Hệ tiêu hóa của trẻ nhỏ vẫn còn đang ở giai đoạn sơ khai nên rất dễ bị các vi khuẩn đường ruột gây hại khiến bé mắc phải bệnh tiêu chảy. Trước đây, căn bệnh này đã cướp đi tính mạng của hàng triệu trẻ em mỗi năm nên nó như một mối đe dọa khôn lường với sức khỏe của bé. Có một vốn kiến thức về căn bệnh này sẽ giúp bố mẹ dễ dàng bảo vệ sức khỏe cho bé yêu của mình hơn.
Tác nhân gây bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ
Sức đề kháng của trẻ nhỏ còn yếu nên bất kỳ một tác nhân có hại nào cũng có thể khiến bé mắc bệnh. Với căn bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ cũng vậy, có rất nhiều nguyên nhân gây ra như:
Do virus Rota
Rota virus là một tác nhân hàng đầu gây ra căn bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ. Nó là một loại virus có tính truyền nhiễm lây lan qua đường tiêu hóa. Nếu không có biện pháp phòng ngừa, cách ly và ngăn chặn cụ thể, nó rất dễ trở thành đại dịch trong cộng đồng.

Do nhiễm khuẩn đường ruột
Các loại thực phẩm không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm chứa rất nhiều vi khuẩn Salmonella, Clostridium, và khuẩn tụ cầu,… Nếu không may ăn phải những loại thực phẩm này sẽ khiến đường ruột bị viêm nhiễm, và dẫn đến tiêu chảy cấp.
Do điều kiện vệ sinh
Điều kiện vệ sinh kém cũng là cách để các vi khuẩn có hại lây lan ra môi trường sống xung quanh. Nếu không cẩn thận, các vi khuẩn đó có thể xâm nhập vào tay, sau đó tay sẽ đưa đồ ăn vào miệng, nguy cơ dẫn đến tiêu chảy là rất cao.
Do ngộ độc thực phẩm
Các thực phẩm bị ôi thiu hoặc lên men do các khuẩn có hại, hay các chất phụ gia bị cấm sử dụng trong ngành công nghiệp thực phẩm,… cũng có chứa hàng tỷ vi khuẩn gây tiêu chảy. Khi những thực phẩm này được tiêu thụ sẽ khiến cơ thể gặp phải các phản ứng nôn mửa, choáng váng, sốt cao và tiêu chảy. Nếu không có biện pháp sơ cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Do cách bệnh lý đường ruột
Hội chứng ruột kích thích, viêm đại tràng,.. là các bệnh lý về đường ruột khiến cơ thể con người rất dễ bị tiêu chảy. Nếu như hội chứng ruột kích thích là do các nhu động ruột bị co thắt quá mức và liên tục khiến thức ăn không được tiêu hóa dần dần và gây ra chứng tiêu chảy. Thì các bệnh nhân viêm đại tràng thường là do các vi khuẩn cũng như ký sinh trùng, nấm có hại,… cư trú trong cơ thể.
Khi bị tiêu chảy, phân bé có dạng như thế nào?
Khi bé bị tiêu chảy, bé sẽ đi đồng lỏng, nhiều nước, có nhiều dịch bọt, chất nhầy và có mùi tanh nồng vô cùng khó chịu. Một ngày nếu bé đi ngoài quá 3 lần như vậy, chứng tỏ bé đã bị mắc chứng tiêu chảy.
Bé sẽ có những biểu hiện quấy khóc, mệt mỏi, thậm chí nôn ói liên tục khi bị những cơn đau bụng hành hạ. Nhiều bé mất nước quá nhanh có thể khiến huyết áp tụt nhanh chóng, chân tay lạnh toát,… Bé sẽ bỏ ăn, bỏ bú. Giấc ngủ cũng vì thế mà chập chờn, không vào giấc
Những thực phẩm có lợi cho bé khi bị tiêu chảy
Trong khoảng thời gian bị tiêu chảy, hệ tiêu hóa của bé bị rối loạn, nguy cơ bé bị suy dinh dưỡng là rất lớn. Lý do là bởi lúc này nhu cầu của bé về thức ăn hầu như là con số không. Hoặc nếu bé có ăn được một chút nào, thì những cơn đau bụng, nôn ói cũng khiến bé không thể hấp thụ mà trớ hết ra ngoài.
Hiểu được điều này, bố mẹ nên lựa chọn những loại thực phẩm dễ ăn và dễ chế biến để giúp bé mau khỏe. Một số có thể kể đến là:

