Người xưa nói: “Giàu hai con mắt, khó hai bàn tay”, giàu là nhờ đôi mắt, có đôi mắt khỏe mạnh chúng ta mới nhìn thấy mọi thứ xung quanh và làm được bất cứ việc gì mà ta muốn. Bởi vậy, bảo vệ mắt để tránh các bệnh liên quan đến mắt là một vấn đề hết sức quan trọng, đặc biệt đôi mắt non nớt của trẻ em.
Một trong những bệnh về mắt thường gặp ở trẻ em là cận thị, đặc biệt ở thành thị thì tỉ lệ trẻ mắc bệnh này chiếm càng nhiều.
Cận thị- một căn bệnh khó phòng, khó tránh.
Cận thị ở trẻ nhỏ là một tình trạng mắt rất phổ biến khiến trẻ nhìn các vật ở xa bị mờ, trong khi các vật ở gần lại có thể nhìn rõ. Nếu cận thị ở dạng nhẹ, thì chúng có thể không cần điều trị, còn nếu dạng nặng thì thị lực của trẻ sẽ bị giảm đáng kể. Điều này ảnh hưởng đến sinh hoạt của trẻ và lâu dần nếu không được phát hiện và can thiệp kịp thời thì tình trạng bệnh sẽ có thể trở nên tồi tệ hơn.

Một số dấu hiệu cho thấy con bạn có thể bị cận thị bao gồm:
– Bé nhạy cảm với ánh sáng, thường hay nheo mắt, dụi mắt nhiều khi muốn nhìn rõ một vật nào đó. Nếu bé lớn hơn, đã biết nói thì bé sẽ kêu đau đầu hoặc cảm thấy như có lớp màng khó chịu ở mắt.
– Bé rất thích xem các chương trình mà mình yêu thích nhưng khi xem thì bé ngồi rất gần với màn hình tivi, máy tính, điện thoại.
– Bé cần ngồi gần đầu lớp ở trường vì các em cảm thấy khó khăn khi đọc bảng…
Quan sát thấy các dấu hiệu bất thường trên và nếu bạn nghi ngờ rằng con bạn có thể bị cận thị, bạn nên nhanh chóng đưa bé đến bác sĩ nhãn khoa uy tín để khám mắt cho bé nhé.
Thời điểm mẹ nên đưa em bé của mình đi kiểm tra mắt
Ngoài việc kiểm tra bất cứ lúc nào nếu bạn có bất kỳ lo ngại về thị lực của con mình thì kiểm tra định kỳ thường xuyên cũng là cách tốt nhất để bố mẹ thông thái có thể phát hiện ra bé nhà mình có bị các chứng bệnh về mắt hay không. Trẻ nên được kiểm tra thị giác ở các giai đoạn khi bé 6 tháng tuổi, 3 tuổi và trước khi bé vào lớp 1. Sau đó, bạn nện cho bé đi kiểm tra định kỳ ít nhất 2 năm một lần. Kiểm tra mắt có thể xác nhận xem con bạn bị cận hay viễn, và có thể được kê đơn kính hoặc kính áp tròng để điều chỉnh thị lực cho bé.
Bố mẹ có thể tham khảo một số nguyên nhân nào dẫn đến tình trạng cận thị ở trẻ như sau:
Cận thị ở trẻ thường xảy ra khi mắt hơi dài ra. Điều này có nghĩa là ánh sáng không tập trung đúng vào mô nhạy cảm với võng mạc ở phía sau của mắt.Bạn có thể hình dung nó là như thế này, các tia sáng hấp thu từ môi trường được tập trung lại ở trước võng mạc của người bệnh, điều này sẽ dẫn đến việc quan sát hình ảnh bị mờ đi. Chưa rõ nguyên nhân chính xác tại sao điều này lại xảy ra, nhưng nó thường xảy ra trong các gia đình và có liên quan đến việc trẻ quá tập trung nhìn vào một đồ vật, một thiết bị điện tử (máy tính, tivi, điện thoại thông minh) trong thời gian dài.
Cha mẹ thường hay bận rộn với công việc hoặc chiều bé nên thường hay cho bé xem điện thoại, máy tính, tivi ở cự ly sát mắt và xem trong khoảng thời gian dài, mắt bé hoạt động liên tục, thêm vào đó mắt bé chưa phát triển hoàn thiện, điều tiết mắt còn kém nên đôi mắt non nớt của trẻ sẽ bị tổn thương.
