Cùng dược sĩ Thuần giải mã 10 tiếng khóc của em bé sơ sinh

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Chẳng có một bé sơ sinh nào mới chào đời đã biết truyền tải mong muốn của mình thông qua lời nói, phải không nào? Sẽ mất một khoảng thời gian khá dài để bé có thể phát triển, trau dồi, học hỏi để hoàn thành kỹ năng này. Vì vậy, cho đến khi bé nói, bé sẽ có một cách khác để đưa ra tín hiệu cho bố mẹ. Đó chính là bằng cách cất lên tiếng khóc. Cũng là một hành động khóc, nhưng mỗi tiếng khóc khác nhau sẽ biểu đạt một ý muốn khác nhau. Cùng đi giải mã 10 tiếng khóc của bé sơ sinh nhé! 

Con mệt – con cần đi ngủ

Tín hiệu rõ ràng nhất khi bé đã mệt và muốn đi ngủ là bé thường giảm hoạt động tay, chân; giảm sự chú ý mọi thứ xung quanh và liên tục có những hành động dụi mắt và ngáp. Các bé mệt hoặc quá mệt thường hay tự trấn an mình bằng cách mút tay. Lúc này rất dễ khiến bố mẹ lầm tưởng rằng bé đang đói và đòi ăn. Nếu không được đưa vào giường, con sẽ khua tay chân loạn xạ, cào vào mặt và tai. Và khi không được đáp ứng cho việc muốn đi ngủ của mình bé sẽ khóc lóc, cáu gắt.

Khi trẻ khóc vì buồn ngủ
Khi trẻ khóc vì buồn ngủ

Giải pháp tốt nhất thời điểm này là hãy đưa con vào giường, tạo môi trường ngủ phù hợp cho bé.

Con chán – con đòi đi chơi

Nếu con đã được ăn no và đang tự chơi nhưng bất ngờ rên rỉ và khóc rấm rứt. Bố mẹ hãy chú ý quan sát bé nếu thấy bé luôn hướng mắt ra ngoài nơi có không gian rộng hay cụ thể là phía sân chơi hay một nơi khác có nhiều đồ chơi hơn thì chứng tỏ bé đang muốn được đi chơi, khám phá một không gian khác.

Bố mẹ hãy thử bế bé đi lại xung quanh, đổi cảnh hoặc sửa lại tư thế ngồi hoặc nằm cho bé hay đơn giản chỉ cần đưa cho bé một món đồ chơi khác để nhìn và nắm.

Nếu đã thử làm và không thấy bé có dấu hiệu ngừng khóc rên rỉ, có thể bé đã mệt và cần được đi ngủ.

Con đầy bụng – hãy giúp con ợ hơi

Tiếng khóc của bé vang lên bất chợt, cao vút nghe giống như tiếng ré lên của người lớn hoặc trẻ em khi bị đau. Bé có thể khóc to, dai dẳng, liên tục tưởng như đứt thở. Kèm theo biểu hiện bé rướn, ưỡn người như đang vô cùng đau đớn. Điều này chứng tỏ bụng bé đang có vấn đề, bé không thể tự ợ được hơi hay xì hơi cho thoát ra khỏi cơ thể.

Các bậc cha mẹ cần phải biết một điều rằng tất cả các trẻ sơ sinh khi ăn đều nuốt phải khí. Khi bé bú mẹ, bú bình hay ăn bằng cách đổ thìa, vừa khóc vừa ăn,… bé sẽ nuốt phải một lượng bọt khí nhất định. Phần không khi nuốt phải bị kẹt lại sẽ gây cho bé đầy bụng, ợ nóng.

Khi thấy bé như vậy, bố mẹ hãy nhẹ nhàng bế bé lên và bắt đầu ợ hơi cho bé, giúp cho không khí bé nuốt phải được đẩy ra ngoài.

Con không thoải mái do bỉm ướt, hoặc quá nóng, quá lạnh

Khi bé không thoải mái, bé thường uốn éo, ưỡn lưng ra phía trước.

Trẻ khóc do bỉm ướt
Trẻ khóc do bỉm ướt

Khi bé bị lạnh, bé có thể khóc vô cùng dữ dội, môi run rẩy, nổi da gà và toàn thân run rẩy. Đối với bé sơ sinh, sau khi tắm không được ủ ấm kỹ vào mùa đông cũng rất dễ bị nhiễm lạnh.

Khi bé bị nóng, tiếng khóc của con nghe tưởng chừng như rất giận dữ và có phần hổn hển. Và mặt bé đỏ, đổ nhiều mồ hôi.

Lúc này, hãy kiểm tra tã xem bẩn hay chưa, kiểm tra thân nhiệt cho bé. Nếu quá lạnh thì hãy mặc thêm đồ cho bé và ngược lại.

Con đói – hãy cho con ăn

Khi đó tiếng khóc của bé thường có âm vực thấp, nhịp nhàng và lặp đi lặp lại, kết hợp cùng với các biểu hiện như đòi bú. Các vị phụ huynh nên nhớ rằng không nên để trẻ phải chờ đợi quá lâu. Nếu không, bé sẽ bị quá kích thích, dẫn đến cáu gắt.