- Các loại thực phẩm có chứa nhiều tinh bột như gạo, khoai tây,…
- Các loại thịt nạc như thịt gà, thịt lợn, thịt cá,…
- Các loại rau – củ – quả có nhiều vitamin như cam, nước dừa, đu đủ,…
- Các loại sữa chua có chứa nhiều lợi khuẩn probiotics tốt cho đường ruột và hệ tiêu hóa
Từ những nhóm thực phẩm trên, mẹ hãy chế biến thành các món cháo loãng hoặc súp để bé dễ ăn hơn. Bố mẹ cũng nên chia nhỏ bữa ăn cho bé, không nên ép bé ăn khi bé liên tục từ chối dùng bữa.
Bù nước cho bé bị tiêu chảy
Đối với các bé dưới 6 tháng tuổi, nếu bị tiêu chảy, cách bù nước tốt nhất cho bé là được bú mẹ nhiều lần. Tuy nhiên, mẹ cần hạn chế các nhóm thức ăn khiến đường ruột bị kích thích như hành, tỏi, các loại đậu,… Còn đối với các bé dùng sữa công thức, mẹ cần xem xét đến các thành phần trong sữa xem bé yêu có mẫn cảm hay không. Từ đó mà có sự điều chỉnh sang dòng sữa khác.
Đối với các bé trên 6 tháng tuổi, khi bị tiêu chảy, cơ thể bé sẽ bị mất nước nhiều, nên việc bổ sung nước hoặc các dung dịch điện giải là điều cần thiết. Việc bổ sung nước cho bé là điều cần thiết bởi nếu cơ thể bé thiếu nước trầm trọng rất nguy hiểm đến tính mạng.
Đối với dung dịch nước điện giải, mẹ nên pha chuẩn tỷ lệ nước. Sau đó cho bé uống từ từ từng chút một. Nếu bé không may bị nôn, hãy tạm dừng ít nhất 10 phút, sau đó hãy cho bé uống lại.
Nước cam, chanh,… chứa nhiều vitamin C cũng nên cho bé uống lúc này, tuy nhiên lượng đồ uống nên giảm bớt vì có thể khiến bé bị lạnh bụng.
Tiêm phòng vắc xin ngừa tiêu chảy cho bé
Để phòng ngừa bệnh tiêu chảy, cần đặc biệt lưu tâm 5 nguyên tắc sau:
- Thực hiện ăn chín, uống sôi
- Hệ thống đường ống nước sạch đảm bảo
- Có biện pháp xử lý rác thải đúng quy cách
- Nâng cao ý thức với các món ăn đường phố
- Rửa tay bằng xà bông trước chế biến thức ăn, ngay trước bữa ăn và sau khi đi vệ sinh.

Ngoài 5 nguyên tắc trên, một biện pháp phòng ngừa được cho là hữu hiệu bậc nhất trong việc ngăn chặn bệnh tiêu chảy là tiêm phòng vắc xin.
Đối với bệnh tiêu chảy, vi khuẩn Rota là thủ phạm hàng đầu. Do vậy, tiêm phòng vắc xin Rota phòng bệnh tiêu chảy cho trẻ em là một điều vô cùng cần thiết. Tuy nhiên, có một điều bố mẹ cần biết đó là vắc xin Rota hiện không có mặt trong chương trình tiêm chủng mở rộng. Điều này có nghĩa là gì? Tức là, nếu bố mẹ muốn cho bé sử dụng vắc xin này, cần phải đến các cơ sở tiêm chủng dịch vụ (có trả phí) để được tư vấn, thăm khám sàng lọc và tiêm phòng.
Vắc xin Rota khác với các loại vắc xin khác. Nó không được tiêm qua da mà sử dụng bằng cách uống qua đường miệng.
Hiện nay, có 2 loại vắc xin Rota đang lưu hành tại các cơ sở tiêm chủng dịch vụ là Rotarix của Bỉ và Rotateq của Mỹ. Mỗi loại sẽ có giá thành khác nhau và thời điểm tiêm khác nhau.
Với vắc xin Rotarix của Bỉ, các bé sẽ được uống 2 liều. Mỗi liều uống 1.5ml. Liều đầu tiên khi bé được ít nhất 6 tuần tuổi và liều thứ hai sau liều đầu tiên ít nhất là 4 tuần. Phác đồ hoàn thành uống Rotarix được khuyến cáo là trước 6 tháng tuổi.
Với vắc xin Rotateq của Mỹ, các bé cần uống 3 liều. Mỗi liều uống 2ml. Liều đầu tiên cho các bé ở độ tuổi từ 2 – 3 tháng tuổi. Hai liều còn lại cách liều trước đó ít nhất 4 tuần. Phác đồ hoàn thành uống Rotateq được khuyến cáo là trước 8 tháng tuổi.
Sau khi được uống vắc xin Rota, bé được khuyên không nên cho bé bú trong vòng ít nhất là 30 phút. Làm điều này với mục đích là để cho vắc xin được bám dính chặt hơn ở các lớp niêm mạc họng, dạ dày và ruột.
Bệnh tiêu chảy ở trẻ nhỏ chẳng còn là nỗi lo nếu như chúng ta có biện pháp phòng ngừa đúng cách. Hãy cùng nhau chung tay xây dựng một môi trường sống sạch sẽ, an toàn để bé yêu được lớn lên trong sự khỏe mạnh và phát triển đầy đủ.