Nuôi con bằng sữa mẹ – cho bé sơ sinh bú đúng cách

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Dạo một vòng qua các trang mạng, thật không khó để tìm thấy những câu hỏi liên quan đến việc cho bé sơ sinh bú như thế nào cho đúng cách. Là lần đầu tiên làm cha, làm mẹ, bạn sẽ có những bỡ ngỡ không quen. Nhưng làm mẹ là bản năng nên việc đi tìm lời giải cho câu hỏi này là điều tất yếu. Do vậy, nếu bạn chưa biết cách cho bé bú như thế nào, đừng bỏ qua bài viết này nhé.

Những lợi ích tuyệt vời khi mẹ nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ

Các chuyên gia của tổ chức y tế thế giới (WHO) vẫn luôn khuyến cáo rằng nên cho trẻ bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu. Tại sao lại như vậy?

Lý do vô cùng đơn giản là trong sữa mẹ đã có đầy đủ lượng nước, lượng dinh dưỡng cần thiết cho bé. Hơn nữa, sữa mẹ có còn có tác dụng làm tăng sức đề kháng, tăng cường hệ miễn dịch cho bé, giúp gắn kết tình cảm mẫu tử hơn. Việc nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ mang lại cho bé mà mẹ cũng được hưởng lợi rất lớn. Nó sẽ giúp cả hai có một khởi đầu vững chắc cho một tương lai khỏe mạnh.

Các cách nhận biết bé đang đói và cần được bú

Cách tốt nhất để cho bé sơ sinh bú đúng cách là cho bé bú khi bé đang đói. Có rất nhiều cách thức để bé truyền đi thông điệp mà mình mong muốn. Trẻ sơ sinh mặc dù chưa biết nói nhưng ở các em có một thứ hành động có thể giúp biểu đạt được nhu cầu của mình. Đó chính là khóc. 

Bé khóc có thể do bé đang đói, bé đang chán, hay bé đang cảm thấy không thoải mái,… Mỗi loại tiếng khóc của bé sẽ có những âm vực khác nhau nhằm thông báo ý muốn của mình. Do vậy, bố mẹ cần hiểu được, đọc vị được tiếng khóc của bé để đáp ứng nhu cầu của bé.

Ngoài việc khóc để đòi ăn, bé cũng có các biểu hiện khác cho biết bé đang đói, bé cần được bú ngay là bé liếm môi, miệng đóng mở thường xuyên, mút tay, quay đầu tìm kiếm ti mẹ,…

Việc cho bé ăn một cách ngẫu nhiên, tùy hứng, không có giờ giấc sẽ làm cho bé ăn không đủ no, hay ăn vặt. Do vậy, mẹ cần lên cho bé một thời gian biểu phù hợp để cho bé ăn và hơn hết, mẹ cần phải hiểu được chính xác tín hiệu của bé để đáp ứng nhu cầu của bé kịp thời, tránh làm bé bị quá kích thích, cáu giận.

Khi nhu cầu của bé được đáp ứng, bất kỳ một em bé nào đang trong trạng thái cáu giận cũng sẽ trở thành một em bé thiên thần ngay mà thôi.

Bé sơ sinh bú trong bao lâu là đủ và ăn mấy cữ một ngày?

Trung bình mỗi cữ bú của một em bé sơ sinh rơi vào khoảng từ 15 – 30 phút trên một lần bú. Đó chỉ là theo cách tính trung bình. Trên thực tế, phụ thuộc vào tốc độ bú của bé mà thời gian bú của từng bé sẽ là khác nhau. 

Ban ngày, mỗi bé sẽ bú khoảng 4 – 6 cữ sữa và mỗi lần cách nhau 3 giờ đồng hồ. Ban đêm mẹ hãy dạy cho bé cách ăn no để thời gian bé dành cho việc ngủ lâu hơn. Đối với các bé sơ sinh, nếu bé có thể ngủ xuyên đêm đây là điều khá tốt. Các mẹ đừng lo bé bị đói mà đánh thức bé dậy bắt buộc bé ăn. Tuy nhiên, nếu bé thức dậy vào giữa đêm khi có dấu hiệu đói, mẹ hãy cho bé ăn thêm một cữ sữa đêm nữa. Một lưu ý khác là mẹ nên dành việc ăn đêm của bé trong bóng tối để bé không bị quá kích thích với ánh sáng, gây ảnh hưởng đến việc phân biệt giữa ngày và đêm của bé.

Khám phá các tư thế cho bé sơ sinh bú đúng cách

Với các bé sơ sinh bú sữa mẹ trực tiếp

Mỗi mẹ sẽ có những cách bế cho bé bú khác nhau tùy thuộc vào độ quen tay và sự tiện lợi và sở thích của cả mẹ và bé. Tuy nhiên, dù là cho bé bú theo cách nào đi chăng nữa thì vẫn phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

Tư thế của bé nằm phải tạo thành 3 điểm thẳng hàng bao gồm: đầu – lưng và mông. Bé nằm nghiêng theo hướng quay vào mẹ, bụng chạm bụng và mặt chạm ngực.

