Hành trình kỳ diệu khi bé mọc những chiếc răng sữa đầu tiên

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Dạo quanh các trang mạng xã hội, thật chẳng khó để bắt gặp được những băn khoăn, lo lắng của các mẹ bỉm sữa xoay quanh vấn đề mọc răng sữa của con như: “Bé con nhà mình sắp 13 tháng đến nơi rồi, mẹ ăn bao nhiêu tôm cua rồi mà bé không chịu mọc răng? Có cần  phải bổ sung thêm thực phẩm chức năng gì không?”,… Hiểu được những thắc mắc của các mẹ, mình xin chia sẻ một vài thông tin sau.

Sơ lược về những chiếc răng sữa

Như thực tế đã được thể hiện qua các trăn trở của các mẹ bỉm sữa, các bé sẽ có những mốc thời gian mọc răng là khác nhau. Có những bé mọc rất sớm, có những bé mọc rất muộn và cũng có những bé mọc rất chuẩn mốc thời gian do các chuyên gia răng miệng đã khuyến cáo từ trước tới nay. Nhưng hầu hết, các bé sẽ mọc những chiếc răng đầu tiên của mình khi bé được 6 tháng tuổi. 

Trước thời điểm bé lên 3 tuổi, các bé sẽ mọc đủ được 20 chiếc răng đầu tiên của mình. Và những chiếc răng này được gọi với cái tên là “răng sữa”. Răng sữa, hay còn được gọi với cái tên khác là răng tạm thời, là bộ răng đầu tiên trong quá trình hình thành và phát triển cơ hàm của con người. Nó sẽ theo bé đến khi bé được 5 – 6 tuổi. Sau đó, nó sẽ rụng dần để thay thế bằng những chiếc răng vĩnh viễn như ở người trưởng thành.

Quá trình mọc răng của bé diễn ra như thế nào?

Ngay từ khi còn là phôi thai trong bụng mẹ, răng sữa cũng đã bắt đầu phát triển. Khi thai nhi được 8 tuần, ở mỗi hàm trên và hàm dưới sẽ có 10 mầm răng được hình thành và trú ngụ dưới lợi của bé. Nhưng chỉ đến khi nào nó thoát ra khỏi lợi, nó mới thật sự được phát hiện một cách rõ ràng. Vậy quá trình mọc hết 20 chiếc răng sữa ở mỗi bé diễn ra như thế nào?

Như đã được đề cập ở trên, mỗi bé sẽ có thời điểm mọc răng khác nhau và vị trí các răng mọc theo thứ tự nào cũng sẽ là khác nhau. Tuy nhiên, có một điểm chung thường thấy là đa số những chiếc răng đầu tiên đều là những chiếc răng cửa ở cả hàm trên và hàm dưới. Một trình tự mọc răng thường thấy ở bé là:

trẻ sơ sinh mọc răng
trẻ sơ sinh mọc răng

Giai đoạn 6 – 9 tháng tuổi

Giai đoạn này bé sẽ mọc được ở mỗi hàm 2 chiếc ở vị trí ngay trung tâm cửa miệng. Hai chiếc răng cửa dưới sẽ mọc trước, sau đó là đến hai chiếc răng cửa ở hàm trên. Khi bé có dấu hiệu muốn mọc răng như bé bỗng nhiên lười ăn hẳn, hay cho ngón tay hoặc đồ chơi vào miệng để “nhai” cho bớt ngứa,… mẹ hãy sờ tay vào lợi bé, mẹ sẽ cảm giác được có cái gì đó sắp trồi lên trên. Lúc này mẹ hãy mua cho bé những món đồ nhai để bé thỏa sức ngấu nghiến.

Giai đoạn 9 – 12 tháng

Sau khi đã mọc được 4 chiếc răng cửa dưới, giai đoạn này bé có thể sẽ mọc thêm được 4 chiếc răng cửa bên nữa, nó cũng sẽ phân bố đều ở cả hai hàm, mỗi hàm hai chiếc.

Giai đoạn từ 12 tháng tuổi trở lên

Khi bé được 1 tuổi, thường bé sẽ bắt đầu mọc những chiếc răng hàm đầu tiên. Lúc này, bé sẽ mọc tiếp tục thêm 4 chiếc răng hàm thứ nhất nữa, đánh dấu mốc cho công cuộc ăn thô trường kỳ. Sau đó, bé sẽ tiếp tục mọc 4 chiếc răng nanh sữa và cuối cùng là 4 chiếc răng hàm sữa thứ hai.

Cách chăm sóc răng miệng cho bé

Một số phụ huynh vẫn thường có những suy nghĩ rằng răng sữa của bé sẽ rụng đi và được thay thế nên không chú trọng trong việc chăm sóc răng miệng cho bé. Điều này vô tình dẫn đến khoang miệng của bé tích tụ lại rất nhiều các cặn bã thức ăn còn sót lại, tạo điều kiện cho vi khuẩn tấn công đến men răng. Từ đó làm cho men răng dần mất đi, tình trạng sâu răng, sún răng không chỉ gây ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn gây khó khăn cho bé trong quá trình nhai thức ăn và phát âm không được tròn giọng nữa.

