Bé sơ sinh ngủ hay giật mình là một hiện tượng phổ biến và thường thấy bậc nhất ở trẻ nhỏ. Tại sao lại có hiện tượng này? Có phải bé yêu đang bị thiếu canxi hay không? Hay bé đang gặp phải một vấn đề nào đó có liên quan đến sức khỏe hiện tại? Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh vấn đề này, nên bố mẹ nào có con nhỏ mới sinh đang gặp phải hiện tượng giống vậy thì không nên bỏ lỡ bài viết này nhé!
Giải mã tình trạng bé sơ sinh ngủ hay giật mình
Giật mình, co cơ là một loại phản xạ bẩm sinh trên cơ thể con người. Mọi độ tuổi, ai cũng có thể bị giật mình. Tuy nhiên, ở trẻ sơ sinh là dễ nhận thấy nhất, ngay cả khi không có bất kỳ một tác động ngoại lực nào. Nhiều bé sơ sinh giật mình mạnh đến nỗi không khác gì một cơn co giật. Một vài bố mẹ đã lo lắng tới mức ghi lại hình ảnh bé yêu giật mình để hỏi ý kiến của các vị chuyên gia nhi khoa.

Bé sơ sinh có thể giật mình thon thót ngay trong khi ngủ, dù là trong một môi trường vô cùng yên tĩnh, không có một chút âm thanh tiếng ồn nào. Nếu bé ngủ hay giật mình, bước đầu, bố mẹ nên dành thời gian quan sát nhiều hơn nhé. Bố mẹ có thể lo lắng về vấn đề này của bé, nhưng bố mẹ đừng lo quá, bởi vì nó là một phản xạ bình thường của trẻ nhỏ mà thôi.
Trẻ sơ sinh có thể bị giật mình trong lúc ngủ khi được 5 hoặc 6 tuần tuổi. Nó có thể kéo dài trong khoảng 3-4 tháng đầu đời và sẽ được cải thiện hoặc biến mất hoàn toàn sau khoảng thời gian đó.
Phản ứng giật mình ở trẻ sơ sinh diễn ra như thế nào?
Phản xạ giật mình ở cơ thể người xảy ra khi bỗng dưng con người ta gặp phải một tình huống bất ngờ. Nhất là đối với trẻ sơ sinh, nó thường diễn ra với các biểu hiện như sau:
– Bé đang rất bình thường, bỗng nhiên bé co người lại, sau đó kéo căng người ra.
– Hai tay giơ cao lên không trung kèm theo các ngón tay xòe hết ra.
– Hai đầu gối chân co lên và duỗi ra một cách đột ngột.
– Sau khi giật mình xong, chân tay bé lại co về như ban đầu, bàn tay lại nắm thành nắm đấm.
Là một loại phản xạ không điều kiện, giật mình ở trẻ sơ sinh không nguy hiểm. Nó mang tính tự vệ cho bản thân bé trước những cảm giác bất an và nỗi sợ hãi. Tuy nó chỉ diễn ra trong một vài giây ngắn ngủi nhưng nó có thể khiến bé tỉnh giấc khi đang chìm trong giấc ngủ, hoặc có thể khiến bé khóc thét không lý do.
Những tác động nào khiến bé ngủ hay giật mình?
Chẳng vì lý do gì
Như đã nói ở trên, phản ứng giật mình ở trẻ sơ sinh là bẩm sinh. Nó có thể chẳng vì bất cứ một lý do nào cũng có thể khiến bé giật mình. Phản xạ giật mình ở trẻ sơ sinh lúc này được gọi là phản xạ Moro rất thường thấy.
Vì tiếng ồn

