Khi trẻ gặp vấn đề về giấc ngủ?

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Chất lượng giấc ngủ rất quan trọng đối với sự phát triển của trẻ. Ông bà ta thường nói trẻ con lớn lên trong giấc ngủ. Các bậc cha mẹ thường lo lắng khi thấy con mình thường xuyên khó ngủ và thức giấc vào ban đêm. Trẻ bị giật mình, quấy khóc và ngủ không ngon giấc. Trẻ không được ngủ đủ giấc sẽ lười chơi, tỏ ra khó chịu vào ngày hôm sau và về lâu dài, tình trạng này không tốt đối với sự phát triển của trẻ. Kéo theo đó, cũng khiến phụ huynh phải đau đầu vì ảnh hưởng giấc ngủ của mình.

Đối với một số phụ huynh và trẻ, đây có thể không phải là vấn đề quá lớn. Trẻ chỉ bị như vậy vào một vài hôm và không đáng ngại. Nhưng nếu trẻ gặp những vấn đề về giấc ngủ trong thời gian dài thì mẹ nên chú ý trẻ hơn.

Ở mỗi đứa trẻ khác nhau sẽ có những cách cải thiện giấc ngủ khác nhau. Vì thế, mẹ chỉ nên làm những gì phù hợp với con mình và tạo cảm giác thoải mái nhất cho trẻ. Bạn cần nhẹ nhàng và kiên nhẫn, không nên mắng và làm trẻ sợ vì có thể sẽ khiến tình trạng giấc ngủ của trẻ trở nên tồi tệ hơn.

Làm thế nào nếu như trẻ không chịu đi ngủ?

Nhiều trẻ có thể ham chơi và không chịu đi ngủ vào buổi đêm, làm cho các mẹ rất đau đầu. Nhiều mẹ áp dụng cách mắng bé, hoặc dọa nạt nhưng bé tỏ ra không mấy phối hợp. Bạn có thể tham khảo một vài cách dưới đây khi đứa trẻ của bạn không chịu đi ngủ:

Quy định thời gian đi ngủ :

Bạn phải quy định thời gian mà bạn muốn trẻ đi ngủ. Điều này phụ thuộc vào thời gian sinh hoạt của bé. thường sẽ là khung giờ 21h30p – 22h tối mỗi ngày. Bạn phải khuyến khích và thống nhất với trẻ về thời gian đó.

Bắt đầu thói quen đi ngủ:

Để trẻ ngủ đúng giờ đã quy định, mẹ hãy bắt đầu một thói quen đi ngủ “hạ gục” bé trước thời điểm trẻ thường ngủ. Thời gian sẽ tăng thêm 5 đến 10 phút mỗi tuần, thậm chí là 15 phút nếu bé nằm rất lâu mà mãi không ngủ được. Người ta ước tính, con người sẽ ngủ sau 14 phút đặt lưng xuống giường và nhắm mắt. Do đó, để chất lượng giấc ngủ của bé tốt mà bé thức dậy không bị mệt mẹ có thể áp dụng công thức sau để tính giờ thức dậy của trẻ. Thời gian trẻ thức dậy = 14 phút + 1,5* ( số chu kỳ, một giấc ngủ tốt sẽ nằm trong khoảng 5 chu kì (3,4 hoặc 5)) + giờ bắt đầu đi ngủ.

Ví dụ : thời gian quy định con bạn đi ngủ là 22h và bạn muốn con ngủ đủ 5 chu kì thì cách tính giờ bé thức dậy thoải mái nhất sẽ là: 14p+ 1,5*5+ 22h= 5h45p (sáng).

Hãy chọn thời gian để giới hạn thời gian con bạn tiến vào giấc ngủ. Ví dụ, bạn chỉ đọc 1 câu chuyện nào đó, sau đó ôm trẻ vào lòng và chúc trẻ ngủ ngon. Không nên để trẻ tự ngủ, vì chúng có thể tự chơi 1 mình mà không chịu ngủ ngay.

