Vitamin là một trong những nhóm dưỡng chất vô cùng quan trọng với sức khỏe con người, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Bố mẹ nào cũng mong muốn bé yêu được phát triển toàn diện, nên chú trọng vào việc bổ sung vitamin là điều cần thiết. Vitamin B là một trong số đó. Thiếu đi vitamin B, cơ thể bé sẽ thiếu hụt đi rất nhiều dưỡng chất, quá trình tổng hợp chất dinh dưỡng cũng vì thế mà không được hoàn chỉnh. Để hiểu hết được tầm quan trọng của loại vitamin này, mời bạn đọc tham khảo bài viết này nhé!
Giới thiệu về vitamin B
Vitamin B là một trong các loại vitamin hòa tan được trong nước. Nó đóng vai trò quan trọng trong quá trình trao đổi và tổng hợp các chất dinh dưỡng trong mọi tế bào của cơ thể.
Có đến 8 loại vitamin B, bao gồm: vitamin B1, vitamin B2, vitamin B3, vitamin B5, vitamin B6, vitamin B7, vitamin B9 và vitamin B12.
Mặc dù có gần chục loại vitamin B khác nhau, nhưng tại sao nó lại được phân vào cùng 1 nhóm? Đó là bởi:
- Thành phần hóa học của chúng có mối quan hệ mật thiết với nhau.
- Thực phẩm có chứa các loại vitamin B gần giống nhau.
- Đối với các chức năng sinh lý, nó tương đồng nhau và có khả năng bổ sung cho nhau.

Do nó có khả năng hòa tan được trong nước, nên trong quá trình mẹ mang bầu, nó dễ dàng thẩm thấu vào máu, di chuyển đến nhau thai để cung cấp dưỡng chất cho thai nhi.
Vai trò của vitamin B với sức khỏe con người
Vitamin B tuy ở cùng một nhóm nhưng lại tồn tại ở nhiều dạng khác nhau. Do vậy, mỗi loại sẽ có một chức năng đối với sức khỏe riêng biệt. Cụ thể:
Vitamin B1
Vitamin B1 hay còn được gọi là Thiamin. Tuy nó chỉ có nồng độ thấp trong hàm lượng dinh dưỡng của thực phẩm, nhưng nó lại rất có lợi.
Hệ thần kinh của bé có thể nói là phát triển từng ngày, từng giờ. Trẻ sơ sinh ngủ rất nhiều vào những tháng đầu tiên. Tuy nhiên, ngay cả trong khi ngủ, các tế bào nơ ron thần kinh cũng phát triển không ngừng nghỉ. Vitamin B1 rất quan trọng với việc phát triển cấu tạo hệ thần kinh. Nên nếu thiếu hụt trầm trọng, nó có thể gây ra chứng sưng, phù tim, các cơ chân tay yếu ớt,…
Vitamin B2
Vitamin B2 hay còn gọi là Riboflavin. Nó có chức năng giúp quá trình chuyển hóa năng lượng từ thức ăn, từ các vi chất khác, và giúp trao đổi chất trong cơ thể. Hơn nữa, nó còn có tác dụng trong việc giúp cơ thể phòng chống oxy hóa và ung thư.
Thiếu vitamin B2, bé có thể bị các vấn đề liên quan đến lưỡi như nấm lưỡi, viêm lưỡi,….
Vitamin B3
Cũng giống như vitamin B2, vitamin B3 (hay còn gọi là Niacin) cũng góp mặt vào quá trình chuyển hóa và trao đổi chất dinh dưỡng cho cơ thể. Ngoài chức năng này, nó còn giúp cơ thể tổng hợp hormone, hỗ trợ việc hình thành các lớp niêm mạc và thành tế bào.
Thiếu vitamin B3, bé có thể đối mặt với tình trạng sưng đỏ, bong tróc vảy ở tay, hoặc các vấn đề về tiêu hóa như viêm dạ dày, hoặc nặng hơn nữa có thể ảnh hưởng đến thần kinh, suy giảm trí nhớ.
Vitamin B5
Cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa chất, vitamin B5 (axit pantothenic) giúp cơ thể hấp thu dưỡng chất tốt hơn.
Thiếu vitamin B5, cơ thể bé có thể bé mắc phải các triệu chứng như buồn nôn, mệt mỏi, rối loạn tiêu hóa, rối loạn giấc ngủ,…
Vitamin B6
Hồng cầu rất quan trọng trong việc tạo máu cho cơ thể con người. Vitamin B6 được bổ sung vào cơ thể không chỉ khiến lượng máu được duy trì ổn định mà nó còn hỗ trợ các chất xúc tác, dẫn truyền của hệ thần kinh.
Thiếu vitamin B6, bé có thể chậm lớn, ăn không ngon, dễ bị kích thích, hay bị rụng tóc, và một số các bệnh về da và các lớp niêm mạc. Thiếu vitamin B6, nguy cơ co giật ở trẻ em cũng cao hơn bình thường.