Trẻ khóc do đói
Trẻ khóc do đói

Một cách để biết được xem bé có bị đói hay không chính xác nhất là ghi chú lại những thời điểm bé bú trong ngày. Nếu đã 3 đến 4 tiếng kể từ lần gần đây nhất mà bé chưa được ăn, hãy cho bé được dùng bữa của mình. Điều này sẽ khiến một em bé cáu kỉnh thành một em bé vui tươi ngay lập tức.

Con bị ốm sốt

Những tiếng thút thít nhỏ, yếu ớt, kèm theo da khô, mệt mỏi. Hãy chú ý kiểm tra cho bé xem bé có các triệu chứng bị bệnh như sốt, tiêu chảy,… hay không? Thật sự không có tiếng khóc nào khiến các bậc cha mẹ đau đớn hơn tiếng khóc này đâu ạ.

Con tè – ị

Nếu khi đang ăn bé bất chợt rặn và khóc lóc, người bé uốn éo và co quắp có thể bé đang tè hoặc ị. Khi đào thải nước tiểu và phân ra ngoài, các cơ bắp trên cơ thể con co rút lại và rặn đỏ mặt.

Bố mẹ cũng thường hay nhầm lẫn tiếng khóc khi bé tè – ị với tín hiệu khi bé đói và hoang mang không biết mình đã làm gì sai. Nếu nhận biết được bé đang muốn đi vệ sinh, hãy giúp bé bằng cách dùng bàn tay của mình xoa bụng bé theo hình chữ U từ trái qua phải để hỗ trợ bé.

Con quá no rồi (overfeeding)

Không chỉ đối với những người làm cha mẹ lần đầu mà ngay cả khi sinh bé thứ hai, thứ ba cũng thật sự không biết nên cho bé ăn bao nhiêu là đủ. Rất nhiều mẹ lầm tưởng giữa tiếng khóc đòi đi chơi với tiếng khóc bé đói. Hậu quả là nhồi nhét cho bé ăn thêm rất nhiều khiến bé cảm thấy vô cùng khó chịu.

Con quá tải thần kinh, con bị quá kích thích – con cần giảm tải

Nếu bé đang ở trong một môi trường ồn ào, tất cả mọi người đều thu hút bé bằng những âm thanh của một chiếc xúc xắc, âm nhạc,… mà bé bỗng dưng quay đầu đi hoặc nhắm mắt lại và khóc to, dài kèm theo tay và chân bé khùa khoạng không kiểm soát. Đây là do bé đang bị quá tải, quá kích thích với thế giới xung quanh.

khóc do trẻ thấy căng thẳng quá mức
trẻ khóc do thấy hệ thần kinh bị kích thích quá mức

Giải pháp cho trường hợp này là hãy đưa bé sang một môi trường yên tĩnh hơn như phòng ngủ để bé được trấn tĩnh lại, trả lại sự bình yên cho bé. Hoặc một giải pháp khác là cho bé đi ngủ trước khi sự quá tải này xảy ra.

Con bị hội chứng Colic

Hội chứng Colic, hay còn gọi với cái tên thông dụng là khóc dạ đề. Các bé mắc hội chứng này đều có một đặc điểm giống nhau là khóc không thể dỗ nín trong một thời điểm nhất định trong ngày, thường là vào buổi chiều tối. Tiếng khóc của bé nghe rất vang vọng, đau đớn và thương tâm. Tuy nhiên vào ban ngày, các bé lại vô cùng ngoan ngoãn, ăn ngủ tốt và đúng giờ. Thật sự không có lí do nào cụ thể để giải thích cho hội chứng Colic này.

Đã có rất nhiều những giả thiết cho rằng đó là cách giúp bé xả stress mỗi ngày. Rất may mắn rằng, nếu bé mắc chứng colic này có thể khỏi ở tháng thứ tư và chấm dứt hẳn ở cột mốc sáu tháng.

trẻ khóc dạ đề
Khóc dạ đề ở trẻ

Vậy dấu hiệu cho biết một bé bị mắc hội chứng Colic là gì?

Đó là bé khóc rất nhiều; bé xì hơi, đầy bụng, vặn vẹo; bé nắm chặt tay, vặn mình; mặt bé đỏ gay gắt và đầu gối của bé co cao lên tận ngực.

Làm thế nào để hỗ trợ bé mắc hội chứng Colic?

Khi bé khóc dạ đề thường rất khó dỗ nín, khó có thể làm bé quên cơn khóc mà chú tâm vào một điều gì khác. Thế nhưng, chẳng lẽ cứ để bé khóc mãi như vậy? Chẳng có bố mẹ nào nhẫn tâm để mặc con khóc như vậy cả, đúng không nào? Bố mẹ hãy thử dùng biện pháp cho con nghe tiếng ồn trắng để giúp bé trấn tĩnh lại, hoặc cho bé vào xe và đẩy bé quanh nhà. Nếu bé trong tình trạng khóc quá nhiều, hãy nhờ đến sự giúp đỡ của bác sĩ để được tư vấn và sử dụng thuốc đặc trị cho bé bị colic nhé!

Hy vọng, với những chia sẻ trên sẽ giúp các bố mẹ một phần nào đấy hiểu được nhu cầu của con thông qua tiếng khóc để giúp con giải quyết được vấn đề của chính mình nhé! Cảm ơn mọi người đã đọc bài!