Trẻ nhỏ mắc chứng bệnh cận thị cũng có thể là do sinh non hoặc do di truyền từ bố mẹ hoặc người thân trong gia đình có tiền sử bị mắc các bệnh về mắt.
Một vài lưu ý giúp phụ huynh quan tâm đôi mắt của trẻ đúng cách hơn
Để trẻ tự vệ sinh mắt hoặc bố mẹ vệ sinh, chăm sóc mắt cho bé không đúng cách cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh về mắt cho bé yêu đấy.
Dù bận thế nào, bạn cũng nên dành thời gian tập cho bé có một thói quen tốt cho mắt, hạn chế xem tivi, máy tính, điện thoại nhiều, tạo không gian lành mạnh, thường xuyên dành thời gian vui chơi bên ngoài cho bé. Điều này có thể giúp giảm nguy cơ bị cận thị cho bé yêu của bạn.
Ngoài ra chế độ ăn uống, bổ sung dinh dưỡng, vitamin (A, B,C, DHA…) và khoáng chất cũng bảo vệ mắt cho bé rất tốt.
“Phòng bệnh hơn chữa bệnh” nhưng nếu con bạn chẳng may bị cận thị bạn không nên quá lo lắng mà hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ và lựa chọn phương pháp điều trị tốt cho bé.
Cận thị thường có thể được điều chỉnh một cách hiệu quả bằng một số phương pháp điều trị. Các phương pháp điều trị chính là:
Đầu tiên, sử dụng kính điều chỉnh: kính hoặc kính áp tròng để giúp mắt tập trung vào các vật thể ở xa.

Tiếp đến là phương pháp phẫu thuật mắt bằng laser để thay đổi hình dạng của mắt, tuy nhiên phương pháp này được khuyến cáo không nên thực hiện trên trẻ em vì mắt trẻ vẫn đang thời kỳ phát triển.
Nếu mắt bé ở tình trạng nặng thì bác sĩ sẽ tư vấn sử dụng phương pháp cấy ghép thủy tinh thể nhân tạo. Với phương pháp này, người ta tiến hành đưa một thủy tinh thể nhân tạo vào mắt vĩnh viễn để giúp chúng lấy nét chính xác.
Một số trẻ nhỏ bị cận thị không được điều trị kịp thời sẽ có nhiều khả năng mắc các tình trạng bệnh về mắt khác. Chúng có thể bao gồm như: bệnh mắt lác (là hiện tượng con mắt chỉ theo các hướng khác nhau, Khi nhìn một vật nhưng khiến người khác nghĩ là đang nhìn cái khác); Mắt lười biếng ở trẻ nhỏ ( chứng bệnh này để chỉ những bé có tầm nhìn ở một bên mắt không phát triển đúng cách); Chứng bệnh tăng nhãn áp (chính là tăng áp lực bên trong mắt); Đục thủy tinh thể mắt (người bị bệnh này sẽ có các mảng đục phát triển bên trong thủy tinh thể của mắt); Bệnh bong võng mạc (nơi võng mạc rút khỏi các mạch máu cung cấp oxy và chất dinh dưỡng cho nó).
Cho đến nay vẫn chưa có phương pháp nào điều trị cận thị khỏi hoàn toàn ở trẻ. Vì vậy, cách tốt nhất là các bậc cha mẹ nên có những biện pháp hữu hiệu để phòng bệnh cho bé, giúp bé có được đôi mắt khỏe và có được một tuổi thơ phát triển toàn diện.
Tốt nhất, để tránh cho trẻ khỏi chứng cận thị này, bảo vệ một đôi mắt sáng,khỏe và đẹp cho bé thì các mẹ nên chú ý nhiều hơn trong sinh hoạt cũng như chăm sóc. Trẻ cần có một chế độ ngủ, nghỉ hợp lý. Tránh sinh hoạt trong vùng ánh sáng tối và đặc biệt là tuyệt đối cấm chúng không được sử dụng các thiết bị điện tử thông minh, điện thoại, tivi quá nhiều. Cần bổ sung vitamin A trong chế độ ăn uống đầy đủ dinh dưỡng của trẻ.