Âm thanh đối với cuộc sống sinh hoạt là một điều không thể thiếu. Trong nhiều trường hợp, việc sử dụng âm thanh với âm lượng quá cao sẽ gây ra nhiều bất tiện. Nhất là đối với những gia đình có trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, nó có thể khiến bé giật mình thon thót.
Vì sự động chạm bất ngờ
Không chỉ các bé sơ sinh, mà ngay cả với người lớn, một sự tác động lực bất ngờ từ một hoặc nhiều người xung quanh cũng khiến người khác giật mình. Hơn nữa, trẻ sơ sinh rất nhạy cảm, nếu có quá nhiều sự động chạm như thế sẽ khiến bé sợ hãi, khóc lóc và ám ảnh về sau này.
Giúp mẹ xử lý bé ngủ hay giật mình với 4 mẹo hay
Giấc ngủ rất quan trọng với sự phát triển của bé sơ sinh nên để giảm thiểu một cách tối đa nhất tình trạng bé hay giật mình trong khi ngủ, bố mẹ có thể áp dụng 4 mẹo hay sau đây:
Mẹo 1: Đặt bé nằm xuống khi còn tỉnh táo
Ru con ngủ trên tay là một hành động phổ biến của các mẹ bỉm nhằm đưa con vào giấc ngủ dễ dàng. Thế nhưng đến khi đặt bé nằm xuống nôi/ giường lại là một vấn đề nan giải. Nhiều mẹ khi vừa đặt lưng bé xuống đã khiến bé tỉnh dậy và khóc thét. Vậy làm sao cải thiện được điều này?
Đơn giản, trong quá trình đưa bé vào giấc ngủ, ban đầu mẹ có thể thoải mái ôm ấp bé trên tay. Nhưng, cần lưu ý một điều là nhất định phải đặt bé xuống khi bé còn thức. Và dùng phương thức khác để đưa bé vào giấc ngủ. Mẹ có thể cho bé nằm nghiêng sang một bên và áp dụng vỗ bé. Đây có lẽ là cách kinh điển để giải thoát cho mẹ khỏi cảnh bế ẵm bé ngủ trên tay hằng giờ.
Mẹo 2: Quấn bé
Thật sự quấn không giúp bé giảm bớt tình trạng giật mình khi ngủ. Nhưng nó giúp bé ngủ lâu, sâu hơn và hơn cả là hạn chế được việc khiến bé tỉnh dậy, khóc thét và không thể ngủ trở lại.
Để áp dụng quấn bé, mẹ chỉ cần chuẩn bị một chiếc khăn quấn to bản và có độ co giãn cao để quấn xung quanh người cho bé. Trông bé nằm gọn trong “chiếc nhộng” đó và ngủ ngon lành, mẹ đã thành công rồi đó!

Mẹo 3: Kích thích bé hoạt động lúc thức
Cho bé được vận động nhiều trong khi thức sẽ giúp tăng cường sức mạnh của các cơ bắp và học cách kiểm soát lực do chính mình tạo ra. Làm cách này cũng sẽ khiến tình trạng giật mình ở trẻ nhỏ giảm đi đáng kể.
Các bài tập vận động cho bé sơ sinh có thể là tummy time, bài tập đạp xe cho chân, bài tập vươn tay cao, … Một khi bé học được cách kiểm soát lực cử động, tình trạng giật mình ở bé sẽ được cải thiện.
Mẹo 4: Giảm bớt các hoạt động quá kích thích ngay trước giấc ngủ
Vui chơi nô đùa cùng các bé là điều cần thiết nhưng ngay trước mỗi giấc ngủ, hãy hạn chế cho các bé vui đùa quá đà. Nếu không, bé sẽ bị quá kích thích. Bé có thể khó đi vào giấc ngủ hơn, hoặc có thể giật mình nhiều lần chỉ trong một thời gian ngắn.
Tổng kết
Khác xa với những gì mà những người làm bố, làm mẹ đang lo lắng, bé sơ sinh hay giật mình trong khi ngủ không phải là dấu hiệu của việc cơ thể bé đang bị thiếu hụt canxi. Nó chỉ đơn giản là một minh chứng cho biết rằng hệ cơ và phản xạ của con đối với thế giới mới vẫn đang hoạt động tốt mà thôi.
Trong một vài trường hợp bé yêu thường xuyên giật mình trong khi ngủ mà bố mẹ chưa biết làm thế nào để khắc phục đã gây ra nhiều hệ lụy với cuộc sống. Nó có thể kể đến:
– Khiến bé chậm phát triển: Khi ngủ say, cơ thể bé vừa được hồi phục, vừa tạo điều kiện cho hormone do tuyến yên tiết ra, làm tiền đề cho sự phát triển toàn diện của bé. Nó sẽ giúp bé tăng cân, tăng chiều cao tốt hơn. Do vậy, nếu bé thường xuyên giật mình tỉnh dậy vào giữa đêm sẽ không đảm bảo được chất lượng giấc ngủ và sự lớn lên của chính mình.
– Tạo tâm lý, thói quen xấu kéo dài: trẻ sơ sinh vốn đã có một hệ thần kinh, một sức chịu đựng áp lực kém nên nếu tình trạng giật mình tỉnh giấc kéo dài sẽ khiến bé tạo thói quen sinh hoạt xấu, hay khóc lóc về đêm ngay cả khi đã lớn.
– Khi bé tỉnh dậy, khóc lóc liên tục sẽ khiến giờ giấc và chất lượng sinh hoạt của cả gia đình bị đảo lộn. Không chỉ bé không ngủ đủ giấc, dễ cáu gắt mà bố mẹ cũng không đủ sức khỏe và tỉnh táo để chăm sóc bé. Chất lượng sữa mẹ ở những bà mẹ có con nhỏ như vậy cũng giảm sút rất nhiều.
Phản xạ giật mình ở trẻ sơ sinh thật sự không đáng sợ. Nó chỉ đáng sợ ở chỗ nếu không có biện pháp giảm thiểu sẽ tạo những hệ lụy xấu cho sức khỏe của cả gia đình. Vậy nên, với 4 mẹo đã được chia sẻ ở trên, mong rằng sẽ có ích với các bố mẹ đang gặp phải tình trạng này!