Hẳn rằng khái niệm tuần khủng hoảng không còn xa lạ gì với các bậc cha mẹ có con nhỏ. Trong một năm đầu đời của trẻ, các bé sẽ phải trải qua tất cả 7/10 tuần khủng hoảng khác nhau. Hãy cùng đi tìm ngay lời giải cho tuần khủng hoảng của bé dưới 1 tuổi tại bài viết này nhé.
Tuần khủng hoảng là gì?
Tuần khủng hoảng có một cái tên chuyên ngành là wonder week (viết tắt là ww), là các mốc phát triển kỹ năng và tinh thần quan trọng nhất của bé trong hai năm đầu đời. Ở giai đoạn này, bé sẽ tập trung phát triển trí não, nhận thức và học các kỹ năng mới, cần thiết cho sự tự lập và khám phá cơ thể của bé.
Cứ sau khi kết thúc một tuần khủng hoảng, bé sẽ có những thay đổi nhất định hoặc những bước tiến rõ rệt như bé biết lẫy, biết trườn, biết bò, biết ngồi, biết đi,… Và khi đó, bé sẽ trở lại là một em bé thiên thần như ban đầu.
Biểu hiện của tuần khủng hoảng ở trẻ
Dưới đây mình sẽ chia sẻ một số biểu hiện của bé trong giai đoạn tuần khủng hoảng sẽ ảnh hưởng rất lớn tới nhịp sinh hoạt bình thường của bé.
Hiện tượng biếng ăn sinh lý
Đa số các bé khi rơi vào các kỳ wonder weeks sẽ thường trở nên biếng ăn hơn, do bé đang tập trung vào phát triển về trí não mà tạm thời bỏ quên sự phát triển về thể chất. Các biểu hiện rõ rệt nhất là bé khóc thét mỗi khi mẹ cho bú hoặc ngồi vào ghế ăn dặm chuẩn bị cho một bữa ăn.

Nếu bé trở nên lười ăn và không chịu bú, mẹ hãy giãn cữ bú cho bé. Hãy chờ đến khi bé phát tín hiệu rằng bé đói, bé muốn ăn, mẹ hãy cho bé ăn theo nhu cầu. Tuyệt đối không được ép bé ăn, mẹ nhé.
Giấc ngủ bị ảnh hưởng – chất lượng giấc ngủ kém
Có rất nhiều bé khi rơi vào giai đoạn khủng hoảng không những biếng ăn mà còn ngủ kém. Các bé có thể ngủ giấc ngày ngắn, chập chờn, không sâu giấc. Những giấc đêm bé thường ngủ muộn và thức dậy sớm hơn bình thường vào sáng hôm sau. Thêm vào đó, bé thường hay trằn trọc, gào khóc không lí do.
Bé trở nên cáu gắt, bám mẹ không rời
Vì các bé có những biểu hiện khó ở kết hợp đan xen nhau nên các mẹ hãy kiên nhẫn chơi đùa, trò chuyện cùng bé. Nếu bé quấy khóc, mẹ hãy thử thu hút bé bằng cách tạo ra một trò chơi khiến bé trở nên hứng thú hơn.
Các bé dưới 1 tuổi sẽ rơi vào tuần khủng hoảng ở các thời điểm khác nhau
Như đã được giới thiệu ở trên, trong một năm đầu đời bé sẽ phải trải qua 7 tuần khủng hoảng. Đó là ở các tuần thứ 5, tuần 8, tuần 12, tuần 19, tuần 26, tuần 37 và tuần 46. Đa số các bé sẽ trở nên khó tính hơn trước giai đoạn nhảy vọt này từ 1 – 2 tuần. Các tuần này được gọi là các tuần “bão tố”. Ví dụ như, trước khi bước vào ww 19, bé sẽ có những biểu hiện từ tuần thứ 17 hoặc 18. Sau khi đã vượt qua được những tuần “bão tố” ấy, bé sẽ vui vẻ trở lại ngay thôi.
Mình sẽ lấy một ví dụ cụ thể hơn để giúp các mẹ hiểu rõ như sau. Khi bé được khoảng 20 tuần – không phải là tuần khủng hoảng của bé. Tuy nhiên, khi bé có những biểu hiện ăn ít đi hoặc không muốn ăn, khóc lóc, mơ màng, hờn dỗi một cách vô cơ,… mẹ nên kiểm tra xem bé có đang học một kỹ năng mới nào hay không? Nếu có, xin chúc mừng đồng thời cũng gửi lời chia buồn đến với mẹ, bé đang bước vào tuần phát triển nhảy vọt về trí não rồi đấy.
Tuần khủng hoảng có thể là dấu hiệu để mẹ thay đổi nhịp sinh hoạt cho trẻ
Nếu bé có các biểu hiện của tuần khủng hoảng vừa có biểu hiện không hợp tác với giờ giấc sinh hoạt thường ngày. Mẹ hãy nương theo các biểu hiện của bé mà có những sự điều chỉnh kịp thời theo nhu cầu.
Về các bữa ăn, mẹ hãy giãn cữ bú cho bé. Nếu bé trong giai đoạn ăn dặm, dù bé có biếng ăn hơn mẹ cũng nên chuẩn bị những bữa ăn có đầy đủ các nhóm dinh dưỡng để bù lại lượng chất thiếu hụt.

