Lịch sinh hoạt cho bé 2 tháng tuổi đúng chuẩn khoa học

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Việc hình thành một lịch sinh hoạt cho bé 2 tháng tuổi là một điều vô cùng cần thiết. Bởi khi có một lịch trình cụ thể sẽ giúp cho cuộc sống của cả mẹ và bé trở nên dễ dàng hơn. Khi bé đưa ra một tín hiệu nào, mẹ hoàn toàn có thể hiểu được tiếp theo con muốn làm gì. Một lịch sinh hoạt khoa học sẽ giúp bé có một thói quen tốt và hơn hết là bé được phát triển khỏe mạnh. Vậy chẳng có lý do gì các mẹ không áp dụng phải không nào?

Như thế nào là một lịch sinh hoạt chuẩn khoa học?

E.A.S.Y (viết tắt là E) là một trình tự, một chuỗi sinh hoạt bao gồm các hoạt động ăn (Eat), vận động (Activity), ngủ (Sleep) và thời gian riêng tư dành cho mẹ (Your time) mà mẹ có thể tham khảo. Bằng cách áp dụng trình tự này sẽ giúp bé tạo được nếp sinh hoạt rõ ràng. 

E.A.S.Y có nhiều loại như E3, E4, E5-6 nhưng tùy thuộc vào số tháng tuổi của bé mà lựa chọn cho phù hợp.

Trình tự sinh hoạt phù hợp cho bé 2 tháng tuổi

Theo các nghiên cứu đã chỉ ra, khi bé sinh ra và có cân nặng khi sinh đạt ngưỡng trung bình (trên 2.9kg), bé sẽ có xu hướng đói sau 3 giờ và bé sẽ ăn khoảng 6 – 8 bữa bú mỗi ngày. Đây chính là thời gian lý tưởng cho bé thực hiện E.A.S.Y 3. Vậy E.A.S.Y 3 (E3) có nghĩa là gì?

E3 có nghĩa là một trình tự sinh hoạt cho bé trong đó các lần ăn của bé sẽ cách nhau 3 giờ đồng hồ. Hết 3 giờ đồng hồ, trình tự sinh hoạt của bé sẽ được lặp lại một lần nữa, và cứ thế cho đến khi kết thúc thời gian ban ngày. Theo cách tính này thì một ngày bé sẽ ngủ đủ 4 giấc bao gồm 3 giấc dài từ 1.5 – 2 tiếng và 1 giấc ngắn từ 30 – 40 phút. Tuy nhiên, thời gian 12 tiếng ban đêm mẹ lưu ý tuyệt đối không áp dụng lại điều này.

Trình tự sinh hoạt E3 sẽ phù hợp cho các bé có độ tuổi từ sơ sinh đến 12 tuần tuổi. Vì vậy, em bé 2 tháng tuổi của bạn hoàn toàn có thể áp dụng E3. Vậy một E3 được áp dụng trong ngày như thế nào? Mình sẽ lấy một ví dụ cụ thể để các mẹ có thể hiểu một cách đơn giản nhất nhé.

Nếu bé nhà bạn thường thức dậy vào 7 giờ sáng. Vậy E3 sẽ được áp dụng trong ngày như thế nào?

Cữ đầu tiên

E: 7.00 – 7.45: Ngủ dậy và ĂN

A: 7.45 – 8.00: Vệ sinh và CHƠI

S: 8.00 – 10.00: NGỦ giấc ngày đầu tiên

Y: 8.00 – 10.00: Thời gian của mẹ

Cữ thứ hai

E: 10.00 – 10.45: Ngủ dậy và ĂN

A: 10.45 – 11.00: Vệ sinh và CHƠI

S: 11.00 – 13.00: NGỦ giấc ngày thứ hai

Y: 11.00 – 13.00: Thời gian của mẹ

Cữ thứ ba

E: 13.00 – 13.45: Ngủ dậy và ĂN

A: 13.45 – 14.00: Vệ sinh và CHƠI

S: 14.00 – 16.00: Ngủ giấc ngày thứ ba

Y: 14.00 – 16.00: Thời gian của mẹ

Cữ thứ tư

E: 16.00 – 16.45: Ngủ dậy và ĂN

A: 16.45 – 17.00: Vệ sinh và CHƠI

S: 17.00 – 17.45: NGỦ giấc ngắn cuối ngày

Y: 17.00 – 17.45: Thời gian của mẹ

Sau cữ thứ tư này, bé sẽ đi tắm và bắt đầu thực hiện một trình tự ngủ đêm. Trình tự ngủ đêm này sẽ kéo dài 12 tiếng cho đến 7 giờ sáng ngày hôm sau. Lưu ý trong khi ngủ đêm bé có thể dậy ăn 2 – 3 lần và mẹ nên cho bé ăn trong bóng tối để bé có thể phân biệt được ngày và đêm.