Nhiều phụ huynh tập cho trẻ khả năng tự lập từ nhỏ và cho bé ngủ riêng thì mẹ nên cho bé ôm gấu bông, gối ôm hoặc đồ chơi mà bé thích, sau đó đắp chăn cẩn thận cho bé để bé tiến sâu vào giấc ngủ.

Một số lưu ý thêm để giấc ngủ không gián đoạn quá lâu:

Trẻ có thể thức dậy vào ban đêm do khát và sợ bóng tối. Do đó, mẹ nên để sẵn 1 ly nước lọc ở trên bàn trong phạm vi gần tầm tay của trẻ và để bóng ngủ nhẹ nếu cần thiết.

Nếu trẻ giật mình và thức dậy vào ban đêm, bạn hãy cố gắng đưa trẻ trở lại giường và an ủi bé, tránh bé quấy khóc lớn càng tốt. Tại vì, việc khóc quá lớn có thể khiến trẻ mệt mỏi, giật mình vào ban đêm và tỉnh hẳn ngủ.

Ban đầu bé sẽ không phối hợp lắm nên mẹ cần cố gắng kiên trì, không nên vì thế mà bỏ cuộc sớm vì để tạo thành một thói quen cho trẻ cần nhiều thời gian. Hãy lặp lại mỗi đêm những công việc như trên thì bé có thể quen dần rồi.

Bé không chịu đi ngủ vì không có mẹ hoặc bố.

Trẻ có thói quen ngủ với người lớn, không chịu ngủ trước 1 mình làm người lớn rất rối khi vừa cho con ngủ vừa muốn làm nốt công việc. Bạn đang đau đầu vì không làm cách nào cho bé tự ngủ một mình được? Nội dung phần này sẽ giới thiệu cho mẹ một kỹ thuật khiến cho trẻ tự ngủ một mình được. Nó cũng có thể sử dụng khi trẻ thức dậy vào ban đêm. Kỹ thuật này có thể áp dụng cho những bé mới biết đi ( trên 1 tuổi ) hoặc những đứa trẻ lớn hơn làm quen với việc đi ngủ mà không có người lớn bên cạnh. Tuy nhiên, để thực hiện được cách này thành công thì bạn phải thực hiện nó trong thời gian dài để ổn định.

Nếu trẻ nằm ngủ trong cũi bạn cũng có thể dùng cách vuốt vẻ hoặc vỗ về bé thay cho nụ hôn để trẻ có thể an tâm đi ngủ. Cách này vừa để cho bé cảm nhận được tình yêu thương của người lớn, vừa giúp trẻ yên tâm để ngủ.

·         Hãy thực hiện nó như một thói quen thường xuyên, thực hiện bằng sự yêu thương và nhẹ nhàng nhất đối với bé.

·         Đặt bé vào giường hoặc cũi khi bé có dấu hiệu buồn ngủ nhưng vẫn còn khá tỉnh táo. Sau đó nói lời chúc ngủ ngon và hôn vào trán bé.

·         Hãy hứa với bé rằng mẹ sẽ quay lại sau một vài phút để hôn bé thêm một lần nữa. Trở lại ngay lập tức sau đó và trao cho bé một nụ hôn tiếp theo.

·         Bước tiếp theo, bạn đi thêm vài bước đến cửa và sau đó quay lại ngay để tiếp tục hôn bé lần thứ 3. Và hứa sẽ quay lại hôn bé thêm một lần nữa.

·         Thực hiện một việc gì đó trong phòng như cất đồ vật chẳng hạn sau đó quay lại và hôn bé lần thứ 4. Miễn là bé còn đang khá tỉnh táo và nằm yên vị trí thì hãy trao nhiều nụ hôn.

