Học ngồi là một kỹ năng bắt buộc của mỗi em bé. Do vậy để có thể ngồi được một cách thuần thục, ngoài việc học hỏi, luyện tập và nỗ lực của chính con, thì sự hỗ trợ của bố mẹ cũng là một điều vô cùng cần thiết. Nếu bố mẹ thiếu kiến thức trong quá trình giúp con học ngồi, chính con nhà bạn sẽ trở thành nạn nhân do những di chứng nặng nề của việc bé học ngồi sai cách để lại. Hãy cùng đi tìm lời giải cho vấn đề này ngay sau đây.
Khi nào bé có thể học ngồi?
Để tầm nhìn của mình có thể được mở rộng hơn, bé bắt buộc phải học thêm một kỹ năng mới – kỹ năng ngồi. Đây cũng là điều cần thiết để hình thành nên quá trình phát triển vận động của mỗi em bé.
Tùy thuộc vào sự phát triển của từng bé mà thời điểm học ngồi của bé sẽ là khác nhau. Nhưng hầu hết, ở độ tuổi từ 4 – 6 tháng tuổi sẽ là thời điểm thích hợp nhất. Bởi lúc này cổ của bé đã có thể cất và ngẩng cao. Khi đó, bé hoàn toàn có thể ngồi được. Tất nhiên là khi có sự giúp đỡ và hỗ trợ từ người thân.
Khi bé được 6 tháng tuổi, phần cơ cổ, vai và lưng của bé đã cứng cáp hơn rất nhiều nên bé có thể ngồi thằng kể cả khi không có sự hỗ trợ. Và cho đến khi bé được 7 hoặc 8 tháng tuổi, bé đã có thể tự chuyển từ trạng thái nằm sấp thành trạng thái ngồi thẳng và vững mà không cần sự giúp đỡ từ người khác.
Quá trình học ngồi của bé diễn ra như thế nào?
Sự tiến hóa của con người không phải ngẫu nhiên mà Tạo hóa ưu ái ban tặng cho loài người chúng ta. Mà nó còn do chính sự thông minh, nhanh nhẹn trong việc tiếp thu, cải thiện các kỹ năng. Một em bé sơ sinh mới chào đời, cho dù các mẹ có mong ngóng đến mức nào đi chăng nữa thì các bé cũng mới chỉ biết nằm im, và biểu đạt nhu cầu của mình qua tiếng khóc. Thế nhưng, trải qua nhiều ngày tháng được chăm sóc, hướng dẫn và hỗ trợ từ mọi người mà bé cũng sẽ học hỏi và đạt được những thành tựu nhất định khi bé dần lưu vào “kho tàng” của mình những cột mốc phát triển vượt trội.
Để phát triển được kỹ năng ngồi, trước đó các bé cũng đã học hỏi được kha khá các kỹ năng hỗ trợ như nằm sấp, ngẩng cao đầu, lẫy, trườn, và bò. Vậy mới nói, các giai đoạn phát triển của bé không phải tự nhiên diễn ra chỉ sau một đêm, mà nó là cả một quá trình “khổ luyện” của bé. Khi các nhóm cơ tiếp tục phát triển hoàn thiện, sẽ nhanh thôi bé sẽ tự hóa thân vào vai một nhà thám hiểm tí hon để khám phá mọi ngóc ngách trong ngôi nhà của bạn.
Các phương pháp học ngồi đúng cách phổ biến hiện nay
Để giúp bé có thể học được cách ngồi dậy, mẹ cần có những phương pháp phù hợp để hỗ trợ cho con như:
Khuyến khích bé tập trung vào một sự vật, sự việc cố định
Việc khuyến khích bé chơi cùng với đồ chơi có trọng lượng vừa phải hay những thứ bé cảm thấy thích thú (như cho bé ngồi trước gương,…) sẽ làm cho bé trở nên tập trung hơn vào việc tự ngồi. Từ đó dễ cân bằng được cơ thể, sẽ giúp cho quá trình học ngồi trở nên dễ dàng hơn.
Dùng hai chân mẹ làm ghế tựa cho bé
Mẹ có thể áp dụng cách cho bé ngồi vào giữa hai chân mình, và dùng hai chân kẹp bé lại. Việc làm này như một cách tạo ra chiếc ghế giúp bé tựa vào và hơn thế là nó như một lớp bảo vệ xung quanh, cố định bé giúp bé ngồi vững chắc và thẳng lưng hơn.
Giúp bé học cách di chuyển
Giúp bé học cách di chuyển bằng cách chơi trò chơi là một phương pháp không bao giờ trở nên nhàm chán. Hãy chơi với bé trò “kéo cưa ngồi dậy” để giúp bé chuyển từ trạng thái nằm sang trạng thái ngồi, luyện cách giữ thẳng lưng và gồng cơ bụng cho bé. Mẹ có thể thực hiện bằng cách cho bé nằm ở giường hay bất kỳ nơi nào bằng phẳng và an toàn. Sau đó hai tay mẹ nắm lấy hai tay bé, kéo bé ngồi dậy. Lặp đi lặp lại hành động này cùng những câu nói vui nhộn sẽ khiến bé vui vẻ và thích thú cả ngày.
