Mẹ nhớ ngay những điều này khi cho bé đi tiêm phòng

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Những căn bệnh truyền nhiễm luôn là nỗi sợ không chỉ của riêng một cá nhân nào, mà nó còn là nỗi sợ của cả một cộng đồng. Để tạo nên một hệ miễn dịch cộng đồng, ngay từ khi còn là những trẻ sơ sinh, bé cần được cho đi tiêm phòng đúng mũi, đúng liều và đúng thời gian. Vậy, khi cho bé đi tiêm phòng, mẹ cần nhớ những điều gì?

Tại sao nên cho bé được tiêm phòng đầy đủ?

Cuộc sống càng hiện đại, tình trạng biến đổi khí hậu trên toàn thế giới càng trở nên nặng nề, môi trường sống cũng vì thế mà trở nên phức tạp hơn, bệnh dịch cũng trở nên nguy hiểm và có sức lây lan khủng khiếp hơn.

Mọi người nên được đi tiêm phòng ngay từ khi vừa được sinh ra để nâng cao sức khỏe, tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh nguy hiểm. Không chỉ những người trưởng thành, mà những cơ thể sống có thể trạng sức khỏe đặc biệt, ví dụ như trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ rất cần thiết phải được đi tiêm phòng. Vậy tại sao trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ lại là đối tượng hàng đầu cần được đi tiêm phòng?

trẻ được tiêm phòng
trẻ được tiêm phòng

Trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, sức đề kháng của các bé vẫn còn đang ở giai đoạn đầu – giai đoạn thích ứng nên nó rất yếu ớt. Các chủng virus, vi khuẩn gây bệnh lại có mức độ nguy hiểm cao nên nó dễ dàng xâm nhập và tấn công vào những cơ thể có sức đề kháng yếu. Một khi cơ thể bé bị các khuẩn có hại tấn công, sức khỏe bé bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thậm chí còn tử vong nếu tình trạng bé chuyển biến quá nhanh và quá nặng, khiến các y bác sĩ không kịp trở tay.

Vắc xin được tạo ra vừa có tác dụng phòng ngừa, ngăn chặn và tiêu diệt các virus và vi khuẩn gây hại. Nên việc tiêm phòng vắc xin cho trẻ nhỏ ngay từ ban đầu sẽ giúp bé được bảo vệ, có đủ sức khỏe để phát triển sau này.

Lịch tiêm phòng cho trẻ nhỏ

Các mũi tiêm phòng cho trẻ nhỏ kéo dài đến khi bé được 5 tuổi, nên ở trong bài viết này, chúng ta chỉ dừng lại tìm hiểu về lịch tiêm phòng cho trẻ nhỏ dưới 12 tháng tuổi mà thôi.

Trên thế giới hiện đã phát hiện ra rất nhiều các bệnh do virus truyền nhiễm gây ra. Mỗi một chủng virus gây bệnh khác nhau sẽ có một loại vắc xin đặc trị khác nhau nên mẹ cần có sự tìm hiểu trước và nhờ đến sự tư vấn của các bác sĩ.

Có hai chương trình tiêm chủng vắc xin dành cho mọi độ tuổi:

  • Tiêm chủng mở rộng
  • Tiêm chủng dịch vụ

Chương trình tiêm chủng mở rộng thường áp dụng với hai đối tượng chính là trẻ nhỏ và mẹ bầu. Tiêm phòng theo chương trình mở rộng, các mũi tiêm đều sẽ được miễn phí. Tuy nhiên, chủng loại vắc xin sẽ bị hạn chế. Còn đối với tiêm chủng theo hình thức dịch vụ, chúng ta sẽ phải trả phí cho mỗi mũi tiêm. Thay vào đó, chúng ta sẽ có nhiều lựa chọn hơn.

trẻ được tiêm phòng
trẻ được tiêm phòng

Vậy trước 1 tuổi, các bé cần tiêm bao nhiêu mũi vắc xin phòng bệnh?

Ngay sau khi sinh

Trong vòng 24 giờ đầu sau sinh, bé phải được tiêm 1 liều vắc xin phòng bệnh viêm gan B dành cho trẻ sơ sinh. 

Mũi tiêm này thuộc chương trình tiêm chủng mở rộng.

1 tháng tuổi

Tiêm 1 mũi vắc xin BCG phòng ngừa bệnh lao khi bé được tròn 1 tháng tuổi.

Vắc xin này cũng nằm trong chương trong chương trình tiêm chủng mở rộng.

2 – 3 – 4 tháng tuổi

Khi bé được 2 – 3 – 4 tháng tuổi, bé cần được tiêm các mũi tiêm phòng các bệnh sau:

  • Vắc xin 5in1 hoặc 6in1 phòng 5 hoặc 6 bệnh kết hợp tương ứng. Các bệnh được tích hợp trong 2 loại vắc xin trên bao gồm: bệnh bạch hầu, bệnh ho gà, bệnh uốn ván, bệnh viêm gan B, viêm màng não (gây ra bởi virus Hib) và bệnh bại liệt.

Khi mẹ lựa chọn tiêm vắc xin 5in1, bé sẽ được uống thêm 1 liều vắc xin phòng bệnh bại liệt nữa. Một điều nhắc nhở mẹ là khi tiêm vắc xin 5in1, bé có thể sẽ bị sưng to ngay tại vết tiêm gây đau đớn, sốt cao, quấy khóc và bỏ ăn. Những biểu hiện này là bình thường nên mẹ không cần quá lo lắng. Qua 1 – 2 ngày, bé sẽ khỏe trở lại.