Tư thế ngồi

Mẹ cho bé bú bên tay nào thì đặt bé nằm quay đầu về phía tay đó. Sau đó, đặt bé nằm sao cho đầu bé tựa vào chỗ uốn cong của khuỷu tay của mẹ và phần cánh tay cùng bàn tay sẽ đỡ phần lưng và mông của bé. Mẹ cần giữ ti của mẹ bằng tay đối diện và nhẹ nhàng hướng phần đầu ti vào miệng bé.

Tư thế nằm nghiêng

Tư thế nằm nghiêng là một tư thế rất phù hợp cho cả mẹ và bé trong việc bú vào ban đêm. Khi cho bé bú ở tư thế này, mẹ nên kệ cho bé một chiếc gối vào đầu của bé để tránh tình trạng bé nằm ăn mà phần đầu bé quá bị dốc. Cả thân người bé nằm đối diện với mẹ, đầu bé nằm thẳng hàng với núm ti. Mẹ có thể kê cho bé một chiếc gối vào phần lưng để giúp mẹ có thể dễ dàng ôm bé vào lòng.

Tư thế nằm sấp

Đây là tư thế mà hầu hết các bé sơ sinh ngay khi vừa được sinh ra được áp dụng ngay lên lần bú đầu tiên của mình. Ở tư thế này, mẹ có thể nằm ngả lưng thoải mái trên ghế dài hoặc trên giường với gối hỗ trợ ở phần lưng trên, cổ và đầu. Lúc này, bé sẽ bú mẹ ở tư thế nằm sấp, má bé áp vào ngực mẹ theo bất kỳ hướng nào bé thoải mái. Tay mẹ nên kê sau đầu bé để tránh đầu bé bị quá bị ngửa ra đằng sau.

Với các bé bú sữa mẹ bằng bình

Khi bú bình, mẹ có thể dễ dàng kiểm soát được lượng sữa bé bú mỗi lần. Tuy nhiên, áp dụng hình thức bú thế nào đi chăng nữa cũng sẽ có cả mặt lợi và mặt hại đi kèm. Với bé bú bình, mẹ sẽ hơi vất vả trong khâu hút sữa.

Khi đã có đủ lượng sữa cần cho bữa ăn của bé, mẹ có thể áp dụng hai cách bú bình cho bé như sau:

Bế bé 

Mẹ bế cho bé nằm ngửa trên tay mẹ, phần đầu cao hơn lưng một chút. Tay còn lại của mẹ cầm bình để hỗ trợ cho bé ăn.

Bé nằm ăn

Áp dụng hình thức ăn bằng bình với tư thế nằm bé sẽ được đặt nằm gối đầu trên một cái gối, và mẹ cũng sẽ hỗ trợ bé cầm bình để ăn.

Cho dù bé bú mẹ trực tiếp hay bú mẹ bằng bình cũng sẽ không tránh khỏi được việc bé sẽ nuốt phải những bọt khí trong quá trình ăn. Do vậy, sau mỗi bữa ăn, mẹ hãy bế bé lên nhẹ nhàng và giúp bé ợ hơi bằng cách vỗ nhẹ vào phần lưng để bé tống hết được lượng khí nuốt phải ra ngoài. Làm như vậy sẽ hạn chế bé bị nôn trớ, gây mệt mỏi cho cả mẹ và bé. 

Một vài tips nhỏ giúp mẹ nhận biết bé đã bú no hay chưa

Khi bé bú đã đủ no, bé sẽ có hàng loạt những cử chỉ như nhè ti mẹ, mím môi quay đầu ra hướng khác, bé sẽ bú chậm lại và ngừng hẳn. Dấu hiệu giữa đói và no không quá khác biệt nhưng nó cũng không hề giống nhau. Mẹ nên cố gắng quan sát và tìm ra những dấu hiệu của bé xem bé đang muốn gì nhé. Việc hiểu được những hành động nhỏ của bé không chỉ khiến bé vui vẻ vì được đáp ứng mà còn làm mẹ trở nên tự tin, hạnh phúc vào bản năng làm mẹ của mình nữa.

Một dấu hiệu khác cũng giúp mẹ dễ nhận biết được xem bé đã bú đủ no hay chưa? Đó là dựa vào tâm trạng của bé. Nếu bé đói, bé sẽ cáu kỉnh, giận dữ, khóc lóc. Bé được đáp ứng cho nhu cầu ăn nhưng chưa đủ no bé sẽ luôn có những biểu hiện đòi ăn thêm. Còn nếu bé đã hoàn toàn ăn no, bé sẽ vui tươi trở lại ngay.

Mẹ hãy nhớ rằng: điều trẻ thực sự cần luôn là tình yêu thương và sự quan tâm của mẹ. Vì vậy, hãy quan tâm đến bé nhiều nhất có thể các mẹ nhé!

Có thể bạn quan tâm!

trẻ khóc nhiều về đêm