Vậy nên, việc chăm sóc răng miệng cho bé là điều nên làm hằng ngày. Khi bé mới có một vài chiếc răng đầu tiên, mẹ chỉ cần dùng gạc rơ lưỡi và rơ sạch cho bé là được. Tuy nhiên, bé sẽ càng ngày càng lớn, sẽ học hỏi được nhiều điều hơn, mẹ nên hướng dẫn bé học cách chải răng bằng bàn chải để có thể tự mình làm chủ được việc sinh hoạt hằng ngày.

Một điều không thể thiếu trong cách chăm sóc răng miệng cho bé là việc bổ sung nước trắng cho bé sau mỗi bữa ăn. Điều này cũng rất hiệu quả để ngăn ngừa tình trạng thức ăn còn sót lại trong miệng.

Khi bé mọc răng, mẹ phải đối mặt với điều gì?

Mỗi bé có một cách mọc răng khác nhau, thời gian khác nhau và thể trạng cũng sẽ là khác nhau nên trong giai đoạn mọc răng cả mẹ và bé sẽ phải đối mặt với một vài điều sau:

Bé hay chảy dãi

Chảy dãi cũng là một hiện tượng rất phổ biến ở các bé đang muốn mọc răng. Nên mẹ hay luôn mang theo bên mình một chiếc khăn mềm hoặc đeo cho bé một chiếc yếm mỏng để hạn chế việc dãi chảy ướt áo, ướt cằm gây mất thẩm mỹ và không được sạch sẽ nhé.

Bé trở nên biếng ăn hơn

Do bé cảm thấy khó chịu, ngứa ngáy tại vị trí các chân răng chuẩn bị mọc nên hầu như mọi bé đều có cảm giác không muốn ăn. Thay vào đó, bé sẽ chỉ mê mẩn những bộ đồ nhai giúp bé làm giảm cảm giác ngứa lợi. Mẹ nên nhớ, những lúc như thế này mẹ cũng không nên ép bé ăn quá nhiều. Hãy để cho bé ăn theo bản năng của mình. Việc ép bé ăn không chỉ mẹ cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng mà bé còn bị áp lực tâm lý, dễ gây hoảng sợ và gây ra chứng biếng ăn sau này.

triệu chứng trẻ biếng ăn khi mọc răng
triệu chứng trẻ biếng ăn khi mọc răng

Bé có thể bị sốt

Sốt mọc răng là một hiện tượng thường thấy ở trẻ trong giai đoạn mọc răng. Tuy hiện tượng này cũng không phải bé nào cũng bị, nhưng nó cũng gây khá nhiều phiền toái với việc sinh hoạt thường ngày. Bé sẽ cảm thấy mệt, bám và quấy mẹ nhiều hơn vì bé đang muốn tìm đến những thứ mang lại cho bé những cảm giác an toàn. Những lúc như vậy, mẹ hãy ở bên bé nhiều hơn để bé có cảm giác an tâm hơn.

trẻ sơ sinh bị sốt khi mọc răng
trẻ sơ sinh bị sốt khi mọc răng

Bé có thể bị tướt

Thường thường, khi mọc răng hàm bé sẽ hay bị đi tướt hơn những vị trí mọc răng khác. Nếu bé có biểu hiện mọc răng, kèm sốt và đi tướt, mẹ không nên quá lo lắng. Mẹ chú ý nên bổ sung cho bé nhiều nước hơn thường ngày vì khi bị sốt hay đi tướt bé sẽ bị háo nước rất nhiều. Nếu sau 2 ngày bé không hết sốt thì mẹ hãy đưa bé đến bệnh viện để các bác sĩ can thiệp kịp thời.

Khi nào cần đến sự hỗ trợ của bác sĩ?

Không chỉ khi bé mọc răng, mẹ mới cần đến sự hỗ trợ của các bác sĩ. Trước đó, mẹ cũng có thể cho các bé đi khám răng, miệng định kỳ vài tháng một lần để đảm bảo bé được khỏe mạnh. 

Trong trường hợp bé quá 15 tháng tuổi mà chưa có dấu hiệu mọc răng, mẹ cũng nên đưa bé đến bác sĩ kiểm tra vì bé có khả năng thiếu chất gì đó gây cản trở cho quá trình mọc răng của bé. Việc mọc răng của bé quá chậm cũng có thể gây ảnh hưởng lớn đến quá trình học cách nhai đồ ăn thô và học nói của bé đấy các mẹ.

Như đã được đề cập ở trên, nếu bé mọc răng mà sốt cao liên tục quá 2 ngày, mẹ hãy đưa bé đến gặp bác sĩ. Đã có rất nhiều trường hợp không hạ sốt cho bé đúng cách đã dẫn đến những hậu quả nặng nề, không đáng có như hiện tượng co giật, rất nguy hiểm cho trẻ nhỏ.