Công thức nấu đồ ăn dặm tại nhà cho bé yêu

Share on facebook
Share on pinterest
Share on twitter
Share on google

Đến thời điểm bé yêu nhà bạn được 5 hoặc 6 tháng tuổi, sữa mẹ đã không còn là nguồn dinh dưỡng duy nhất cho bé. Tuy bú mẹ vẫn là chủ đạo nhưng bé đã có thể bước vào giai đoạn tiếp nhận được đồ ăn dặm. Hơn nữa, các mẹ cũng chuẩn bị phải trở lại làm việc nên việc ăn dặm là điều bắt buộc. Cùng tham khảo những công thức nấu đồ ăn dặm tại nhà cho bé yêu tại bài viết này nhé! 

Tại sao nên tự nấu đồ ăn dặm cho bé?

Những đồ ăn nhanh ở ngoài kia dù rất tiện lợi nhưng nó có thể khiến bé bị mất đi nguồn vitamin và chất dinh dưỡng cần thiết trong quá trình chế biến.

Có thể mẹ không phải là một đầu bếp chuyên nghiệp luôn tạo ra được những bữa ăn ngon, thịnh soạn. Nhưng việc tự tay chế biến những món ăn cho bé yêu của mình thì luôn luôn là một điều hạnh phúc. Hơn hết việc tự tay chuẩn bị đồ ăn dặm cho bé yêu còn đảm bảo vệ sinh và giúp mẹ kiểm soát được nguồn thực phẩm sạch sẽ.

Bé yêu nhà bạn đã sẵn sàng với những bữa ăn có dạng đặc?

Hầu hết các bé ở tháng thứ tư trở đi đã có thể ngẩng và cất cao được đầu của mình rồi. Thế nhưng, có vẻ như bé bốn tháng vẫn chưa thích hợp lắm cho công cuộc ăn dặm. Sớm nhất vẫn nên từ tháng thứ 5 trở đi, khi bé có thể ngồi thẳng và ngẩng cao đầu, mẹ hãy cho bé ăn dặm.

Nếu bé trở nên hứng thú với đồ ăn được bày ra trước mắt, và mẹ nhận được sự đồng ý từ bác sĩ nhi khoa của bé, mẹ hãy sẵn sàng mang những món ngon, bổ dưỡng nhất cho bé thưởng thức nhé!

Những nhóm thực phẩm nên được bổ sung vào đồ ăn dặm

Khi lên thực đơn cho các bé ở độ tuổi ăn dặm, các mẹ cần đảm bảo phải đầy đủ 4 nhóm dinh dưỡng gồm: tinh bột, chất béo, chất đạm, hoa quả và rau xanh.

Tinh bột các mẹ có thể thay đổi cho bé như gạo, mì, bún, nui,…

Chất béo như dầu ăn, bơ, đậu phộng,…

Chất đạm như thịt, cá, trứng, tôm,…

Hoa quả và rau xanh như: bơ, táo, chuối, lê, rau ngót, bí đỏ, cà rốt, các loại đậu…

Bé sẽ chỉ phát triển được toàn diện khi bé được dung nạp, hấp thu tất cả 4 nhóm dinh dưỡng trên. Vì vậy, các mẹ hãy tìm hiểu, phân chia và lên thực đơn thật khoa học mà vẫn đảm bảo dinh dưỡng cho các bé.

Một số công thức chế biến đồ ăn dặm thông dụng cho bé

Với đồ ăn cho bé ở giai đoạn 4-6 tháng tuổi

Ở giai đoạn này nguyên liệu chủ yếu các mẹ nên sử dụng bao gồm rau, củ, quả, ngũ cốc và sữa. Một số món có thể kể đến như:

  • Bơ hoặc chuối nghiền trộn cùng sữa mẹ hoặc sữa công thức.

Các mẹ chỉ cần chuẩn bị 1/2 quả chuối hoặc bơ. Nghiền nhuyễn và trộn cùng 30ml sữa mẹ hoặc sữa công thức. Rất đơn giản mẹ đã có một món siêu nhanh, siêu tiện lợi mà rất giàu dinh dưỡng cho một bé biếng ăn.

  • Bột gạo mix cùng nước dashi

Nước dashi là một loại nước được hầm từ các loại rau, củ, quả với nhau. Nó có vị ngọt thanh vô cùng đặc trưng và rất dễ chế biến. Các mẹ có thể chọn từ 5 đến 6 loại rau củ quả không kỵ nhau để ninh thành nước dashi thành phẩm. Là một bà mẹ có con trong giai đoạn ăn dặm mà không biết đến nước dashi thì thật đáng tiếc.

Nấu nước dashi từ rau củ

Khi nấu bột gạo cho bé, mẹ chỉ cần lấy một lượng bột và lượng nước dashi phù hợp để quấy thành bột cho bé. Thật đơn giản phải không nào?

