Ngủ là một trong những nhu cầu quan trọng nhất trong quá trình phát triển của con người, nhất là ở trẻ em. Bấy lâu nay, ở Việt Nam, dù là thành phố hay nông thôn, việc ngủ ở trẻ không được coi trọng một cách đúng đắn. Các bà, các mẹ thường có suy nghĩ rằng trẻ em chưa có khả năng tự ngủ mà phải có sự giúp đỡ từ những lời ru, hay những cánh võng đong đưa. Điều này thật sai lầm và cần được xóa bỏ. Hãy để cho bé được tự làm chủ giấc ngủ của mình bằng cách luyện tự ngủ cho bé, mẹ nhé!
Định nghĩa luyện tự ngủ là gì?
Luyện tự ngủ, hay hướng dẫn bé tự ngủ là các thủ thuật hay sự hỗ trợ của cha mẹ để bé có thể học cách tự đưa mình vào giấc ngủ mà không cần mẹ phải bế bé hàng giờ trên tay ru khắp nhà. Một khi bé tự ngủ, bé sẽ trở nên ngủ ngon hơn với thời gian ngủ nhiều hơn và chất lượng hơn.
Để luyện tự ngủ cho bé, mẹ có thể có hoặc không cần đến sự giúp đỡ và hỗ trợ từ bố mẹ để có thể học cách tự ngủ. Quá trình tự ngủ của bé không phải là việc bố mẹ để mặc bé khóc đến khi nào mệt quá bé ngủ thiếp đi mới thôi. Điều này là không hợp lý, là phản khoa học. Không có bác sĩ hay vị chuyên gia giấc ngủ nào khuyên bạn làm điều đó cả đâu.
Tại sao luyện tự ngủ cho bé là việc làm cần thiết?
Việc luyện tự ngủ cho bé là điều không bắt buộc ở mọi gia đình. Nó còn phụ thuộc vào sự lựa chọn từ phía người trực tiếp chăm sóc cho bé, nhất là mẹ.
Ngủ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong sự tồn tại và phát triển ở trẻ. Có một sự khác biệt rất lớn giữa giấc ngủ của trẻ em và của người lớn. Giấc ngủ của người trưởng thành đơn giản chỉ là sự nghỉ ngơi và hồi phục thần kinh. Còn giấc ngủ ở trẻ em, nó còn là quá trình học hỏi, phát triển kỹ năng, tích lũy trí nhớ, phát triển toàn diện về cả thể chất lẫn trí não.
Một em bé sơ sinh có thể ngủ được từ 18 – 20 giờ mỗi ngày và nó giảm dần xuống còn 14 tiếng khi bé chạm mốc được một tuổi. Như vậy có thể thấy thời lượng bé ngủ chiếm tối đa 70% thời gian trong ngày.
Tự ngủ là một kỹ năng quan trọng và là món quà tuyệt vời nhất mà bố mẹ có thể dành cho con. Tự ngủ là khi bố mẹ đặt bé vào giường và bé sẵn sàng đi ngủ dù bé còn đang thức; và bố mẹ tác động, hỗ trợ rất ít mà bé vẫn chấp nhận đi ngủ và tự đưa mình vào giấc ngủ. Cha ông ta thường có câu “cho cái cần còn hơn cho con cá”. Tại sao lại như vậy? Bạn hãy so sánh việc được cho một cái cần giúp bạn câu được rất nhiều con cá với việc được cho một con cá, cái nào lợi hơn? Hơn nữa, việc học thêm được một kỹ năng còn giúp bé chủ động, tự tin hơn nữa đấy ạ.
Sau quá trình luyện tự ngủ cho bé thành công, mẹ sẽ thấy được bé có một sự thay đổi ngoạn mục. Bé trở nên vui vẻ hơn sau mỗi giấc ngủ, có thể chơi tự lập hàng giờ liền và ăn tốt lên. Cả gia đình cũng không còn chao đảo bởi những tiếng khóc gắt ngủ của bé, trở lại nhịp sinh hoạt thường ngày mà không có thêm những khó khăn nào.
Bé 6 tháng có thể áp dụng phương pháp này không?
Một băn khoăn rất lớn từ mọi cha mẹ là bé từ bao nhiêu tháng tuổi có thể áp dụng được phương pháp luyện tự ngủ? Câu trả lời là ngay từ khi bé được sinh ra, mẹ đã có thể áp dụng. Tuy nhiên, mẹ có thể áp dụng muộn hơn khi bé được 6 tuần tuổi là tốt nhất, bởi lúc này mẹ và bé đã làm quen với nhau được một thời gian rồi và đã có thể hiểu được những dấu hiệu do nhau truyền lại.
Bé 6 tháng tuổi, tức là bé đã trải qua được ít nhất 24 tuần tuổi – một khoảng thời gian khá dài cho một em bé. Do vậy, mẹ và bé đã quá quen thuộc với nhau về tính cách cũng như thói quen. Bé 6 tháng tuổi chắc hẳn đã được mẹ tạo cho một trình tự sinh hoạt rõ ràng rồi phải không nào? Vậy chẳng có lý do gì mẹ không luyện tự ngủ cho bé cả.