Còn với vắc xin 6in1, nó đã tích hợp đủ 6 bệnh kể trên. Ưu điểm của mũi tiêm này là bé sẽ không bị sưng đau tại vết tiêm và không quấy khóc, bé có thể cũng chỉ bị sốt nhẹ một chút mà thôi.

  • Vắc xin phế cầu phòng các bệnh viêm não, viêm màng não, viêm phổi, … Vắc  xin này, bé cần tiêm 4 mũi (khi bé được 2 – 3 – 4 – 6 tháng tuổi) và phải trả phí cho các mũi.
  • Vắc xin Rota ngừa tiêu chảy, bé sẽ được uống 2 hoặc 3 liều tùy thuộc vào việc lựa chọn loại vắc xin nào.

Lưu ý: Vắc xin 5in1 và vắc xin bại liệt được tiêm miễn phí trong chương trình tiêm chủng mở rộng. 

Vắc xin 6in1, phế cầu và rota mẹ muốn tiêm cho bé, cần phải trả phí.

9 tháng tuổi

  • Vắc xin Sởi đơn mũi 1 phòng bệnh Sởi cho trẻ nhỏ. Bệnh Sởi có khả năng lây bệnh nhanh, ủ bệnh lâu và gây biến chứng nặng.

Tiêm vắc xin Sởi đơn, bé cũng được tiêm miễn phí.

  • Vắc xin Cúm phòng bệnh cúm cho trẻ nhỏ. 6 tháng tuổi, bé cần được tiêm cúm mũi 1. Nhưng nếu trong trường hợp trước 9 tháng, bé chưa được tiêm mũi cúm nào, bé cần được tiêm 2 mũi, mỗi mũi cách nhau tối thiểu 1 tháng và hằng năm cần được tiêm nhắc lại 1 lần.

12 tháng tuổi

  • Khi bé được tròn 12 tháng tuổi, bé được tiêm vắc xin phòng bệnh viêm não Nhật Bản mũi 1. 

Mũi tiêm này được tiêm miễn phí.

Cho bé đi tiêm, mẹ nên nhớ những gì?

Trước khi đi tiêm, mẹ nên vệ sinh cơ thể cho bé sạch sẽ, mặc quần áo thuận tiện cho việc kiểm tra của bác sĩ và mang theo sổ theo dõi tiêm phòng của bé. Nếu bé bị ốm sốt, hoặc cơ thể không đáp ứng được đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, bé không nên được mẹ bế đi tiêm phòng.

Trong khi tiếp nhận kiểm tra, tư vấn của bác sĩ, mẹ cần thông báo về tình trạng sức khỏe của bé trong những ngày gần đây nhất.

kim tiêm
kim tiêm

Trong quá trình tiêm vắc xin, cần tuân thủ đúng tư thế ngồi được hướng dẫn để tránh gây nguy hiểm.

Chăm sóc trẻ nhỏ sau khi tiêm phòng

Ngay sau khi tiêm, mẹ không nên cho bé về nhà ngay mà nên ở lại theo dõi ngay tại cơ sở tiêm ít nhất là 30 phút.

Khi trở về nhà, luôn luôn theo dõi các biểu hiện cơ thể của bé. 

Một số mũi tiêm phòng có thể khiến bé bị sốt, việc chăm sóc cho bé khi bị sốt sau tiêm phòng cũng rất đáng được lưu tâm.

  • Nếu bé chỉ bị sốt nhẹ, dưới 38.5 độ C, không cần dùng thuốc hạ sốt, chỉ cần chườm ấm.
  • Nếu bé sốt cao, trên 38.5 độ, bắt buộc phải sử dụng thuốc hạ sốt. Thuốc hạ sốt cần dùng đúng theo đúng chỉ định chủng loại và liều lượng của bác sĩ.

Ngoài các mũi gây sốt thông thường, nếu bé có biểu hiện quấy khóc, bỏ bú, tím tái, … đó là các biểu hiện phản ứng thuốc nghiêm trọng. Hãy đưa bé đến gặp bác sĩ ngay lập tức để bác sĩ phán đoán tình hình hiện tại.

Ngoài ra, cũng còn một số lưu ý khác trong khâu chăm sóc bé sau tiêm phòng như:

  • Tuyệt đối không đắp bất kỳ thứ gì theo kinh nghiệm dân gian lên miệng vết tiêm cho bé. Không bịt kín miệng vết thương và mặc quần áo thông thoáng cho bé.
  • Sẽ có những phản ứng tuy nặng, nhưng sẽ qua khỏi nếu như được phát hiện kịp thời và được xử trí đúng, kịp thời từ bác sĩ.

Tiêm phòng là một việc cần thiết và thật sự đạt hiệu quả cao khi bố mẹ tuân thủ các biện pháp tiêm phòng cho trẻ. Nếu trẻ nào, người nào cũng được tiêm phòng vắc xin, nguy cơ các bệnh truyền nhiễm lây lan ngoài cộng đồng sẽ được giảm thiểu tối đa, bảo đảm an toàn cho toàn xã hội.