Với đồ ăn cho bé từ 7-9 tháng tuổi

Ở giai đoạn này, một số bé đã có thể ngồi vững, thẳng cổ và có khả năng cầm nắm đồ ăn để cho vào miệng. Vì vậy, nếu mẹ cho bé ăn dặm theo phương pháp bé tự chỉ huy (hay còn gọi là BLW), mẹ có thể chuẩn bị cho bé một vài miếng rau củ hấp chín, mềm để bé tập nhai, luyện tập cơ hàm. Một số loại thực phẩm bé có thể sử dụng gồm:

Nhóm tinh bột: cơm nát, bánh mì, yến mạch, ngũ cốc, mì, nui,…

Nhóm đạm: thịt, cá, lòng đỏ trứng, phô mai,…

Nhóm chất xơ: cà rốt, khoai lang, bí đỏ, đậu cove, cải bó xôi,…

Các công thức mẹ có thể tham khảo như:

  • Bột thịt (lợn, bò, gà,…) + rau củ hoặc nước dashi

Lấy một lượng thịt nhất định xào săn cùng dầu ăn, đem xay nát cùng rau củ hoặc nước dashi. Thêm lượng bột gạo phù hợp quấy cùng.

  • Cháo vỡ hạt + chim bồ câu + nước trắng hoặc dashi

Làm sạch thịt chim bồ câu, gạo vỡ hạt cho vào hầm cùng nước trắng hoặc nước dashi. Canh sao cho gạo cùng chim bồ câu mềm là hoàn thành.

  • Rau, củ hấp mềm + cơm nát

Các bé ăn theo BLW có lẽ rất thích ăn theo kiểu này. Bé được tự chủ cầm đồ ăn  nào mình thích và nhai ngấu nghiến chúng. Ăn theo cách này, mẹ rất nhàn trong khâu chuẩn bị đồ ăn, nhưng lại khá tốn công dọn dẹp “bãi chiến trường” do bé gây ra.

Với đồ ăn cho bé từ 9-12 tháng tuổi

Ở độ tuổi này bé đã có thể ăn thô khá tốt rồi. Mẹ có thể chuẩn bị menu đồ ăn như sau gồm các món như:

  • Cháo nguyên hạt + thịt bò + yến mạch + bí đỏ

B1: Mẹ đem ngâm yến mạch trước 30’, cứ 10’ thay nước một lần để yến mạch đỡ nhớt hơn.

B2: Đem thịt bò băm nhỏ, xào chín cùng một chút tỏi. Sau đó thêm bí đỏ vào xào qua cho ngấm.

B3: Vo gạo thật sạch, cho vào ninh nhừ cùng hỗn hợp đã xào qua ở trên.

B4: Khi cháo gần chín, cho yến mạch vào đun thêm 5-7’ và tắt bếp.

  • Cơm nát + thịt lợn mềm + súp lơ, cà rốt hấp

B1: Vo gạo nấu cơm sao cho nát một chút là đạt yêu cầu.

B2: Chuẩn bị thịt lợn thái miếng, chế biến, nấu mềm

B3: Hấp cà rốt và súp lơ cho chín

B4: Trình bày đồ ăn ra khay cho bé.

Chế biến đồ ăn dặm cần chú ý điều gì?

Lượng đồ ăn của bé

Với các bé mới tập ăn dặm, các mẹ cần lưu ý rằng lượng đồ ăn của con phải tăng dần dần. Không nên lần đầu thấy bé ăn ngon miệng là cho bé ăn nhiều luôn mà hãy bắt đầu với lượng nhỏ trước. Điều này sẽ làm bé kích thích và hứng thú hơn rất nhiều.

Tuyệt đối không nêm mắm, muối vào đồ ăn của bé dưới 1 tuổi

Hệ tiêu hóa của bé dưới 1 tuổi vẫn còn rất non nớt để hấp thụ được mắm, muối hay những gia vị nêm nếm khác. Nếu bé hấp thụ quá nhiều lượng natri sẽ dẫn đến tình trạng thận phải làm việc quá tải, lâu dần sẽ khiến bé bị biếng ăn.

Nếu có nêm gia vị, các mẹ hãy chọn những loại gia vị dành riêng cho độ tuổi của bé để bé không bị nhàm chán với các bữa ăn của mình.

Nên sử dụng các công cụ hỗ trợ chuyên dụng trong khâu chế biến đồ ăn dặm cho bé

Với đặc thù đồ ăn dặm cho bé là với lượng khá ít nên việc sử dụng những vật dụng nấu ăn hàng ngày là một điều khó khăn. Vì vậy, mẹ nên chọn những loại đồ gia dụng chuyên biệt cho các bé như nồi nấu cháo chống dính, thìa – cốc đo lường, rây, dụng cụ vắt – mài, máy xay mini,…cho tiện lợi và phù hợp.

Bắt buộc phải tăng dần độ thô cho đồ ăn của bé

Việc tăng dần độ thô sẽ giúp cơ hàm của bé được phát triển, cũng như vị giác ở đầu lưỡi của bé sẽ tăng dần lên, giúp bé cảm nhận được các vị khác nhau. Việc tăng độ thô của đồ ăn sẽ khiến con biết làm cách nào để phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ hàm, lưỡi và miệng của bé. Đây cũng là một cách để giúp cho việc học nói của con sau này được nhanh chóng hơn.

Được tư tay chuẩn bị và nhìn con yêu ăn hết thức ăn do mình nấu quả thật vô cùng hạnh phúc phải không các mẹ? Hãy cố gắng bớt chút thời gian để tự tay nấu cho bé những món ăn khoái khẩu nhé, mẹ nhé? Rất mong những chia sẻ ở trên sẽ giúp ích được mọi người!