Về giấc ngủ, nếu bé có dấu hiệu cắt giấc ngủ ngày, mẹ hãy cắt bớt giấc đó cho bé nhé. Một lưu ý nhỏ là nếu bé đang ở trong giai đoạn này, bé đang rất nhạy cảm Do vậy, môi trường sinh hoạt của bé phải thật thoải mái. Khi bé ngủ, hãy hạn chế tối đa những tiếng ồn, tránh làm bé giật mình, thức giấc, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Những thắc mắc, băn khoăn thường thấy của mẹ
Có rất nhiều thắc mắc xoay quanh các thời kỳ khủng hoảng của bé phải kể đến như sau:
Mẹ có nên tập tự ngủ, cai ti đêm cho bé khi bé đang rơi vào wonder weeks hay không? Câu trả lời là: Tùy thuộc vào tình trạng của bé và tinh thần của mẹ. Ví dụ: nếu bé quá lười ăn, thì nên cai ti đêm để ban ngày bé ăn hiệu quả hơn. Nếu mẹ thấy bé ngủ quá kém, có thể dạy bé tự ngủ. Tuy nhiên, nếu mẹ cảm thấy làm những việc này khi bé đang khó chịu là “làm khổ” bé thì mẹ hãy chờ đợi đến ngày bé vui vẻ trở lại để áp dụng nhé.
Bé khi chưa biết lẫy thì khi bé dậy chỉ cần để im là bé tự chuyển giấc được. Thế nhưng sau khi trải qua ww 12 xong, bé đã lật thành thạo nên mỗi khi bé tỉnh là dậy luôn. Vậy mẹ phải làm như thế nào?
Các mẹ có thể tập cho bé tập lật, tập trườn vào ban ngày, còn đêm hãy triệt để dùng nút chờ. Đây là một điển hình cho việc em bé của mẹ đang lớn và đang học kỹ năng khi ngủ. Đó cũng là một cơ sở để phát triển.
Những điều mẹ cần lưu ý khi trẻ trong tuần khủng hoảng
Ở mỗi giai đoạn của tuần khủng hoảng, bé cũng mệt mỏi, khó chịu không kém gì bố mẹ. Vì vậy, bố mẹ hãy cố gắng hiểu được những thông điệp con muốn truyền tải để có thể giúp con hoàn thành được giai đoạn khó khăn này nhé.
Một số cách để bố mẹ cùng vượt qua các thời kỳ khủng hoảng của con một cách dễ dàng có thể tham khảo:
Ban ngày hãy cắt đi một giấc ngủ ngắn của bé, ban đêm cho bé đi ngủ sớm hơn bình thường khoảng từ 30 – 45 phút.
Khi bé tỏ ra không muốn ăn, mẹ hãy dừng lại, đừng ép bé. Việc ép bé ăn lâu dần sẽ trở thành hiện tượng biếng ăn bệnh lý vô cùng nguy hiểm. Thay vào đó, mẹ hãy chờ đến khi bé có nhu cầu muốn ăn, hãy cho bé ăn.
Bố mẹ hãy dành thời gian cho bé nhiều hơn, cùng bé tạo ra những trò chơi vừa giúp bé thoải mái mà cũng là một cách vận động, học hỏi kỹ năng.

Nếu bé quá quấy khóc, bố mẹ hãy dỗ dành bé bằng cách cho bé ra ngoài đi dạo một lát chẳng hạn, hoặc cho bé nghịch nước,…
Tóm gọn lại một điều rằng, tuần khủng hoảng ở bé không phải là một loại bệnh mà nó chỉ là khoảng thời gian khó khăn để bé học hỏi, phát triển các kỹ năng vận động thô hoặc phát triển trí não mà thôi. Chỉ cần bố mẹ chú ý đến bé hơn thường ngày, lắng nghe nhu cầu của bé thì tuần bão tố cũng sẽ nhẹ nhàng trôi qua như những tuần nắng đẹp mà thôi.
Chẳng phải tự nhiên mà có câu “Đi qua những ngày mưa, mới thấy yêu thêm những ngày nắng.” phải không nào. Hy vọng với những chia sẻ ở trên sẽ giúp các mẹ hiểu rõ hơn về tuần khủng hoảng ở trẻ để mẹ có thêm những kiến thức giải quyết những vấn đề ở con trẻ.