Một trong những nhu cầu thiết yếu nhất đối với cuộc sống của con người chính là giấc ngủ. Với người trưởng thành, nó có thể đơn thuần là sự nghỉ ngơi để tiếp sức cho một ngày dài hoạt động. Nhưng đối với trẻ nhỏ, nó không chỉ là sự nghỉ ngơi. Nó còn là sự phát triển, là tiền đề cho một sức khỏe thể chất, một sức khỏe tinh thần theo đúng nghĩa. Bấy lâu nay, chúng ta đã sai lầm trong cách tạo dựng giấc ngủ cho bé mà chẳng ai hay. Những câu à ơi, ví dặm, những cánh võng đung đưa theo những trưa hè,… thường lớn lên theo cùng bé. Nhưng nó sẽ tạo thành một thói quen, một sự lệ thuộc. Khi lớn lên một chút, bé sẽ chẳng thể tự vào giấc mà không có những lời ru, tiếng hát đó. Vậy tại sao chúng ta không luyện cho bé được tự ngủ khi nó mang lại những lợi ích bất ngờ?
Khái niệm chung về luyện tự ngủ
Hướng dẫn bé tự ngủ, hay luyện tự ngủ là một cách tiếp cận, một cách mà bố mẹ sẽ giúp bé tự học cách đưa mình vào giấc ngủ. Sự trợ giúp ấy có thể có hoặc không có việc sử dụng cùng các công cụ hỗ trợ như ti giả, quấn, hoặc tiếng ồn trắng,…

Một số bé có thể tự đưa mình vào giấc ngủ nhưng một số khác lại ngược lại. Một số gia đình lựa chọn cách luyện tự ngủ cho bé, và một số gia đình lại không ủng hộ điều này.
Nếu như bố mẹ cảm thấy vẫn ổn khi phải ẵm, ru bé trên tay à ơi mỗi khi đến giờ ngủ, hãy cứ làm việc đó. Còn nếu muốn bé được tự lập, hãy luyện tự ngủ cho bé ngay từ ngày hôm nay. Và nếu có thể, càng sớm – càng tốt!
2 phương pháp hướng dẫn giúp bé luyện tự ngủ
Luyện tự ngủ là một kiểu nuôi con khoa học, nên để thực hiện được điều này, nó cũng phải cần đến những phương pháp luyện tự ngủ khoa học. Có 2 phương pháp mẹ có thể tham khảo:
Trình tự trấn an trẻ
Ở trình tự giúp trấn an trẻ, bố mẹ có thể sử dụng trình tự 4S của Tracy Hogg hoặc trình tự 5S của Harvey Karp. Hai trình tự này được thực hiện theo các bước. Trình tự 4S theo 4 bước, trình tự 5S theo 5 bước.
Cả hai trình tự này đều có thể áp dụng cho những bé ngay từ những ngày đầu mới sinh hoặc ngay sau khi tuần trăng mật kết thúc. Nó cũng có thể áp dụng cho cả những giấc ngủ ngày và cả giấc ngủ đêm.
Đối với trình tự 4S trải qua 4 bước gồm: thực hiện thủ tục – quấn chặt – ngồi yên – vỗ lưng. Trình tự này có hiệu quả nhất cho bé ở giai đoạn sơ sinh đến 4 tháng tuổi.
Đối với trình tự 5S trải qua 5 bước: quấn chặt – nằm nghiêng/ nằm sấp – Vỗ lưng – đung đưa – sử dụng ti giả. Trình tự này lại có hiệu quả nhất cho bé ở giai đoạn sơ sinh – 3 tháng tuổi.
Phương pháp không nước mắt
Dù mang tên “không nước mắt” nhưng nếu có thể, vẫn sẽ có những giọt nước mắt của sự khổ luyện, nếu không muốn nói là nhiều hoặc rất nhiều nước mắt. Để phương pháp này được thành công, bố mẹ cần có một kế hoạch cụ thể. Kế hoạch đó bao gồm trình tự sinh hoạt cố định của bé trong ngày, quan sát và hiểu được tín hiệu từ bé đang muốn biểu đạt điều gì, và cuối cùng là chuẩn bị, thực hiện một trình tự đi ngủ nhất định.
Mẹ có thể cho bé yêu của mình luyện tập phương pháp này khi bé vừa sinh hoặc khi bé được 1 tuần tuổi.

