Bé học cách tập lẫy là một trong những cột mốc quan trọng của mỗi trẻ. Có thể nói đây là kỹ năng vận động đầu tiên mà bé phải phối hợp mọi bộ phận cơ thể một cách thuần thục và linh hoạt. Đây cũng chính là thời điểm giúp bé thay đổi được tầm nhìn của chính mình. Quay ngược trở lại khoảng thời gian còn làm bạn với việc nằm ngửa, khung cảnh mà bé nhìn thấy chỉ có thể là ở phía trước mặt bé. Bây giờ, khi biết lẫy, bé có thể thoải mái “quay ngang quay ngửa” để tận hưởng được vạn vật xung quanh mình. Vậy bố mẹ đã biết gì về quá trình học lẫy của bé chưa?
Khi nào bé bắt đầu học cách tập lẫy?
Hầu hết trẻ sơ sinh trong 1 tháng đầu tiên đều không có khả năng tự nghiêng mình qua một bên, khi không có sự hỗ trợ của người lớn. Cho đến khi được tối thiểu 3 tháng tuổi, hoặc có thể sớm hơn đôi chút, bé sẽ có thể bắt đầu lẫy.
Những ngày sau đó, sự phát triển của các cơ tay, cơ cổ sẽ giúp bé lăn qua lăn lại một cách dễ dàng. Cùng với việc phối hợp với cơ bụng, cơ chân và quá trình được tập nằm sấp trước đó, bé sẽ nhanh chóng học lẫy thành thạo.

Sau khi đã lẫy được lên thành thạo, vấn đề bây giờ là làm sao để lật ngửa trở lại? Nó lại là một bài toán khác mà chính bé là người phải đi tìm lời giải. Và mẹ yên tâm một điều, kỹ năng này lại không hề khó như khi lẫy lên. Khi lật người nằm ngửa trở lại, bé chỉ cần sử dụng sức mạnh đôi chân và một chút sức lực của cánh tay là đã có thể khiến cơ thể nằm ngửa trở lại rồi. Nó thật sự đơn giản thôi!
Dấu hiệu cho biết bé đang muốn học cách tập lẫy
Khi bắt đầu chuẩn bị học một kỹ năng mới, sẽ có những dấu hiệu mà bé phát ra trước đó. Học lẫy cũng vậy, để biết được khi nào bé muốn lẫy, chỉ cần căn cứ vào những điều dưới đây:
Một là, khi bé được đặt nằm ngửa trên bề mặt phẳng, bé hay có xu hướng nằm nghiêng sang một bên, nâng đầu lên cao hơn cơ thể.
Hai là, trong những lúc nằm sấp, bé tự ngóc đầu lên và dùng hai tay chống xuống giường để làm điểm tựa.
Ba là, bé thích nằm nghiêng hơn bình thường. Bé đã không còn hứng thú với việc nằm thẳng, nhìn thẳng lên không trung nữa rồi. Bởi vì ngoài kia, ở một tầm nhìn khác, có nhiều thứ hay ho hơn nhiều.