Luyện cho bé có thể tự ngủ

Luyện tự ngủ cho bé cũng là một việc cần thiết khi áp dụng EASY. Để bé có thể tự ngủ hãy luyện tập và rèn cho bé càng sớm càng tốt vì việc tự ngủ hoàn toàn đến ngẫu nhiên và chưa ổn định. 

Với các bé 2 tháng tuổi đây có lẽ là thời điểm vàng để mẹ có thể giới thiệu việc tự ngủ cho bé. Để bé học được cách tự ngủ trước đó mẹ không nên bế ẵm hay ru con mỗi khi đến giờ đi ngủ. Bởi khi làm vậy, bé sẽ bị phụ thuộc rất nhiều. Lâu dần thành quen, bé sẽ khó tự chìm vào giấc ngủ khi không được bế, hay ru.

Để giúp bé ngủ trong giai đoạn này, mẹ hãy tạo cho bé một trình tự đi ngủ để bé nhận thức và làm quen. Một trình tự đi ngủ thường bao gồm loạt hành động như: quan sát tín hiệu bé buồn ngủ, đưa bé vào giường, tắt đèn, tạo môi trường ngủ yên tĩnh, ôm bé chặt theo tư thế bế vác trong vòng từ 5 – 10 phút và đặt bé xuống giường.

Nếu bé ọ oẹ khóc, mẹ hãy triệt để áp dụng nút chờ tối thiểu 3 phút và tối đa 5 phút để dạy bé cách tự trấn an và đưa mình vào giấc ngủ lại. Nút chờ sẽ tăng lên khi bé ở độ tuổi lớn hơn, các mẹ lưu ý nhé.

Hai điều mẹ bắt buộc phải lưu ý khi áp dụng E.A.S.Y cho con

Có kiến thức và nhất quán quan điểm

Trình tự sinh hoạt là một phát minh hiện đại, do vậy những thế hệ đi trước hay những ông bố bà mẹ nuôi con theo các kinh nghiệm truyền thống có thể không chấp nhận được điều này. Vì vậy, nếu muốn áp dụng E.A.S.Y thành công, bố mẹ cần phải có kiến thức, kiên trì và phải nhất quán quan điểm nuôi con.

Không nên áp dụng quá máy móc, rập khuôn

Vì con cũng là con người, không phải là một cỗ máy nên không phải lúc nào con cũng thực hiện được giờ giấc sinh hoạt một cách rập khuôn được. Mẹ hãy nương theo con để con có thể làm quen và áp dụng thành thạo nhé.

Lợi ích và khó khăn trong việc tạo thói quen sinh hoạt cho bé 2 tháng

Về mặt lợi ích

Nuôi con nhỏ là một việc khó khăn, đòi hỏi tất cả mọi người trong gia đình phải cùng nhau hợp sức mang lại những điều tốt nhất cho con. Cái gì cũng có những mặt lợi và hại song song. Và việc tạo thói quen sinh hoạt cho con cũng vậy. Nó có những ưu điểm như:

Đối với bé

Khi cho bé theo phương pháp E.A.S.Y bé sẽ hình thành được một nhịp sinh hoạt đều đặn. Điều này sẽ giúp bé tự tin và chủ động hơn bởi con biết được rằng sau khi ngủ dậy con sẽ được ăn. Và sau khi ăn xong, con sẽ được chơi và khi đã thấm mệt thì con được ngủ.

Đối với mẹ

Việc mẹ hiểu được tuần tự các hoạt động của con sẽ giúp mẹ không còn cảm thấy áp lực trong việc chăm sóc con. Thay vì thụ động chờ nhu cầu của con, nay mẹ đã chủ động được việc đó, và hơn hết mẹ còn kiểm soát được tình hình khi chỉ có một mẹ một con ở nhà.

Khi mẹ đọc được tín hiệu con đưa ra, ví dụ như con khóc do đói, con khóc do tã, bỉm bẩn,… mẹ sẽ biết cách đáp ứng bằng cách cho con ăn, thay tã mới, bỉm mới cho con mà chẳng gặp chút khó khăn nào.

Về mặt khó khăn

Như đã nói ở trên, EASY là một phương pháp nuôi con khoa học. Vì vậy không phải thế hệ nào cũng dễ dàng chấp nhận. Do vậy, khó khăn đầu tiên của phương pháp này là gặp phải sự phản đối của các thế hệ đi trước.

Thứ hai, để áp dụng được EASY cần phải có thời gian, và chắc chắn là sẽ tốn nước mắt khi mới bắt đầu. Do vậy mẹ cần phải cứng rắn, nhất quán trong việc chăm sóc con.

Thứ ba, EASY rất dễ làm mẹ nản lòng. Thành công nào chẳng phải đánh đổi bằng thất bại và nước mắt nên mẹ phải thật kiên trì, thật quyết tâm.

“Nuôi con không phải là cuộc chiến” chính là câu truyền cảm hứng mà EASY muốn đem lại. Con chỉ được lớn lên một lần nên mẹ hãy để con thật sự được chủ động trải nghiệm trong chính sự lớn lên của mình, mẹ nhé.