Quấn bé sơ sinh là một phương pháp từ lâu đã trở nên quen thuộc và thông dụng với các mẹ bỉm sữa. Nó như một cách giúp bé được tái tạo cảm giác y như còn ở trong bụng mẹ, tạo cảm giác an toàn và xoa dịu cho bé. Với những người làm mẹ lần đầu, sẽ khó tránh khỏi những lóng ngóng. Nhưng lâu dần thành quen, nó chính là chân ái mà mẹ nhất định không nên bỏ qua.
Quấn bé là gì?
Quấn bé là một trong những hoạt động quan trọng trong một trình tự đi ngủ cho một em bé sơ sinh. Nó luôn được các bác sĩ khuyến khích thực hiện đối với mọi giấc ngủ cho bé, bao gồm cả giấc ngủ ngắn ban ngày và giấc ngủ đêm.

Quấn bé được thực hiện bằng cách dùng một chiếc khăn to bản quấn quanh người bé, tạo thành một “chiếc kén” giúp bé yên tâm ngủ ngon hơn.
Có rất nhiều các video clip được truyền tải rộng rãi trên mạng xã hội như Facebook hay youtube,… có hướng dẫn về các cách quấn bé khác nhau. Các mẹ có thể thoải mái tìm kiếm và học hỏi.
Tại sao nên quấn bé?
Tuy quấn bé đã khá thông dụng nhưng nhiều người vẫn chưa chấp nhận điều này. Họ vẫn thường thắc mắc rằng: “Tại sao lại phải quấn chặt bé? Phải để bé học cách làm quen với thế giới bên ngoài chứ sao lại muốn “nhét con trở lại vào bụng mẹ”?”
Bạn hãy thử tưởng tượng mà xem, bất chợt một ngày nào đó bạn đang thấy mình đứng giữa một nơi vô cùng xa lạ. Bạn không hề quen biết bất cứ một ai, không biết cách giao tiếp thế nào để biểu đạt được những thứ mình muốn,… Khi đó, liệu rằng bạn sẽ cảm thấy thế nào?
Những cảm xúc, những hành động của bạn lúc ấy ra sao thì với một em bé sơ sinh sẽ là y chang vậy đó.
Một em bé sơ sinh ngay khi vừa mới chào đời, sự choáng ngợp của bé với một thế giơi hoàn toàn khác sẽ được gấp lên hàng trăm, hàng ngàn lần. Đang từ một “vận động viên” nhào lộn với đủ các kiểu tư thế khác nhau trong bụng mẹ, lại phải chuyển sang một trạng thái hoàn toàn khác – trạng thái nằm ngửa, được cảm nhận trọng lượng của chính mình. Chưa kể đến rằng, bé còn phải học cách tự thở, tự ăn, tự học cách cảm nhận nhiệt độ,…
Tất cả mọi thứ thay đổi đột ngột, bé cũng cần có thời gian để làm quen mọi thứ một cách từ từ và từng điều môt. Quấn bé như một cách đưa bé về một môi trường sống xưa cũ để bé tiếp diễn những điều thân quen, tránh giảm sốc với môi trường, giúp bé dần làm quen, thích nghi với môi trường sống mới. Tùy thuộc vào em thuộc tuýp em bé nào, là em bé thiên thần, hay em bé nhạy cảm mà tốc độ thích nghi của bé là nhanh hay chậm.
Cách quấn bé đúng khoa học
Quấn bé tuy không có gì khó nhưng có cần được thực hiện đúng quy trình để tạo cho bé một môi trường, một không gian sống thoải mái nhất. Các bước thực hiện quấn bé theo trình tự như sau:
Bước 1: Mẹ chuẩn bị một chiếc khăn to bản, có thể là khăn có dạng hình vuông hoặc hình chữ nhật. Miễn là nó có kích thước to.
Bước 2: Mẹ đặt bé nằm ngửa trên chiếc khăn đó.
Lưu ý ở bước này, mẹ có thể đặt cả người bé trên khăn, hoặc chỉ cần từ phần vai bé trở xuống đều được.
Bước 3: Gấp một bên khăn vòng qua một bên vai và bụng bé. Phần thừa mẹ luồn xuống phía dưới mông bé để cố định lại.
Ở bước này, mẹ có thể để tay bé áp lên bụng hoặc duỗi thẳng tay bé, để bé có cảm giác vừa thoải mái vừa an toàn. Khi áp dụng cách quấn cả người cho bé, mẹ chú ý tránh khuôn mặt bé ra nhé!
Bước 4: Làm tương tự bước 3 với bên còn lại và dắt phần khăn thừa vào dưới phần khăn bên kia.
Chỉ với 4 bước thật đơn giản, mẹ đã có thể tái tạo không gian quen thuộc cho bé, giúp bé an tâm mà có những giấc ngủ thật ngon, thật trọn vẹn.
