Việc tạo một thói quen sinh hoạt cho bé sơ sinh là một điều vô cùng cần thiết. Bởi nó giúp cho cuộc sống của cả mẹ và bé trở nên dễ dàng hơn. Bất kỳ một tín hiệu do con phát ra, mẹ hoàn toàn có thể hiểu được tiếp theo con muốn làm gì. Hãy cùng điểm qua bảy ý tưởng tuyệt vời để tạo nên một thói quen phù hợp cho cả mẹ và em bé sơ sinh ngay sau đây nhé!
Áp dụng chu trình sinh hoạt để giúp bé phân biệt được ngày và đêm
Một em bé sơ sinh từ khi được chào đời chưa thể phân biệt được đâu là ngày và đâu là đêm. Bé có thể ngủ từ 18 – 20 giờ mỗi ngày. Từ đây có thể thấy được thời gian bé thức trong ngày là rất ít.
Việc giúp bé học cách phân biệt ngày – đêm cũng là một bước quan trọng để hướng đến một thói quen khả thi. Vậy làm cách nào để giúp bé phân biệt được điều này?

Một cách đơn giản nhất đó là lặp lại một chu trình nhất định vào ban ngày, và ban đêm thì tuyệt đối không áp dụng điều này. Một trình tự sinh hoạt mà mẹ có thể áp dụng là E.A.S.Y. Đây là các ký tự viết tắt của Eat (ăn), Activity (hoạt động), Sleep (ngủ) và Your time (thời gian riêng tư của mẹ). Bằng cách áp dụng trình tự này sẽ giúp bé tạo được nếp sinh hoạt rõ ràng.
Vào ban đêm, ngay khi bé ăn đêm xong, đặt bé nằm xuống và cho bé ngủ ngay. Không nhất thiết phải thay bỉm cho bé hay làm các hoạt động khác, trừ khi bé có dấu hiệu khó chịu do bỉm bị bẩn.
Giới thiệu thói quen đi ngủ sớm cho bé sơ sinh
Đi ngủ sớm vào ban đêm là một điều rất tốt cho sức khỏe của bé và giúp mẹ nhàn rỗi hơn vào buổi tối để mẹ có nhiều thời gian nghỉ ngơi hơn. Để giúp con quen với việc đi ngủ sớm, vào một thời điểm nhất định buổi tối trong ngày mẹ hãy làm một loạt những hành động lặp lại qua từng ngày như:
- Tắm cho bé
- Thay một bộ đồ ngủ phù hợp
- Cho bé bú sữa mẹ hoặc bú bình
- Đặt bé xuống và tạo môi trường ngủ yên tĩnh
- Mẹ đừng quên thì thầm vào tai con “Đến giờ ngủ rồi. Chúc con ngủ ngon.”

Bằng những việc lặp đi lặp lại qua từng ngày như vậy bé sẽ quen dần và trở thành thói quen cho bé. Tuy nhiên, bé của mẹ không phải một con robot, do vậy, thời gian bắt đầu ngủ đêm của bé có thể du di trong khoảng 15 – 30 phút.
Không chỉ là giấc ngủ đêm, mà các giấc ngủ ngày của bé cũng nên được thực hiện theo một trình tự nhất quán. Khi bé đã quen, hãy cố gắng đặt bé xuống khi bé buồn ngủ nhưng vẫn còn tỉnh táo. Nó sẽ giúp bé học được cách tự chìm vào giấc ngủ.
Biết cách đọc tín hiệu của bé
Em bé mới sinh chưa thể nói ra được những điều mình muốn. Nên bằng một cách nào đó, bé sẽ phát ra những tín hiệu để người lớn có thể hiểu được rằng bé hiện đang muốn điều gì?