5 bước luyện tự ngủ cho bé
Nếu mẹ đã quá mệt mỏi với việc bé cáu gắt trước mỗi giấc ngủ, hay mẹ phải bế rong bé trên tay hàng giờ đồng hồ,… Còn chần chờ gì nữa, mẹ hãy bắt tay ngay vào công cuộc luyện tự ngủ cho bé ngay thôi nào bằng 5 bước ngay sau đây.
Tạo không gian dễ ngủ
Môi trường ngủ ảnh hưởng rất lớn đến giấc ngủ của bé. Nó cũng có thể tạo ra hay kết thúc một giấc ngủ. Bởi nếu không gian quá sáng, quá ồn, quá kích thích sẽ dẫn đến việc bé không đi ngủ được, hay không thể tiếp tục được giấc ngủ của mình.
Bắt đầu trình tự đi ngủ
Việc tạo lập và thực hiện một trình tự đi ngủ quen thuộc, lặp đi lặp lại hằng ngày sẽ giúp bé tạo một thói quen, một nếp sinh hoạt rõ ràng. Nó cũng giúp cho cả mẹ và bé đều biết được rằng kết thúc hoạt động này sẽ phải bắt đầu hoạt động nào tiếp theo. Từ đó tạo được thế chủ động, dễ dàng trong mọi việc.
Cho bé đi ngủ vào một giờ cố định trong ngày
Cho bé đi ngủ vào khung giờ nào không quan trọng, tùy thuộc vào từng gia đình. Nhưng khi cho bé đi ngủ vào một giờ nhất định trong ngày sẽ tạo nên sự nhất quán, làm cho giấc ngủ của bé trở nên chất lượng hơn.
Ví dụ như, với em bé 6 tháng tuổi, giấc ngủ đêm của bé nên được bắt đầu từ 6 giờ 30 đến 7 giờ 30 tối hằng ngày. Mẹ hãy đảm bảo rằng thời gian đi ngủ của bé không nên chênh lệch quá 30 phút mỗi đêm.
Đánh thức bé vào cùng một thời điểm mỗi sáng
Nếu mỗi ngày cho bé thức giấc vào một khung giờ khác nhau, điều này sẽ dẫn đến việc các giấc ngủ ban ngày của bé cũng vì thế mà có những sự điều chỉnh nhất định dẫn đến sự hỗn loạn về giờ. Vậy nên, việc đánh thức bé vào cùng một thời điểm mỗi sáng là hoàn toàn cần thiết.
Theo dõi thời gian thức của bé
Với một em bé 6 tháng tuổi, một ngày bé nên có 3 giấc ngủ trước khi đi vào giấc ngủ đêm. Khi đó, bé sẽ có khoảng từ 6 – 7 giờ thức mỗi ngày. Việc theo dõi thời gian thức cũng là cách giúp mẹ kiểm soát được giấc ngủ và quá trình sinh hoạt của bé.
Luyện tự ngủ cho bé, mẹ cần lưu ý điều gì?
Luyện tự ngủ cho con là cả một quá trình, nên cũng sẽ có nhiều khó khăn mẹ cần phải đương đầu. Vì vậy, mẹ nên chú ý một vài điểm sau:
Thứ nhất, đây là một phương pháp nuôi con theo khoa học, không phải các bà, các mẹ nào nuôi con theo phương pháp truyền thống dễ dàng chấp nhận. Nên một khi mẹ đã muốn áp dụng, hãy đừng để bất kỳ một ai tác động và thay đổi.
Thứ hai, mẹ phải có kiến thức. Như đã nói ở trên, luyện tự ngủ cho bé không phải là cách mẹ để cho bé khóc đến khi nào mệt thì tự ngủ thiếp đi. Hãy bỏ đi suy nghĩ này bởi luyện ngủ cho bé không đồng nghĩa với việc bỏ mặc bé, tự để cho bé hành động. Càng làm như vậy sẽ càng khiến bé chống cự và trở nên quá khích hơn.
Thứ ba, mẹ cần phải kiên trì. Đã là một quá trình, nó không phải sẽ thành công trong ngày một ngày hai. Một số bé có thể chấp nhận và thành công sau vài ngày hoặc lâu hơn có thể là vài tuần.
Thứ tư, có kế hoạch và ghi chép cụ thể. Làm bất cứ một điều gì khi có kế hoạch cụ thể bao giờ tỉ lệ thành công cũng sẽ cao hơn. Nên nếu có thể, hãy xây dựng một kế hoạch về việc phân công ai làm gì và làm như thế nào. Sau đó hãy ghi chép lại diễn biến để tùy vào tình hình cụ thể mà có những thay đổi, chỉnh sửa cho hợp lý.
Kiên trì áp dụng, mẹ sẽ nhận lại nhiều trái ngọt. Chúc các mẹ sớm thành công.