Còn rất nhiều các cách khác nhau mà các mẹ có thể thoải mái sáng tạo luyện tập. Tuy nhiên mẹ cần chú ý đến độ an toàn của các phương pháp tập đó. Nếu áp dụng sai cách, bé chính là người đầu tiên và duy nhất phải chịu hậu quả. Do vậy, mẹ cần phải tuân thủ các nguyên tắc an toàn một cách triệt để.
Một vài lưu ý cho mẹ có bé đang học kỹ năng ngồi
Để có thể hỗ trợ bé một cách tối đa để bé học được cách ngồi đúng chuẩn, mẹ cần phải bắt buộc lưu ý các điều sau:
Thứ nhất, mẹ phải trang bị cho mình nguồn kiến thức khoa học, đáng tin cậy từ các bác sĩ và chuyên gia y tế. Biết chọn lọc đâu là thông tin đúng, đâu là thông tin sai để áp dụng cho bé.
Thứ hai, không gian cho bé học ngồi phải thật an toàn. Việc học ngồi của bé nên được diễn ra ở những nơi có bề mặt bằng phẳng và rộng rãi như trên giường, hoặc dưới sàn nhà. Hơn nữa, bé mới học ngồi, mẹ không nên để quá nhiều đồ chơi xung quanh gây cho bé không tập trung và khiến không gian trở nên chật chội, khó hoạt động.
Thứ ba, mẹ phải là chuyên gia giám sát bé mọi lúc, mọi nơi. Bởi khi bé học một kỹ năng mới, bé sẽ rất hiếu động. Có thể bé sẽ không kiểm soát được lực đẩy, lực đỡ, lực cân bằng mà dẫn đến bé bị ngã.
Cuối cùng, việc học những kỹ năng thể chất mới sẽ làm đảo lộn cả quá trình phát triển về cân nặng. Do vậy, nếu bé có biếng ăn hơn trước hay ngủ kém hơn thì đó cũng chỉ là những dấu hiệu sinh lý bình thường, không đáng lo ngại. Bé sẽ trở lại ăn ngon, ngủ tốt khi bé kết thúc được việc học kỹ năng mới ngay thôi.
Nếu bé học ngồi sai cách, hậu quả là gì?
Xương sống của con người được cấu tạo bởi các đốt sống xếp chồng lên nhau và được ngăn cách bởi các đĩa đệm có tính đàn hồi cao. Điều này giúp cho việc vận động như cúi gập, giãn cơ cột sống hay chịu tải trọng cơ thể được thực hiện một cách dễ dàng.
Từ khi là trẻ sơ sinh, cột sống của mỗi người đều có dạng hơi cong hình chữ S, điều này là hoàn toàn bình thường. Và trong quá trình phát triển của trẻ sơ sinh, kỹ năng học ngồi cũng là một quá trình cần thiết và quan trọng đối với sự phát triển của cột sống. Nó giúp cho cột sống được hoàn thiện hơn và cứng cáp hơn. Chính vì vậy, học ngồi sai cách, sai tư thế gây ra rất nhiều tác hại khôn lường đến cuộc sống của con người. Một số hậu quả nghiêm trọng có thể được kể đến như:
Gây suy giảm hô hấp
Tại sao ngồi sai tư thế lại gây suy giảm hô hấp? Lý do là bởi khi ngồi không đúng, tim sẽ bị chèn ép, dung tích phổi cũng vì vậy mà suy giảm, dẫn đến việc thở không sâu, ảnh hưởng không tốt đến lồng ngực gây ra căn bệnh suy hô hấp.
Cong, vẹo cột sống
Xương sống bị ảnh hưởng ngay từ khi bé còn nhỏ trong quá trình định hình các tư thế ngồi sẽ làm cho cột sống bị cong, vẹo. Lâu dần, nó sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến thẩm mỹ và hơn hết là đối với sức khỏe của bé sau này như tình trạng thoái hóa và gai cột sống sớm khi trưởng thành.
Nguy cơ bị cận thị cao
Ngồi sai tư thế sẽ khiến cho tầm nhìn của bé hạn chế, lâu dần sẽ dẫn đến tình trạng cận thị, loạn thị ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống.
Từ đây có thể thấy được rằng, việc học ngồi sai cách, sai tư thế gây ra không ít những phiền toái mang tính chất tác động trực tiếp đến cuộc sống của mỗi người. Do vậy, các mẹ có bé trong giai đoạn học ngồi cần đặc biệt phải tìm hiểu và quan sát bé một cách thật kỹ lưỡng để tránh những điều đáng tiếc xảy ra.