Bé khóc có thể vì rất nhiều nguyên nhân khác nhau. Có thể là do bé không thoải mái khi bỉm bị bẩn, có thể là do bé bị quá mệt, bị quá kích thích, quá tải thần kinh,… hay đơn giản chỉ là vì bé đang bị đói. Hiểu được tiếng khóc của bé, bố mẹ sẽ tìm ra được giải pháp giúp bé giải quyết vấn đề một cách hiệu quả nhất.
Ví dụ, nếu bé vừa ăn no xong nhưng có các biểu hiện vặn mình, ưỡn người và quấy khóc rất có thể bé đang bị đầy hơi. Hãy bế bé lên và thử vỗ ợ hơi cho bé nhé bố mẹ!
Ưu tiên thói quen của bé sơ sinh lên hàng đầu
Khi có em bé xuất hiện trong cuộc sống của mình, bố mẹ sẽ luôn bận rộn cả ngày. Những sự chú ý sẽ chỉ dồn về sinh linh bé bỏng ấy. Một thói quen sẽ giúp cho bố mẹ làm mọi việc được dễ dàng, nhanh chóng, giữ được sự tập trung và trật tự trong ngày.
Em bé sơ sinh chưa thể tự chủ được trong các hoạt động hàng ngày nên bố mẹ cần ưu tiên cho thói quen của bé lên hàng đầu. Tuy đôi khi nó sẽ khiến bạn mệt mỏi và cảm thấy nản lòng nhưng bố mẹ hãy cố gắng tạo cho con những thói quen tốt. Và hãy nên nhớ một điều rằng: đừng ngần ngại nhờ đến sự giúp đỡ của gia đình, người thân và bạn bè xung quanh.
Kỳ vọng vào sự thay đổi qua các cột mốc của bé
Mỗi em bé trong 2 năm đầu đời sẽ phải trải qua 10 tuần khủng hoảng (wonder week) ở các tuần 5, 8, 12, 19, 26, 37, 46, 55, 64 và 75. Sau những tuần khủng hoảng này bé sẽ có những sự phát triển vượt bậc (growth spurt). Vào những tuần này, các bé sẽ trở nên cáu gắt, “khó ở” hơn thường ngày. Có thể bé sẽ lười ăn hơn, bám mẹ hơn, quấy khóc và không chịu chơi tự lập một mình.
Đây là một phản ứng về tâm sinh lý bình thường của bé trong quá trình phát triển. Khi bé trong tuần khủng hoảng, bé biếng ăn, mẹ không nên ép bé. Hãy chờ đợi khi bé đói, đòi ăn thì sẽ cho bé ăn để tránh biến tình trạng biếng ăn sinh lý thành biếng ăn bệnh lý. Ở giai đoạn này, bố mẹ nên quan tâm nhiều đến bé hơn, cùng chơi đùa với bé để giúp bé luyện tập học hỏi các kỹ năng.
Em bé của bạn sẽ đạt được rất nhiều thành tựu trong năm đầu tiên. Chúng có thể tăng gấp ba lần trọng lượng so với lúc mới sinh. Và bạn có thể thấy được bé học được các kỹ năng qua từng giai đoạn như lẫy, trườn, bò và thậm chí một số bé còn có thể đứng lên đi bộ thành thạo.

Càng lớn các bé sẽ càng ngủ được lâu hơn và có những giấc ngủ rõ ràng vào từng thời điểm nhất định. Nếu bé có dấu hiệu với những thói quen trước đó, hãy thử điều chỉnh lại một số điều để phù hợp với các kỹ năng và nhu cầu của con.
Điều chỉnh thói quen cho phù hợp với lứa tuổi
Khi bé lớn lên, thời gian thức của bé vào ban ngày sẽ tăng lên rõ rệt và chúng cũng sẽ cần ít những giấc ngủ ngắn hơn. Thay vào đó chúng sẽ vui đùa, nô nghịch trong những khoảng thời gian đó.
Khi bé được khoảng 6 tháng tuổi, bé sẽ bước vào thời kỳ ăn dặm. Mẹ cần có những sự chuẩn bị về cả kiến thức cũng như thời gian vào việc chế biến đồ ăn dặm cho con. Và có thể còn là cả việc dọn dẹp những “bãi chiến trường” do bé gây ra nữa!
Khi bạn nhận ra được những dấu hiệu thay đổi thói quen của bé, nó sẽ trở nên tự nhiên hơn. Còn nếu bạn đang khó khăn hay bế tắc, hãy đi tìm lời khuyên từ các chuyên gia để có được những gợi ý hữu ích.
Không nên quá mong đợi vào sự hoàn hảo
Em bé dù chưa có quá nhiều nhận thức về thế giới xung quanh nhưng bé cũng là một con người, không phải là một cái máy hay một con robot tự động. Do vậy bố mẹ không nên quá kỳ vọng vào việc con thực hiện được đầy đủ và chính xác những thói quen bố mẹ thiết lập cho mình.
Ví như đôi khi, vì một lý do nào đó bé muốn bỏ qua một giấc ngủ ngắn hay thức dậy sớm hơn thường ngày,… Có thể bé đang cảm thấy không khỏe , hoặc cũng có thể do một chiếc răng đang mọc,…
Cuộc sống hàng ngày không thể thiếu những ngày lễ, những cuộc vui chơi. Những kế hoạch với gia đình, bạn bè đôi khi cũng sẽ làm gián đoạn trật tự thói quen của bé. Bố mẹ cũng hãy nhớ rằng, cuộc sống không bao giờ là bằng phẳng mà xen vào đó là những thách thức giúp cho sự gắn kết giữa bé và gia đình trở nên khăng khít và bền chặt hơn.
Trên đây là một số bước giúp tạo nên một thói quen sinh hoạt cho một em bé sơ sinh. Mình rất mong nó trở nên hữu dụng và bổ ích với tất cả mọi người.