Bốn là, khi bé nhìn thấy một đồ vật nào đó ở gần, xung quanh bé, bé có xu hướng giơ tay ra với với và dịch chuyển dần về phía món đồ đó.
Bé học cách tập lẫy, bố mẹ có cần hỗ trợ gì không?
Tất nhiên, giai đoạn ban đầu học hỏi một điều gì đó cũng đều vấp phải những khó khăn. Được sự hỗ trợ từ bố mẹ là điều vô cùng tuyệt vời. Vậy bố mẹ có thể làm những gì để có thể giúp đỡ bé học lẫy thành công?
- Những ngày đầu tiên học lẫy, cơ tay cũng như cổ của bé chưa đủ khỏe để bé lật “một phát ăn ngay”. Lúc này, bố mẹ có thể giúp bé lẫy dễ dàng hơn bằng cách tác động lực lên người bé. Chỉ một vài ngày sau khi nhận được sự trợ giúp, bé sẽ tự lẫy thành công mà không còn cần tới sự trợ giúp của bố mẹ nữa.
- Một cách khác mà bố mẹ cũng đóng góp một phần lớn vào công cuộc học lẫy của bé là thu dọn không gian tập lẫy cho bé sao cho đảm bảo an toàn.
Lẫy trong khi ngủ có phải vấn đề nguy hiểm?
Một điều không còn xa lạ với các mẹ có con nhỏ đó là không chỉ trong lúc thức, mà trong khi ngủ bé cũng có thể lẫy. Điều này cũng có thể gây nguy hiểm, hoặc là không, mặc dù mẹ cũng nên bế bé nằm ngửa trở lại vị trí ngủ.
Chứng đột tử ở trẻ sơ sinh trong khi ngủ xảy ra nhiều nhất ở độ tuổi từ sơ sinh cho đến khi bé được 1 tuổi. Chính điều này, mà để bé nằm úp khi ngủ không được khuyến khích bởi 3 nguyên nhân sau:
- Khiến bé bị thiếu không khí dẫn đến ngạt thở nếu như không may mũi bé bị các vật dụng khác như chăn, gối,… che lấp. Bé trong giai đoạn lẫy đã rất hoạt bát. Bé đã biết khùa khoặng tay chân ra xung quanh để tìm đồ chơi. Nếu không may tay bé chạm vào chăn, gối, bé sẽ kéo về phía mình. Và vô tình, nó khiến bé bị nguy hiểm.
- Trên ga, gối có chứa rất nhiều vi khuẩn có hại, mặc dù trông nó vẫn sạch sẽ. Có một sự thật mà bạn chưa biết, đó là trên bề mặt ga, gối có đến hàng ngàn loại vi khuẩn khác nhau. Một tuần mẹ nên thay chăn, ga, gối một lần để đảm bảo giường luôn được sạch sẽ.
- Trước khi biết lẫy, cổ bé chưa đủ cứng và nâng cao được lâu. Khi lật người lên quá lâu, bé sẽ rất khó lật ngửa trở lại, gây mỏi cổ, thậm chí bé còn trở nên cáu gắt, và bài xích việc luyện tập này.
Các chuyên gia nhi khoa đã cho biết rằng, không phải việc nằm úp lúc nào cũng gây nguy hiểm cho bé. Bài tập tummy time hay còn gọi là bài tập nằm sấp còn được khuyến khích tập cho bé hơn bao giờ hết. Ngay từ khi còn là em bé sơ sinh, bé đã nên được tập bài tập này . Tummy time giúp kỹ năng vận động của bé sau này tốt hơn, tạo cơ hội để tất cả các nhóm cơ đều được hoạt động, cơ cổ cũng vì thế mà khỏe hơn và giảm nguy cơ bị bẹp đầu do bé phải nằm một tư thế quá lâu.
5 lưu ý khi bé học lẫy
- Tummy time chính là bài học vỡ lòng của mỗi bé. Được nằm sấp mỗi ngày giúp bé phát triển các hệ cơ một cách toàn diện. Ngoài bài tập tummy time ra, mẹ cũng có thể đặt bé nằm úp trên phần cánh tay mình, đặt ngang hông và cho đầu bé tựa vào phần bắp tay. Cách này khá giống với bài tập tummy time, nên mẹ cũng có thể áp dụng.
- Thời điểm lẫy của mỗi bé khác nhau do sự vận động và phát triển của mỗi bé cũng là khác nhau. Tuy nhiên, một khi bé đã có dấu hiệu muốn lẫy, mẹ tuyệt đối không nên để bé nằm trên giường một mình mà không có biện pháp che chắn nào.
- Thời gian tập lẫy mỗi ngày chỉ nên dao động từ 20 – 30 phút.Với những bé mới học lẫy, việc nằm úp quá lâu có thể khiến bé bị mỏi cơ và gục mặt xuống bất cứ lúc nào. Điều này vô cùng nguy hiểm.
- Tuyệt đối không cho bé tập lẫy khi vừa mới ăn xong. Bởi việc này có ảnh hưởng trực tiếp đến dạ dày và hệ tiêu hóa của bé.
- Cho trẻ tập lẫy trên bề mặt bằng phẳng, thấp, và rộng rãi để bé thoải mái vận động mà không bị bất cứ vật nào cản trở.

Sau khi biết lẫy, bé sẽ làm gì tiếp theo?
Khi bé biết lẫy, cơ cổ của bé đã đủ khỏe để nâng cao và giữ vững được đầu. Lúc này, bé sẽ sớm ngồi dậy. Ban đầu cũng sẽ cần sự trợ giúp từ người thân. Và sau đó cũng nhờ vào sự nỗ lực của bé mà bé có thể tự ngồi vững.
Sau khi lẫy lật ổn thỏa, bé sẽ học đến kỹ năng bò tiếp theo. Và sau nữa là bé sẽ tự mình đứng lên. Giữ thăng bằng cho cơ thể và bước những bước đi đầu tiên lên phía trước bằng chính đôi chân của mình.
Kỹ năng nào cũng có những khó khăn nhất định. Để vượt qua được những điều khó khăn đó, sự nỗ lực ở chính bản thân bé là điều cốt yếu. Nhưng có những sự động viên, lời khích lệ và những người “bạn đồng hành” chính là điều kiện đủ để bé có thể vững bước trên chặng đường phát triển của chính mình. Hãy trở thành bạn của con để có thể san sẻ được mọi điều trong cuộc sống nhé!