Lợi ích của quấn bé đem lại
Quấn bé không chỉ có những tác động tốt đến bé mà còn đối với cả mẹ. Vậy những lợi ích mà quấn bé đem lại là gì?
Giữ ấm cho bé
Với trẻ sơ sinh, giữ ấm cơ thể cho bé là một điều cần thiết và quan trọng. Quấn bé giúp mẹ đảm bảo được rằng bé sẽ không bị lạnh bất cứ một bộ phận cơ thể nào cả.
Giúp bé ngủ ngon hơn
Những tiếng động khiến bé giật mình hay những phản xạ Moro sẽ khiến bé bị kích động. Quấn bé giúp cho bé giảm thiểu được hiện tượng này. Đặc biệt là khi bé đang chìm vào giấc ngủ. Nó giúp cho bé được ngủ ngon giấc hơn, giảm thiểu số lần thức giấc do bị giật mình, tránh ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ.
Hỗ trợ mẹ trong quá trình bế bé
Lần đầu làm mẹ, bế những em bé tí hon gây ra không ít những rắc rối cho mẹ. Quấn bé không chỉ giúp mẹ bế bé dễ dàng hơn mà còn cả trong quá trình bế cho bé bú cũng diễn ra được suôn sẻ hơn, đúng tư thế hơn.
Dụng cụ quấn bé nên chọn những chất liệu như thế nào?
Để quấn bé phát huy được tối đa tác dụng, việc lựa chọn quấn được làm từ chất liệu nào cũng là điều rất được quan tâm.
Khi mua khăn quấn bé, mẹ nên chọn những loại vải có nguồn gốc từ cotton, đặc biệt là chất liệu cotton thun co giãn 4 chiều để đảm bảo bé không bị gò bó. Khi dùng quấn làm từ chất liệu này, bé vẫn có thể cử động được tay chân bên trong mà không quấn không bị bung ra ngoài.
Mẹ cũng có thể mua khăn quấn bán sẵn, hoặc cũng có thể mua vải về, tự cắt, tự may thành quấn cho bé.

Làm thế nào khi con không chịu quấn?
Khi được mẹ quấn, nhiều bé thường không cảm thấy thoải mái. Bé tỏ ra khóc lóc, vùng vẫy, khó chịu vì bị bó buộc? Các nguyên nhân gây ra điều này có thể là do mẹ quấn bé quá chặt, chất liệu quấn không thực sự khiến bé thoải mái cử động, bé bị nóng,…
Lúc này mẹ cần quan tâm xem bé khó chịu là do đâu để có những sự thay đổi, điều chỉnh kịp thời.
Nếu như bé quá nóng, mẹ cần thay đổi nhiệt độ phòng.
Nếu mẹ quấn bé quá chặt, mẹ hãy thay đổi cách quấn.
…
Và nếu bé quá nhạy cảm với việc quấn, mẹ hãy từ từ giúp bé thích nghi dần. Sẽ không mất quá nhiều thời gian để giúp bé làm quen đâu.
Quấn bé cần chú ý điều gì?
Ủ bé quá nóng
Phụ thuộc vào điều kiện thời tiết cũng như không gian sống của bé mà lựa chọn những chiếc khăn quấn sao cho phù hợp. Quấn bé là dùng thêm một lớp vải trên người cho bé. Điều này rất dễ khiến bé bị nóng. Đây chính là lý do vì sao, mẹ nên căn cứ vào điều kiện thời tiết và không gian sống của bé để chọn quấn phù hợp.
Các vấn đề về xương hông
Một điều mẹ cần đặc biệt chú ý khi dùng quấn cho bé là chỉ quấn chặt vùng vai, ngực đến tay. Phần bụng, hông và chân để bé được thoải mái cử động. Điều này lý giải lý do tại sao nên chọn quấn có độ co giãn tốt.
Khi nào nên bỏ quấn?
Khi bé được 4 tháng tuổi, phản xạ Moro biến mất và đây cũng là thời điểm bé biết lật, lẫy thành công. Đây là thời điểm mẹ có thể bỏ quấn cho bé để bé phát triển các kỹ năng mới của mình. Ngoài ra, bé lúc này cũng đã có một cách khác để tự trấn an mình. Đó là mút tay. Nghe chừng khó hiểu nhưng nó lại là sự thật. Và nó như trở thành “món ngon không thể thiếu” với mọi bé đó các mẹ.
Phương pháp quấn bé thật sự rất hữu ích trong quá trình chăm sóc cho một em bé sơ sinh. Nó là một cơ hội, một điều kiện cần có để giúp bé phát triển. Bạn có tin vào điều đó không? Còn tôi, tôi hoàn toàn tin vào điều đó!