoạn này có thể kéo dài khoảng 2 ngày.
– Bé có các biểu hiện sốt. Có thể sốt từ nhẹ đến cao hoặc rất cao. Nhưng chủ yếu các bé mắc Sởi, bé nào cũng đều bị sốt cao. Kèm theo đó là ho nhiều, chảy nước mũi. Các biểu hiện của bệnh ở giai đoạn này khá giống với những bệnh cảm cúm thông thường nên nhiều bố mẹ thường chủ quan, không có biện pháp phòng ngừa, cách ly sớm.
– Các nốt mụn nội ban xuất hiện ở lớp niêm mạc má phía trong khoang miệng. Bố mẹ không có kinh nghiệm sẽ không nhận biết được dấu hiệu này.
– Các hạch bạch huyết bắt đầu sưng to.
– Nếu làm xét nghiệm máu cho bé lúc này sẽ thấy lượng bạch cầu trong máu tăng lên.
Giai đoạn phát ban
– 3 – 5 ngày là thời gian để các ban chạy từ trên xuống dưới cơ thể bé.
– Kèm theo các biểu hiện phát ban, mẩn đỏ các nốt mụn trên da. Ban đầu là xuất hiện ở trán, chân tóc. Tiếp đó lan xuống mặt, sau đó xuống cổ, ngực, bụng, lưng và cuối cùng là chân. Các ban chỉ bay hết khi nào chúng di chuyển xuống dưới chân mà thôi.
Giai đoạn ban bay
– Sau khi các ban bay hết, chúng sẽ để lại vết thâm trên da của bé. Những khoảng da này sẽ hồi phục trở lại như bình thường nếu như Sởi được điều trị triệt để, không có biến chứng xảy ra.
Các biến chứng do bệnh Sởi gây ra cho trẻ nhỏ
Các di chứng để lại cho trẻ nhỏ cũng sẽ phụ thuộc vào độ tuổi mà bé mắc bệnh. Trẻ càng nhỏ mắc bệnh, tỷ lệ để lại di chứng càng nhiều và nặng nề. Bệnh Sởi để lại nhiều di chứng trên cơ thể bé nếu như không có phương pháp điều trị kịp thời và hợp lý.
– Các biến chứng trên hệ hô hấp như: viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm phổi, …
– Các biến chứng trên hệ thần kinh như: viêm não, màng não, tủy cấp có khả năng gây tử vong cao; viêm tủy gây liệt hai chân kèm theo cơ vòng bị rối loạn; viêm màng não; …
– Các biến chứng trên hệ tiêu hóa như: viêm lớp niêm mạc miệng, bệnh cam, viêm ruột, ….
– Các biến chứng trên tai – mũi – họng như: viêm tai giữa, viêm họng, …
Các biến chứng trên cơ thể trẻ nhỏ do bệnh Sởi gây ra là vô cùng nặng nề. Ngoài những biến chứng trên, nó còn khiến cho bé trở nên còi cọc do bị suy dinh dưỡng lâu dài. Vóc dáng và sức khỏe của bé sau này bị ảnh hưởng khá lớn.
Phòng bệnh Sởi cùng vắc xin
Bệnh Sởi có thể truyền nhiễm và lây lan thành đại dịch nếu không có hệ miễn dịch cộng đồng và các biện pháp cách ly. Do vậy, bé phải được chích ngừa bệnh Sởi bằng vắc xin. Có nhiều loại vắc xin phòng bệnh Sởi cho bé qua các độ tuổi như:
Vắc xin Sởi đơn
– Dành cho bé 9 tháng tuổi.
– Đây là một loại vắc xin Sởi đơn giảm độc lực. Rất cần thiết và không thể bỏ mũi tiêm này cho bé đâu bố mẹ nhé. Bố mẹ tuyệt đối không được quên thời gian và lịch tiêm mũi Sởi đơn này cho bé.
Vắc xin Sởi kết hợp

– Vắc xin Sởi – quai bị – rubella được tiêm cho bé khi được ít nhất 12 tháng tuổi và được tiêm 2 mũi.
– Đối với vắc xin Sởi – Rubella, bé 18 tháng tuổi sẽ được tiêm phòng.
Hai loại vắc xin phòng bệnh Sởi là vắc xin Sởi đơn và vắc xin Sởi – Rubella thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng (tức là bé được tiêm miễn phí) nên bố mẹ hãy tận dụng cơ hội này để bé yêu được chích ngừa bệnh nhé.
Chăm sóc em bé bị Sởi tấn công
Khi bé bị Sởi, việc chăm sóc bé như thế nào cũng rất cần được chú trọng. Bố mẹ cần lưu ý đôi điều sau:
Về vấn đề dinh dưỡng
- Tuyệt đối không quá kiêng khem cho bé. Nên cho bé ăn đầy đủ chất dinh dưỡng.
- Cho bé uống nhiều nước vì khi bị Sởi, cơ thể bé bị sốt, mất nước. Hoặc có thể cho bé sử dụng các dung dịch điện giải, nước cam, nước chanh, … hoặc bất kỳ loại nước ép trái cây nào.
- Cho bé ăn thành nhiều bữa để đảm bảo bé được no mà không bị quá chán đồ ăn.
- Uống thuốc hạ sốt là điều cần thiết khi bé yêu sốt trên 38.5 độ C. Mỗi độ tuổi sẽ dùng thuốc hạ sốt khác nhau nên bố mẹ cần chú ý sử dụng đúng loại thuốc cho bé.
Là một căn bệnh xảy ra phổ biến ở trẻ nhỏ, bệnh Sởi xảy ra là do

Về vấn đề vệ sinh
- Người xưa vẫn thường bảo rằng bé bị Sởi không được cho bé tiếp xúc với gió. Điều này là không đúng. Bé bị Sởi không cần kiêng gió đâu ạ. Bé cần ở trong một môi trường thông thoáng, không khí lưu thông ổn định. Điều này sẽ giúp cho bé mau chóng hồi phục hơn.
- Bố mẹ mặc quần áo thoáng cho bé, không mặc quá nhiều quần áo sẽ khiến bé bị nóng, đổ mồ hôi làm cho các nốt ban dễ bị nhiễm trùng hơn.
- Tuyệt đối không trùm kín cho bé vì có thể gây nên tình trạng co giật cho bé.
- Có thể dùng nước lá như lá kinh giới, trà xanh, … để lau người cho bé. Vì những nước tắm này có khả năng diệt khuẩn trên da cho bé.
Bé mắc Sởi hoàn toàn có thể được điều trị tại nhà nếu như bé không có biểu hiện sốt li bì. Trong trường hợp bé sốt li bì nhiều ngày kết hợp ho nhiều, bỏ ăn dài ngày, co giật, đi ngoài ra máu, hôn mê, … nhất định phải đưa bé đến bệnh viện gặp các bác sĩ điều trị. Vì khi có những phản ứng này, bé đã bị nặng và gặp phải biến chứng của bệnh.
Sức khỏe của trẻ nhỏ hôm nay chính là tương lai của bé sau này. Do vậy, bố mẹ hãy đưa bé đi tiêm phòng vắc xin để nâng cao chất lượng cuộc sống cho bé nhé!