Quá trình thực hiện luyện tự ngủ không nước mắt là một quá trình dài và có thể có rất nhiều khó khăn. Một trình tự thực hiện bao gồm:
- Quấn chặt: Làm điều này sẽ giúp cường độ của phản xạ Moro giảm bớt, bé đỡ giật mình hơn.
- Cho bé nằm nghiêng bằng cách chèn một chiếc chăn đằng sau lưng. Khi đảm bảo bé đã ngủ say, cho bé dần nằm ngửa ra.
- Làm động tác xì bằng miệng tạo ra âm thanh như “shu shu” hoặc có thể sử dụng tiếng ồn trắng.
- Đung đưa bé trên tay trong tư thế bé nằm nghiêng hoặc nằm úp một lúc để bé dễ ngủ hơn.
- Cho bé sử dụng ti giả như một cách giúp bé được trấn an tâm lý.
Lợi ích từ việc luyện tự ngủ cho bé
Đối với bé

Bé sẽ có một thói quen, một giờ giấc đi ngủ đều đặn, đủ và sâu. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, việc được ngủ đủ thậm chí còn có ý nghĩa quan trọng hơn cả các trò chơi vận động, được tắm nắng hay được bổ sung thêm vitamin nữa đấy.
Khi ngủ một giấc ngủ dài, cơ thể bé sẽ được thư giãn, các cơ quan được phục hồi. Bé sẽ trở nên bình tĩnh và khỏe mạnh hơn khi tiếp nhận những điều mới lạ của cuộc sống.
Một giấc ngủ sâu, chất lượng không đồng nghĩa với việc cơ thể bé được nghỉ ngơi. Trong sâu thẳm các tế bào, nó lại càng sinh trưởng và phát triển một cách mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lúc này, nó sẽ tiêu tốn một khoảng năng lượng vô cùng lớn. Nên khi tỉnh dậy, bé sẽ cảm thấy đói hơn và ăn một bữa ăn ngon hơn, tập trung hơn và chủ động hơn.
Bé tự ngủ thành công – bé được chủ động trong sinh hoạt cá nhân của mình. Đây là điều kiện tốt để hình thành một tính cách tốt trong quá trình lớn lên của bé.
Đối với bố mẹ
Luyện tự ngủ cho bé thành công, bố mẹ trở nên nhàn nhã hơn. KHông còn phải bế con trên tay à ơi cả tiếng đồng hồ. Cũng chẳng phải mất công dỗ dành mỗi khi con bị gắt ngủ,…
Bố mẹ cũng sẽ có nhiều thời gian hơn trong việc vun vén tổ ấm gia đình, có thời gian chăm sóc bản thân – điều mà không nhiều mẹ có thể làm được.
Luyện tự ngủ không thành công – lý do do đâu?
Luyện tự ngủ là một quá trình khá khó khăn và có thể, nó thách thức cả tính kiên nhẫn của con người. Nếu bố mẹ chọn áp dụng cách luyện tự ngủ cho con, bố mẹ cần phải thật kiên trì.

Chắc chắn những giọt nước mắt sẽ rơi. Nhưng kiên trì chính là chìa khóa thành công để làm mọi việc.
Mỗi phương pháp rèn tự ngủ sẽ có những độ tuổi riêng biệt để áp dụng. Lựa chọn thời điểm sai cũng khiến nó thất bại.
Tâm lý cha mẹ viển vông, kỳ vọng quá cao vào những thành tựu sẽ đạt được cũng khiến việc luyện bé tự ngủ không thành công. Tâm lý “một phát ăn ngay” tuy có thể nhưng sẽ không dài lâu nếu như không được tôi luyện qua quá trình.
Những lưu ý bắt buộc phải nhớ khi luyện tự ngủ cho bé
Là một phương pháp khoa học, nên nó cũng bị nhiều người chê bai và không đồng tình. Nếu như bố mẹ đã quyết định áp dụng cho bé, tuyệt đối đừng để bất cứ một ai tác động. Tâm lý con người rất dễ lung lay, nhất là những thời điểm bé yêu đang khóc lớn. Vậy nên, bố mẹ cần thật sẵn sàng, áp dụng triệt để, không làm nửa vời.
Mỗi khi buồn ngủ, bé sẽ có những dấu hiệu giúp bố mẹ nhận ra điều này. Hiểu được những dấu hiệu đó – bố mẹ phải quan sát và quan sát phải thật kỹ.
Chuẩn bị một môi trường ngủ cũng là một cách giúp bé dễ dàng tự đi vào giấc ngủ hơn. Hiểu được sở thích của bé, bé thích một nơi yên tĩnh, hay một nơi có những tiếng động (do tiếng ồn trắng) để lựa chọn phù hợp. Một không gian ngủ có “độ mát” vừa phải cũng sẽ khiến bé nhanh vào giấc, ngủ sâu giấc và kéo dài hơn.
Luyện tự ngủ – sẽ có nước mắt – nhưng kết quả lại rất ngọt ngào. Hãy để con được tự trưởng thành bằng chính năng lực của mình, bố mẹ nhé!