·         Đi ra khỏi phòng và làm một cái gì đó để đánh lạc hướng bé, để bé biết mẹ đang làm việc và sẽ có thể quay vào hôn mình thêm một cái nữa. Tiếp theo bạn vẫn mở cửa vào và hôn lên trán bé cái thứ 5. Nếu bé không thấy bạn và không hiểu được ý đó, bé có thể dậy và bước ra khỏi chỗ ngủ, bạn hãy nói với bé: “Quay lại giường đi và mẹ sẽ vào hôn con tiếp”

·         Bạn vẫn sẽ tiếp tục quay lại phòng thường xuyên để hôn bé nhưng thời gian mỗi lần sẽ giãn ra, cho đến khi bé hoàn toàn chìm vào giấc ngủ. Phương pháp này có thể lặp lại mỗi khi trẻ giật mình thức giấc.

Một số mẹo khác về giấc ngủ của trẻ dưới 3 tuổi.

·         Mẹ hãy đảm bảo rằng tạo được một thói quen đi ngủ yên tĩnh, có thể dự tính được những việc có thể xảy ra trong cùng một thời điểm và những việc đó có thể lặp đi lặp lại giống nhau ở mỗi đêm.

·         Nếu trẻ cảm thấy đói bụng vào ban đêm, bạn có thể cho trẻ ăn một chút ngũ cốc pha với nước ấm hoặc sữa pha theo công thức trước khi cho trẻ ngủ ( và một điều không thể quên là hãy cho trẻ đánh răng hoặc súc miệng sau đó).

·         Trẻ em khi còn nhỏ rất hay sợ bóng tối, khi cho trẻ ngủ bạn có thể cân nhắc sử dụng đèn ngủ hoặc để bóng ngủ cho bé yên tâm.

·         Đặc biệt, không nên cho trẻ sử dụng, điện thoại, máy tính xách tay, máy tính bảng trước khi ngủ 30 đến 60 phút. Lý do là bởi vì ánh sáng của điện thoại không tốt cho mắt và thần kinh của trẻ, dẫn đến giấc ngủ bị cản trở, bé không dễ dàng đi vào giấc ngủ.

·         Cho trẻ đi vệ sinh trước lúc ngủ để tránh bé buồn tiểu và thức dậy vào giữa đêm.

·         Trẻ con hay thức dậy vào ban đêm, tuyệt đối không để ý bé quá mức, càng tỏ ra yên tĩnh và buồn tẻ càng tốt, đèn không quá sáng, tránh giao tiếp bằng mắt và chỉ nên âu yếm nhẹ không nên nói chuyện với chúng quá nhiều.

·         Để chất lượng giấc ngủ của bé vào ban đêm tốt hơn, thì mẹ chỉ nên cho trẻ ngủ trưa vừa phải, tránh cho trẻ ngủ trưa quá nhiều. Trẻ con cũng giống người lớn, nếu ngủ trưa nhiều quá, sẽ khó đi vào giấc ngủ ban đêm.

·         Có thể cho trẻ uống nước ấm trước khi ngủ hoặc đảm bảo chế độ ăn lành mạnh.

·         Nên đắp chăn cho bé ấm phần bụng và tay, để phần chân thò ra ngoài sẽ giúp trẻ dễ ngủ hơn.

Tìm kiếm sự trợ giúp nhiều hơn từ bác sĩ về các vấn đề về giấc ngủ của trẻ.

Vấn đề trẻ tỉnh dậy vào ban đêm là bình thường, hầu như đứa trẻ nào cũng sẽ có những thời điểm ngủ không được ngon giấc. Các mẹ cần có sự kiên nhẫn, nhẹ nhàng và có phương pháp thích hợp với trẻ. Như thế, các vấn đề về giấc ngủ của bé sẽ được giải quyết sớm.

Nếu sau những cố gắng của bạn mà trẻ vẫn khó ngủ thì bạn nên tham khảo sự tư vấn của bác sĩ để biết thêm những nguyên nhân khiến trẻ khó ngủ, có thể là do những vấn đề sức khỏe.

Các bác sĩ có thể sẽ chỉ cho bạn những cách cải thiện giấc ngủ cho bé hoặc tư vấn và thăm khám kỹ càng hơn tại phòng khám.