Vitamin B7
Có cùng chức năng với vitamin B5, vitamin B7 (biotin) cũng tham gia vào quá trình chuyển hóa, trao đổi chất dinh dưỡng cho cơ thể.
Thiếu vitamin B7, bé có thể bị viêm da, viêm kết mạc ở mắt, rụng tóc và các biểu hiện bệnh ở hệ thần kinh.
Vitamin B9
Được biết đến với cái tên thông dụng hơn: axit folic, vitamin B9 hỗ trợ các tế bào phân chia đúng cách, tái tạo hồng cầu, hình thành và bảo vệ gen tế bào khỏi các nguy cơ bị dị tật.
Thiếu vitamin B9, bé sẽ mắc chứng thiếu máu, các dị tật về thần kinh, yếu ớt,…
Vitamin B12
Tương tự với vitamin B9, vitamin B12 vừa tham gia hình thành các tế bào mới, vừa giúp cơ thể tạo máu, vừa cân bằng các chức năng trong hệ thần kinh, và vừa tham gia vào quá trình chuyển hóa chất dinh dưỡng đi nuôi cơ thể.
Thiếu vitamin B12, cơ thể bé sẽ mệt mỏi, nhợt nhạt, nhịp tim không đều, hay bị chóng mặt, không giữ được thăng bằng mỗi khi di chuyển,….
Bổ sung vitamin B cho bé cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau

Không tùy ý bổ sung vitamin B cho bé
Tìm hiểu rõ vai trò cũng như chức năng của mọi loại thực phẩm, kể cả thực phẩm ăn uống hằng ngày cũng như thực phẩm chức năng đều rất cần thiết. Dù chúng có tốt nhưng bổ sung cho đối tượng nào, với hàm lượng ra sao, bố mẹ phải là những người nắm rõ. Không tự ý bổ sung vitamin B cho bé vì nó có thể là nguyên nhân gây ra chứng thừa vitamin ở trẻ nhỏ.
Trong thai kỳ và sau sinh
Nếu bé được sinh ra đủ ngày, đủ tháng với sức khỏe bình thường thì trong khoảng 2 tháng đầu sau sinh, mẹ không cần bổ sung thêm vitamin B cho bé. Tuy nhiên, nếu trong khi mang bầu, mẹ không bổ sung vitamin đầy đủ hoặc bé bị sinh non, hoặc mẹ không đủ sữa cho bé bú,… bé cần được bổ sung thêm dưỡng chất này.
Khi bé bị thiếu vitamin B
Bé thiếu vitamin B sẽ có dấu hiệu biếng ăn, chậm lớn, chân tay bong tróc vảy,… Những dấu hiệu này ban đầu sẽ chưa có gì đáng ngại, nhưng nếu kéo dài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển của bé. Do vậy, mẹ có thể bổ sung vitamin B cho bé bằng thực phẩm hoặc các sản phẩm chức năng để cơ thể bé được đáp ứng dưỡng chất kịp thời nhất.
Các thực phẩm chứa nhiều vitamin B
Thực phẩm chính là giải pháp an toàn nhất để cung cấp chất dinh dưỡng cho cơ thể. Hầu hết các nhóm vitamin B đều có trong thực phẩm nên nhanh nhất và hiệu quả nhất, bố mẹ hãy thêm những loại thực phẩm có chứa nhiều vitamin B vào trong bữa ăn hằng ngày cho bé.
Các loại hạt ngũ cốc là nhóm thực phẩm hàng đầu có chứa vitamin B. Người ta vẫn thường khuyên nên lựa chọn những loại ngũ cốc nguyên hạt vì lớp vỏ ngoài của hạt ngũ cốc có chứa lượng lớn thiamin (vitamin B1).
Trong các loại thịt nạc động vật như thịt lợn, thịt gà, thịt bò,… có chứa nhiều vitamin B2, B3, B12.
Các loại thực phẩm có nguồn gốc từ động vật như trứng (cụ thể là lòng đỏ trứng), gan động vật, sữa bò, các loại cá, phô mai,…. có chứa nhiều vitamin B1, vitamin B2, vitamin B7, vitamin B9, vitamin B12.
Các loại rau có màu xanh đậm như súp lơ, rau cải bó xôi (rau bina, rau chân vịt), rau ngót, mồng tơi,… chứa nhiều vitamin B6.
Các loại trái cây như chuối (vitamin B5, vitamin B6), bơ (vitamin B1, vitamin B5, vitamin B6), cà chua (vitamin B6),… rất tốt cho sức khỏe của bé yêu.
Nếu bé phát triển bình thường, điều này chứng tỏ cơ thể bé vẫn đang được cung cấp đủ vitamin B. Bố mẹ chỉ cần lưu ý một điều rằng lên một thực đơn ăn uống khoa học và điều độ chính là cách tốt nhất bảo đảm được dinh dưỡng cho bé yêu. Ngoài ra, định kỳ 6 tháng một lần, bố mẹ nên cho bé đi khám dinh dưỡng tại các cơ sở y tế.